Thứ tư, 27/11/2024
   

Tận dụng công nghệ thúc đẩy ngân hàng bán lẻ

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, các TCTD sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện ích sử dụng trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng…

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người quý I/2024 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với quý trước. GDP quý I tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Với dân số hơn 100 triệu dân, đội tuổi trung bình là 33; tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, internet cao và số lượng người giàu tăng nhanh hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam được nhận định là thị trường tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ.

Nắm bắt được những yếu tố trên, phát triển ngân hàng bán lẻ đang là xu hướng được nhiều nhà băng hướng tới. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, thông qua phát triển ngân hàng bán lẻ, nhà băng có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định để phục vụ phát triển kinh tế. Ngoài ra, phát triển ngân hàng bán lẻ còn là chiến lược phát triển trọng tâm của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối đa.

ngân hàngTận dụng công nghệ thúc đẩy ngân hàng bán lẻ
Phát triển ngân hàng bán lẻ đang là xu hướng được nhiều nhà băng hướng tới

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; NHNN cũng đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, đây chính là cơ hội để các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính cá nhân thích ứng với bối cảnh mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng.

Thực tế hiện nay, các ngân hàng cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động như: Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ sinh trắc học, nhận diện giọng nói, khuôn mặt, vân tay, mống mắt… “Trong thời gian tới, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốc. Xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới các hình thức khác nhau”, ông Hùng nhận định.

Tại SHB, ông Đặng Công Hoàn – Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ cho biết, số hóa toàn diện là đòn bẩy hiệu quả nhất để phát triển ngân hang bán lẻ. Hiện nay, tỷ trọng giao dịch trên các kênh số của SHB tiếp tục tăng trưởng. 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu tại SHB đã có thể thực hiện trên kênh số; 92% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số.

Đại diện ngân hàng cho biết, từ năm 2023, SHB đã dịch chuyển và mở rộng hoạt động dịch vụ bán lẻ. Trong năm 2024, bên cạnh việc đẩy mạnh các sản phẩm ưu tiên như thẻ tín dụng, thấu chi online, tiết kiệm online, vay cầm cố sổ tiết kiệm…, với nguồn vốn huy động quy mô lớn và lãi suất phù hợp, SHB sẽ thúc đẩy hoạt động mở rộng cho vay bán lẻ. Thông qua tín dụng tiêu dùng như cho vay mua nhà; vay mua ô tô; vay mua bất động sản; vay sản xuất kinh doanh… Điều này không chỉ giúp người dân cải thiện cuộc sống mà ngân hàng cũng quản trị hiệu quả danh mục khách hàng nhờ phân tán rủi ro.

Tương tự, lãnh đạo VIB cũng cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và dẫn đầu thị trường về tính năng và độ cạnh tranh của các dòng sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô, kinh doanh, thẻ tín dụng, tiền gửi gói sản phẩm chi lương, ngân hàng giao dịch, ngân hàng số… Để đạt được mục tiêu đó, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ về công nghệ và con người, tinh xảo hóa các bộ công cụ và thuật toán để tiếp tục gia tăng thu hút khách hàng và tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm trên mỗi khách hàng trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐQT MB ông Lưu Trung Thái cũng kỳ vọng tăng trưởng của MB trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn là bán lẻ, chuyển đổi số và hiệp lực tập đoàn. “Ngân hàng làm chuyển đổi số chỉ dựa trên hai điểm mấu chốt là thu hút khách hàng và kinh doanh nền tảng. Trong năm 2024 và định hướng 5 năm tiếp theo, MB sẽ tiếp tục tập trung vào định hướng không suy chuyển này. Bên cạnh đó, MB xác định các nền tảng số sẽ chiếm khoảng 50% - 60% doanh thu cho ngân hàng trong tương lai gần”, người đứng đầu MB khẳng định.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, các TCTD sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện ích sử dụng trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng… Cùng với đó, các TCTD sẽ cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch chuyển đổi theo hướng số hóa và tự động hóa. Đồng thời, tăng cường kết hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm truyền tải, phổ biến, lan tỏa và nâng cao nhận thức của khách hàng tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa về các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, về dịch vụ ngân hàng bán lẻ…

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay