Ngày 17/9/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 6653/NHNN-VP về việc sẵn sàng ứng phó thiên tai.
Thực hiện Công điện 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai, để đảm bảo an toàn tài sản và hạn chế tối đa thiệt hại do bão, lũ gây ra trong ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, đặc biệt là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Miền núi và bão, lũ tại khu vực Miền trung. Cụ thể:
Phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021. Nâng cao nhận thức đối với các loại hình thiên tai, kỹ năng ứng phó, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT).
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả phương án phòng, chống và ứng phó tương ứng với từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, đặc biệt là trong tình huống xảy ra mưa, bão lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt kéo dài trên diện rộng,… đảm bảo an toàn khu vực trụ sở cơ quan, kho tiền, kho lưu trữ, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin và các tài sản khác của đơn vị, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Bố trí đủ số người và các thiết bị cần thiết cho công tác PCTT nhằm nâng cao năng lực PCTT của đơn vị. Tổ chức tập huấn, diễn tập phối hợp công tác cho lực lượng PCTT của đơn vị mình (nếu cần thiết).
Đối với những đơn vị liên quan đến quản lý kho tiền, kho lưu trữ, cơ sở in, đúc tiền, cần phân công cán bộ theo dõi, nắm sát diễn biến tình hình khi có bão, lũ, đảm bảo an toàn tài sản, tài liệu, dây chuyền máy móc, thiết bị chuyên dùng, các tài sản bảo quản trong kho vật tư, kho đệm, kho thành phẩm,… Bố trí lực lượng trực PCTT 24/24 giờ (trong tình huống bão, lũ có thể đổ bộ về đêm) tại nơi làm việc. Thường xuyên kiểm tra, cải tạo cơ sở hạ tầng của đơn vị nhằm nâng cao khả năng chống chịu, PCTT, đặc biệt là kho tiền, kho lưu trữ. Có phương án chủ động xử lý kịp thời trong trường hợp bắt buộc phải di dời, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản, không để tiền mặt, tài liệu, máy móc, thiết bị, vật tư và các tài sản bảo quản trong kho bị ướt, ẩm mốc, hư hỏng, mất an ninh, an toàn.
Đối với những đơn vị liên quan đến lĩnh vực thanh toán và công nghệ thông tin, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán Quốc gia, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hạ tầng thanh toán điện tử khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công và các hoạt động giao dịch, thu, chi tiền mặt của NHNN cũng như các TCTD, không để xảy ra gián đoạn trong mọi trường hợp. Có phương án đảm bảo hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng, các hệ thống thông tin điều hành và đảm bảo an toàn tài sản của các Trung tâm dữ liệu chính và dự phòng.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, cần: (i) Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; (ii) Đảm bảo an toàn hoạt động thu, chi tiền mặt trên địa bàn, tránh giao dịch vào những thời điểm có nguy cơ mất an toàn do mưa bão, ngập lụt; (iii) Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác ứng phó với thiên tai, không để xảy ra thiệt hại về người, tài sản; (iv) Bảo đảm an toàn kho tiền, hệ thống công nghệ thông tin và các tài liệu, chứng từ, hồ sơ… không để ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và công tác tín dụng, thanh toán và tiền mặt trên địa bàn; (v) Kịp thời báo cáo, tham mưu cho NHNN có chính sách tín dụng đặc thù cho các đối tượng gặp khó khăn về nguồn vốn do thiên tai gây ra để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Giám đốc chi nhánh các TCTD trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão, lụt; cử Lãnh đạo đơn vị trực tại cơ quan 24/24 giờ để trực tiếp chỉ đạo lực lượng PCTT của đơn vị xử lý kịp thời sự cố xảy ra trong suốt thời gian bị ảnh hưởng của bão.
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống: (i) Chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác PCTT; (ii) Phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn trong công tác PCTT và chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia thực hiện nhiệm vụ khi có thiên tai xảy ra. Đối với các chi nhánh/phòng giao dịch thuộc TCTD phải tạm ngừng giao dịch do ảnh hưởng của bão, lũ cần nhanh chóng có biện pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng như: thông báo tới khách hàng địa điểm giao dịch mới (các chi nhánh/phòng giao dịch lân cận), tăng cường giao dịch tại các chi nhánh và các điểm giao dịch không bị ảnh hưởng,…
Các đơn vị kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN tình hình thực hiện công tác PCTT và thiệt hại có liên quan khi có thiên tai xảy ra; đề xuất và thực hiện các phương án khắc phục hậu quả.
Văn bản cũng yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc NHNN, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh (thành phố), Chủ tịch HĐQT/TGĐ các TCTD và Giám đốc chi nhánh các TCTD chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu để xảy ra thiệt hại do không triển khai nghiêm túc, kịp thời các biện pháp ứng phó phù hợp.