Thứ tư, 22/01/2025
   

S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng Shinhan

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ trong dài hạn, với triển vọng “ổn định” cho Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (ngân hàng Shinhan) trong báo cáo xếp hạng phát hành vào ngày 30/05/2024.
ngân hàng Shinhan
Hình ảnh một phần điểm giao dịch của ngân hàng Shinhan

Theo báo cáo, xếp hạng tín nhiệm đối với ngân hàng Shinhan vẫn bị ràng buộc bởi trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Nếu không bị ràng buộc này, xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng Shinhan sẽ chỉ thấp hơn một bậc so với hồ sơ xếp hạng tín nhiệm (a+) của Tập đoàn Tài chính Shinhan Hàn Quốc (SFG).

Với quan điểm của S&P, triển vọng “Ổn định” của ngân hàng Shinhan phản ánh triển vọng chung của quốc gia cũng như ngân hàng sẽ duy trì tầm quan trọng chiến lược cao đối với SFG trong 18-24 tháng tới.

Theo đánh giá của S&P, ngân hàng Shinhan đóng vai trò không thể thiếu trong mục tiêu mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á và giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với SFG. Ngân hàng Shinhan đã nỗ lực phát triển hoạt động kinh doanh bền vững, trở thành một trong những ngân hàng nước ngoài có tổng tài sản lớn nhất tại thị trường Việt Nam và xếp thứ 2 về lợi nhuận trong nhóm các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tính đến thời điểm cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Shinhan còn dẫn dắt chiến lược mở rộng kinh doanh tại Việt Nam bằng cách phối hợp với các công ty thành viên trong hệ sinh thái của SFG ở thị trường này, nhằm tăng cơ hội kinh doanh chéo sản phẩm. Đồng thời là đơn vị mang đến lợi nhuận từ nước ngoài lớn nhất cho ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc và là một đơn vị chủ chốt trong SFG.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, trong năm 2023, 18% tổng thu nhập ròng của ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc được tạo ra từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và khoảng 44% nguồn thu nhập này được đóng góp bởi Ngân hàng Shinhan. Qua đó, S&P cho rằng SFG đã thể hiện cam kết lâu dài với Ngân hàng Shinhan cũng như thị trường Việt Nam. S&P kỳ vọng Ngân hàng Shinhan sẽ duy trì danh mục cho vay cân bằng giữa mảng doanh nghiệp và bán lẻ, với mỗi phân khúc chiếm khoảng một nửa tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Cũng theo sự kỳ vọng của S&P, SFG sẽ tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy quá trình vốn hóa của Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ qua, ngân hàng Shinhan chưa trả bất cứ khoản cổ tức nào mà sử dụng để tiếp tục tái đầu tư nhằm phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Tỷ lệ vốn cấp 1 của Ngân hàng Shinhan tăng khoảng 19,8% tại thời điểm cuối năm 2023 từ mức 17,5% vào năm 2022.

Nguyên nhân đến từ việc lợi nhuận tăng mạnh và sự sụt giảm tài sản ở các khoản mục tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và chứng khoán đầu tư bắt nguồn từ việc một lượng lớn tiền gửi USD bị rút khỏi Ngân hàng Shinhan, giữa bối cảnh lãi suất tăng trong khi, lãi suất cho các khoản tiền gửi USD bằng 0.

Theo dự báo của S&P, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,1% vào năm 2024, từ mức 5,0% của năm 2023. Sự khởi sắc trong sự tăng trưởng GDP là nhờ vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đồ điện tử và sự phục hồi từ lĩnh vực dịch vụ (bao gồm du lịch và bán lẻ), cũng như sự bền vững của nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào lĩnh vực sản xuất.

Trong bối cảnh đó, S&P tin rằng việc Ngân hàng Shinhan tập trung vào quản lý rủi ro tín dụng sẽ giúp ngân hàng ngăn chặn được sự sụt giảm mạnh về chất lượng tài sản trong một đến hai năm tới. Đồng thời, điều này cũng hỗ trợ ngân hàng phòng ngừa trước những điều kiện hoạt động đầy thách thức, bao gồm cả những tác động lan tỏa tiềm ẩn từ sự suy thoái tài sản sang lĩnh vực ngân hàng.

Theo đánh giá của S&P, Ngân hàng Shinhan có khả năng quản lý tốt các rủi ro về chất lượng tài sản phát sinh từ sự suy thoái của thị trường bất động sản. Tỷ lệ cho vay bất động sản và xây dựng của ngân hàng chỉ chiếm chưa đến 1% tổng khoản vay tính đến cuối năm 2023.

Trong khi đó, theo ước tính của S&P, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng khoảng 1,5% vào cuối năm 2023 từ mức 0,8% tại thời điểm cuối năm 2022, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước khoảng 4,5%, theo ước tính của S&P.

Song song đó, S&P cũng dự báo, áp lực lên khả năng sinh lời được đo bằng tỷ suất sinh lời trên tài sản trung bình (ROAA) của ngân hàng Shinhan sẽ giảm. Điều này là do sự thu hẹp của biên lãi ròng trong bối cảnh lãi suất giảm và tổn thất tín dụng tăng ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng có thể sẽ vẫn vượt trội hơn so với mức trung bình của các ngân hàng lớn của Việt Nam.

Theo ước tính của S&P, tỷ lệ ROAA của Ngân hàng Shinhan đạt khoảng 2,6% vào năm 2023 so với mức trung bình khoảng 1,3% của các ngân hàng nội địa lớn. Tính đến cuối năm 2023, Ngân hàng Shinhan Việt Nam lần lượt đại diện khoảng 5% và 3% vốn cổ đông của Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc và SFG trên cơ sở hợp nhất.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay