Thứ ba, 05/11/2024
   

Tạo điều kiện phát triển toàn diện, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ

Ngày 15/10/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế -xã hội". Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực

Ngày 15/10/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế -xã hội". Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tham dự Hội nghị và đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị của đại biểu về một số nội dung liên quan đến ngành Ngân hàng.

Phụ nữ có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu gái cùng các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 92 năm thành lập HLHPN và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Đồng thời ghi nhận, biểu dương HLHPN đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tích cực chuẩn bị, tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại hôm nay.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng luôn tỏa sáng phẩm chất "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp… với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội, những lúc thuận lợi cũng như khó khăn.

Nhân đây, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với chị em phụ nữ trong hơn 2 năm chống dịch, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại và hội nhập; phụ nữ đã có nhiều vất vả, hy sinh, nhọc nhằn trong phòng, chống dịch, vừa gánh vai trò gia đình, vừa là thành viên của xã hội, đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ chung.

Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân nói chung và người phụ nữ nói riêng, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.

"Chúng ta cần nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được để tiếp tục có các giải pháp nhằm cải thiện, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc, cống hiến của chị em phụ nữ ngày càng tốt hơn. Tất nhiên, cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề nhưng ít nhất chúng ta phải có ý thức không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân thành, các đại biểu nói rõ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc; các bộ, ngành trả lời có trách nhiệm về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của phụ nữ cả nước.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPN) Hà Thị Nga báo cáo đề dẫn một số kết quả của tổ chức Hội; quá trình lấy ý kiến của phụ nữ và các vấn đề đặt ra hiện nay liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới.

Bà Hà Thị Nga nhấn mạnh, cuộc đối thoại là minh chứng cụ thể thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đối với phong trào phụ nữ và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tỷ lệ nữ đại biểu khoá XV đạt cao, xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan nghị viện/quốc hội (theo đánh giá của Liên đoàn nghị viện quốc tế). 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt. Từ năm 2015 đến nay đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (trong đó năm 2022 có 1 chị).

Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và người dân, các nữ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn - thậm chí cả hy sinh, mất mát - tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mới đây nhất, tại Lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do VCCI tổ chức, nữ doanh nhân Việt Nam có 2 chị trong Top 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, 3 trong 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực văn hóa-thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023. Vận động viên nữ Việt Nam có đóng góp quan trọng về thành tích của quốc gia tại SEA Games 31 với 103 huy chương vàng, 119 huy chương bạc và đồng, chiếm gần 50% trong tổng số huy chương của đoàn Việt Nam. Phụ nữ trong lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc… và còn nhiều thành tựu khác, thể hiện vai trò, vị thế và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Đối với tổ chức HLHPN, đồng hành cùng các cấp chính quyền, các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; đồng thời tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, những ý kiến chính đáng của phụ nữ sẽ được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp phù hợp để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của chị em phụ nữ; đồng thời động viên, khích lệ, truyền cảm hứng để mỗi phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", nỗ lực và quyết tâm hơn nữa nhằm hiện thực hóa những mong ước, khát vọng chính đáng của bản thân, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch HLHPN Hà Thị Nga nhấn mạnh.

NHNN đặc biệt quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của tài chính vi mô

Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng cùng Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu về 3 nhóm chủ đề: (i) Phụ nữ với phát triển kinh tế; (ii) Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; (iii) Phụ nữ và thế hệ tương lai. Trực tiếp làm rõ thêm một số nội dung, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu khi xây dựng các cơ chế, chính sách, ngoài các quy định chung, cần tính tới các quy định riêng phù hợp với phụ nữ.

Đại diện NHNN, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã trao đổi, giải thích nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động tài chính vi mô, hỗ trợ phụ nữ vay vốn, xóa đói giảm nghèo.

Giải đáp câu hỏi của chị Đỗ Thị Ninh, Trưởng phòng giao dịch 03, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đề nghị có giải pháp để mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nội dung phát triển về tài chính vi mô là nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong Chiến lược đó.

Theo Phó Thống đốc, cũng không có nhiều Ban Chỉ đạo có tính chất rất quan trọng, trong đó Ban Chỉ đạo về phát triển tài chính vi mô cũng như Ban Chỉ đạo về tài chính toàn diện trực tiếp do Thủ tướng làm Trưởng ban. Điều đó thể hiện rằng, việc phát triển tài chính toàn diện nói chung, tài chính vi mô nói riêng là chủ trương rất quan trọng cũng như luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với những giải pháp, biện pháp nhằm giúp cho người nghèo, người cận nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển một cách bền vững.

Phó Thống đốc cũng giải thích thêm, đối tượng của các tổ chức tài chính vi mô hiện nay muốn mở rộng thêm ngoài những đối tượng nghèo và cận nghèo hoặc các tổ chức kinh doanh siêu nhỏ, vừa rồi, tài chính toàn diện cũng xác định được những đối tượng mở rộng hơn. Chính vì vậy, căn cứ pháp lý để NHNN triển khai cho việc sửa đổi Thông tư số 03/2018/TT-NHNN trong thời gian tới cũng sẽ được thực hiện để tiếp tục mở rộng đối tượng cho các tổ chức tài chính vi mô hoạt động một cách rộng hơn cũng như thành phần cho vay.

Về hoạt động chuyển tiền cũng như tạo điều kiện mở rộng tài khoản thanh toán cho khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Luật các TCTD hiện nay quy định với tính chất hoạt động của tài chính vi mô thì các khách hàng chưa được phép mở tài khoản thanh toán. Tuy nhiên, trước sự phát triển của chuyển đổi số, kinh tế số và việc ứng dụng công nghệ NHNN cho rằng, nguyện vọng được mở tài khoản thanh toán cho các khách hàng là những đối tượng vay vốn của các tổ chức tài chính vi mô là một nhu cầu cần thiết. Chính vì vậy, thời gian tới, NHNN sẽ sửa Luật các TCTD, trình Quốc hội cho phép tổ chức tài chính vi mô có thể mở tài khoản thanh toán để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền cũng như hoạt động tín dụng cho khách hàng.

“Hiện nay có 4 tổ chức tài chính vi mô và 75 chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động ở 35 tỉnh, thành phố với dư nợ hơn 10 nghìn tỷ, con số này tuy không lớn nhưng cũng thể hiện sự quan tâm dành cho các đối tượng nghèo và cận nghèo”, Phó Thống đốc nói.

Về việc tiếp cận tín dụng với các tổ chức vi mô, Thủ tướng cho rằng ngân hàng cần phải mở rộng đối tượng, mở rộng hạn mức, có kế hoạch đảm bảo cung ứng nguồn tiền phù hợp, hạn chế tín dụng đen. "Ngân hàng cần chủ động để chị em tiếp cận dễ hơn, đảm bảo nhu cầu, bền vững và có điều kiện trả nợ" - Thủ tướng nói.

Tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho biết qua cuộc đối thoại, bản thân ông học hỏi được nhiều điều từ phát biểu của các đại biểu; có thêm nhiều thông tin cho quá trình chỉ đạo, điều hành; đồng thời có cơ hội để chia sẻ một số nội dung.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi người phụ nữ Việt Nam là một bông hoa đẹp, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, sự ấm áp và khát vọng cống hiến trong gia đình và xã hội. Trong đó, hình ảnh người mẹ có lẽ là biểu tượng cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam, là người nuôi dưỡng, dẫn dắt cảm xúc, hành động và là tượng đài của mỗi chúng ta.

Đó là biểu tượng của đức hy sinh, sự hiền hậu, đảm đang như câu nói đầy ý nghĩa: "Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ - Vì con vui, mẹ gánh hết đau buồn". Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Cách đây đúng 1 năm cũng tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhìn lại những nỗ lực 1 năm qua, tất cả chúng ta đều tự hào về những kết quả hết sức tích cực, ấn tượng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được.

Những kết quả này có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò, đóng góp của phụ nữ.

Cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, trước hết là về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. "Khi nói đến phụ nữ người ta hay gọi là "phái yếu" bởi sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hậu… Nhưng ẩn sâu trong sự yếu đuối đó, tôi muốn nhấn mạnh "sức mạnh mềm, sức mạnh của sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn của phụ nữ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, an sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.

Các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ thời gian qua góp phần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ; tạo môi trường để phụ nữ khẳng định mình; công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực; phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Năm 2021, Chính phủ đã Ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2031; Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025". Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, nhất là HLHPN đã tích cực thực hiện Chiến lược và Đề án này. Đồng thời, Hội cũng đã tăng cường phối hợp, tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phụ nữ là một thành tố quan trọng để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Trong phạm vi cả nước, mỗi phụ nữ là hạt nhân thực hiện an sinh xã hội từ sự lan tỏa lòng tốt, yêu thương, giúp đỡ những người cơ nhỡ, tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo… Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với chương trình "Mẹ đỡ đầu" do HLHPN triển khai. Nhờ chương trình này, nhiều trẻ em đã được nuôi dưỡng, hỗ trợ, xoa dịu mất mát của các cháu.

Vấn đề liên quan đến môi trường sống và an toàn cho trẻ em là nội dung được HLHPN rất quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, Hội cũng thực hiện nhiều chương trình thiết thực để tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân chị em phụ nữ.

Cần chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Đồng thời, xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.

Với các nội dung đối thoại, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ giải quyết; nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan.

Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để HLHPN tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Thủ tướng đề nghị Hội tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị số: 05, 06, 21 của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới. Vận động phụ nữ tham gia tích cực, thành công phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" và các phong trào, chương trình liên quan.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ, đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với phụ nữ để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay