Thứ tư, 22/01/2025
   

Tín dụng bán lẻ kỳ vọng tăng tốc cuối năm

Mảng cho vay bán lẻ của nhiều ngân hàng có tốc độ phục hồi mạnh mẽ từ đầu tháng 6 năm nay sau 4 quý liền kề trước đó liên tiếp sụt giảm. Lạm phát được kiểm soát tốt, thu nhập người dân cải thiện sẽ là những trợ lực đáng kể cho tín dụng bán lẻ tăng tốc những tháng cuối năm.

Do ảnh hưởng nhiều chiều sau dịch Covid-19, thu nhập của người lao động sụt giảm khiến sức mua giảm, tín dụng bán lẻ của các NHTM liên tục giảm từ cuối năm 2023 mặc dù lãi suất tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống xuống mức thấp nhất lịch sử trong 20 năm qua. Theo số liệu thống kê của NHNN, cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Hiện cầu tín dụng đã tăng trở lại, thu nhập của người dân cũng được cải thiện nên các TCTD đang kỳ vọng mảng cho vay bán lẻ thời gian tới sẽ cải thiện đáng kể.

Tín dụng bán lẻ kỳ vọng tăng tốc cuối năm
Tiêu dùng cuối năm thường tăng theo mùa là cơ hội cho các TCTD mở rộng khách hàng vay vốn

Củng cố cho luận điểm tiêu dùng phục hồi sẽ mở ra cơ hội cho tín dụng bán lẻ là chỉ số PMI nhảy vọt lên mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây, khi PMI các tháng 4, 5, 6, 7 lần lượt tăng 50,3; 50,3; 54,7; 54,7. Các chuyên gia của ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, PMI không chỉ vượt hẳn ngưỡng mở rộng 50 mà còn đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Điều đáng khích lệ là tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng cao so với những tháng gần đây đảm bảo cho triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Sản xuất phục hồi kéo theo đó là việc làm và thu nhập của người lao động cũng sẽ được cải thiện, tiêu dùng vì thế cũng khởi sắc hơn.

Đặc biệt, Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN cho phép các TCTD cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Theo các chuyên gia tài chính cơ chế này sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng giải ngân những khoản vay có giá trị nhỏ với chi phí thấp nếu áp dụng phương thức cho vay điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, tín dụng bán lẻ của ngân hàng này tăng mạnh từ đầu tháng 6 năm nay. Với dư nợ tín dụng bán lẻ chiếm khoảng 50% tổng dư nợ, Vietcombank hy vọng những tháng cuối năm 2024 hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, người lao động có thu nhập bình thường trở lại và lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp sẽ khuyến khích sức mua trên thị trường.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, sau khi có Đề án 06 của Chính phủ, Quyết định 2345 của Chính phủ, Kế hoạch 01 giữa NHNN và Bộ Công an về triển khai Đề án 06, hoạt động kinh doanh nói chung của ngân hàng được hỗ trợ rất nhiều. Việc MB và các TCTD đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư trong cấp tín dụng không chỉ giúp tăng chất lượng tín dụng mà ngân hàng còn có thể tiết giảm chi phí, tỷ lệ cấp tín dụng tự động cho các nhóm khách hàng, đặc biệt nhóm khách hàng cá nhân tăng. Chủ tịch HĐQT MB cho rằng, chính sách lãi suất tiếp tục giữ vững ổn định trong những tháng cuối năm 2024 và lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo đà cho tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao hơn.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, chiến lược kinh doanh của ngân hàng tập trung cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, phù hợp với sở trường, khẩu vị rủi ro, nguồn lực nội tại của ngân hàng. VIB hiện nay có gần 85% cơ cấu danh mục tín dụng phục vụ cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, trong đó có khoảng 90% dư nợ bán lẻ là có tài sản đảm bảo. Kiên trì với những định hướng bán lẻ, VIB xây dựng và triển khai các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ theo Basel 2 trong quy trình cấp tín dụng. Qua đó, có thể phê duyệt tự động, hoặc phê duyệt một số phân khúc khách hàng theo chấm điểm tín dụng. Áp dụng Basel 2 cũng cho phép VIB nhận diện rủi ro và giảm thiểu rủi ro tín dụng tốt hơn, nhờ đó ngân hàng có thể đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, tăng khả năng cung ứng vốn ra thị trường.

Một trong những mục tiêu trọng tâm của kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024 của NHNN, yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng. Trong đó tập trung vốn hướng vào các lĩnh vực là động lực phát triển bao gồm xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng. Đây cũng là "động lực" khiến tín dụng bán lẻ tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay