Phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tài chính tiêu dùng. Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Chiêu trò lừa đảo cho vay qua app, “đội lốt” công ty tài chính
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trên không gian mạng hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến thông qua website, qua các ứng dụng (app) trên điện thoại di động, trong số đó có nhiều app cho vay tiền không được cơ quan Nhà nước quản lý, dẫn đến nhiều trường hợp người tiêu dùng bị “sập bẫy tín dụng đen”. Thực trạng này ngày càng phổ biến, gây nhức nhối trong xã hội.
Theo cơ quan công an, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Đồng thời, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.
Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD). Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Không những thế, nhiều chiêu trò lừa đảo dụ dỗ người vay vốn qua các nền tảng mạng xã hội vẫn diễn biến tinh vi, phức tạp. Theo đó, các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) mời chào, quảng cáo vay vốn với nhiều ưu đãi như thủ tục đơn giản không cần tài sản đảm bảo, giải ngân trong ngày, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp, cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu. Đây là các chiêu thức, thủ đoạn mà bọn tội phạm công nghệ cao sử dụng để thu hút khách hàng. Sau đó, đối tượng yêu cầu cài đặt ứng dụng vay vốn online hoặc gửi các đường link vào website cho vay để làm thủ tục đăng ký vay tiền.
Đáng lưu ý, đối tượng sẽ tạo ra một số kịch bản tiếp theo, như: yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để kích hoạt tài khoản, lệ phí làm hồ sơ vay vốn hoặc bảo hiểm của khoản vay. Đồng thời, thông báo khách hàng nhập sai số tài khoản, cú pháp vay tiền... và yêu cầu nộp tiền “sửa lỗi”.
Trường hợp khách hàng không đồng ý nộp tiền xử lý khoản vay sẽ bị đe dọa là thủ tục khoản vay đã được duyệt nên dù chưa nhận tiền vẫn bị nhắc nợ trên hệ thống dẫn đến khách hàng lo lắng chuyển tiền để được xử lý. Kịch bản mà các đối tượng áp dụng để lừa đảo là cam kết, sau khi khách hàng chuyển tiền để giải ngân khoản vay sẽ được hoàn trả lại số tiền đã chuyển cùng với khoản tiền vay đã đăng ký. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền thì chúng sẽ nhanh chóng khóa sim điện thoại, tài khoản mạng xã hội... đã dùng để liên hệ với khách hàng và rút tiền ra khỏi tài khoản.
Thực tế, tài chính tiêu dùng với vai trò là kênh dẫn vốn dành cho các đối tượng là người yếu thế khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, thưc hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của tài chính tiêu dùng đang bị giảm sút do tình trạng một số tổ chức mập mờ đánh lận con đen, "đội lốt" công ty tài chính.
Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính. Không những vậy, một bộ phận người dân còn lôi kéo, rủ rê nhau "bùng nợ", khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp càng nhiều khó khăn.
Giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN xác định việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tài chính tiêu dùng. Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen” như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trong đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư số 18).
Theo NHNN, những quy định này tiếp tục hướng đến việc đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Thông tư số 18 quy định cụ thể trách nhiệm của công ty tài chính trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư 43, tăng cường cho vay có trách nhiệm của công ty tài chính; đồng thời hướng tới phát triển thị trường cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh Thông tư 18, ngành Ngân hàng cũng có nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn chính thức cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
NHNN cũng đã phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2018, trong đó nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ nhằm đáp ứng tốt hơn nguồn vốn cho người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, xa nơi tín dụng đen hoạt động mạnh.
Ngoài ra, NHNN có chính sách khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Với hệ thống khoảng gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân được thành lập ở hầu hết các xã trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu vay vốn của xã viên, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD rà soát để đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật; chỉ đạo các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp từng đối tượng khách hàng; công khai, minh bạch các mức lãi suất, phí cho vay, đồng thời chủ động tiếp cận và hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn.
Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính, qua đó nâng cao kiến thức cho người dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và giúp họ tiếp cận các sản phẩm tín dụng chính thức tại các TCTD.
Trước ảnh hưởng của Covid-19, khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bị giảm doanh thu, thu nhập hoặc phải hoạt động cầm cự, thậm chí nguy cơ phá sản, ngành ngân hàng đã có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giảm áp lực trả nợ vay đến hạn trọng bối cảnh khó khăn, góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.
Thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận tín dụng của đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội. Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.
Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được NHNN cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam. Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này; qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Bên cạnh đó, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả tín dụng tiêu dùng, hướng đến người yếu thế
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Đồng thời, NHN cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tăng cường giải pháp giúp phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần những giải pháp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng đảm bảo an toàn hiệu quả hoạt động của các TCTD.
Về phía Bộ Công an, tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an toàn trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, của các công ty tài chính rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan báo chí, qua đó tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và yên tâm vay vốn từ những kênh tín dụng tiêu dùng chính thức, góp phần phòng tránh và đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Đồng thời, các TCTD cần đẩy mạnh phối hợp truyền thông, giáo dục tài chính nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là các TCTD hoạt động theo các quy định pháp luật về ngân hàng với các loại hình công ty tài chính không phải là TCTD, các cửa hàng cầm đồ, các App cho vay, các cá nhân cho vay thông qua các hình thức hụi, họ… để người dân, đặc biệt là người yếu thế tin tưởng và yên tâm tìm tới những công ty tài chính được NHNN cấp phép vay vốn để phục vụ mục đích chính đáng của mình.
Tăng cường vai trò của các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt chú ý đến người tiêu dùng tài chính vì lĩnh vực tài chính-ngân hàng luôn là đích nhắm của tội phạm công nghệ cao và các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính nói riêng cần tiếp tục được nhiều cơ quan tham gia.
Về phía người tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ dịch vụ, cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo, đồng thời khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, lập tức phản ánh tới các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người dân cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao bằng các quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các website, mạng xã hội, ứng dụng vay tiền.
Khi người dân có nhu cầu vay vốn nên tìm đến đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín (ngân hàng, công ty tài chính...) để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo; đến các TCTD được NHNN cấp phép để vay vốn.
Theo DIV