Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hệ thống Agribank cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là những biến động khó lường từ kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần nền kinh tế. Bên cạnh đó, đây cũng là năm cuối để Agribank về đích, hoàn thành Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Do đó, bước vào năm 2025, Agribank xác định cần có những chiến lược đồng bộ, linh hoạt hơn, kiểm soát rủi ro chặt chẽ và nâng cao chất lượng dịch vụ để tiếp tục củng cố vai trò chủ lực trong phát triển Tam nông, giữ vững vị thế trên thị trường. Nhiệm vụ này đòi hỏi toàn hệ thống, các chi nhánh cần xây dựng kế hoạch phù hợp và quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện ngay từ đầu năm để đảm bảo hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.
Trong những ngày qua, Agribank đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2025 đối với các chi nhánh tại một số khu vực. Tại khu vực trung du Bắc Bộ, theo báo cáo tình hình kinh doanh, năm 2024 các chi nhánh trong khu vực đều duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do trụ sở chính giao và có đóng góp tích cực cho toàn hệ thống. Tổng dư nợ tăng trưởng 15,4%, là khu vực có mức tăng trưởng tín dụng tốt thứ hai toàn hệ thống; huy động vốn và thu dịch vụ đều vượt kế hoạch năm. Các chỉ tiêu trọng yếu như kiểm soát nợ xấu, thu hồi nợ sau xử lý, tài chính đều ghi nhận các kết quả tốt, như nợ xấu nội bảng thấp trong nhiều năm qua, thu hồi nợ sau xử lý đạt 164% kế hoạch, huy động vốn đạt 104% và thu dịch vụ đạt 101% kế hoạch. Đặc biệt, kết quả tài chính sau khi trích lập dự phòng rủi ro đạt 101% kế hoạch, đứng thứ nhất toàn hệ thống về mức độ hoàn thành kế hoạch được giao.
Trong 13 chi nhánh thuộc khu vực, có 8 chi nhánh xuất sắc hoàn thành 7/7 chỉ tiêu kế hoạch, bao gồm Bắc Giang, Bắc Giang II, Tây Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Thái Nguyên, Yên Bái và Bắc Yên Bái. Ngoài ra, kết quả tài chính của các chi nhánh đều tốt, trong đó phần lớn có mức lương năng suất cao, đảm bảo thu nhập, tạo động lực cho người lao động.
Còn tại khu vực miền núi phía Bắc, năm 2024, các chi nhánh đã tập trung triển khai nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho từng cán bộ, người lao động. Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế địa phương còn khó khăn, địa bàn rộng nhưng dân số ít, số lượng doanh nghiệp cũng không nhiều, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, do đó khách hàng chủ yếu là hộ gia đình và cá nhân. Các chi nhánh đều nỗ lực triển khai các chương trình cho vay hiệu quả, không để mất khách hàng và thu hút khách hàng mới. Mặc dù vậy, một số chi nhánh trong khu vực hoạt động chưa ổn định, thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh không tốt.

Phó Tổng Giám đốc Đoàn Ngọc Lưu chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2025 các chi nhánh Agribank khu vực Trung du Bắc bộ
Đảm bảo tăng trưởng đi đôi với chất lượng
Xác định năm 2025, hoạt động kinh doanh ngân hàng đối mặt không ít thách thức từ bên trong cũng như bên ngoài, các chi nhánh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đảm bảo cung ứng tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng trưởng tín dụng gắn liền với kiểm soát chất lượng, phát triển khách hàng mới, tìm kiếm các khách hàng và đối tác lớn cùng các dự án trọng điểm trong khu vực; mở rộng tín dụng sang nhiều lĩnh vực, gắn với định hướng phát triển ngành nghề của kinh tế địa phương, đảm bảo dòng vốn được sử dụng hiệu quả.
Cùng với ghi nhận và đánh giá những nỗ lực cố gắng, lãnh đạo Agribank cũng đưa ra những định hướng phát triển để chi nhánh tại các khu vực hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra. Đối với khu vực trung du Bắc Bộ, các chi nhánh phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng, tuân thủ chặt chẽ cơ chế tín dụng hiện hành, lựa chọn khách hàng phù hợp với địa bàn và triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi. Đồng thời, cần cơ cấu lại danh mục tài sản, tập trung vào tín dụng trung và dài hạn, đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và mở rộng thị phần.
Với mục tiêu phấn đấu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của Agribank, các chi nhánh cần chủ động trong công tác xử lý nợ ngay từ đầu năm, đảm bảo xử lý nợ dứt điểm theo phương án cụ thể, không để kéo dài, phân định rõ trách nhiệm trong phương án xử lý nợ; duy trì và tối ưu hóa huy động vốn trên cơ sở ổn định nguồn vốn hiện có, đồng thời tăng trưởng huy động gắn với định hướng với cơ cấu lại bảng cân đối tài sản với mục tiêu giảm tỷ trọng vốn lãi suất cao để tối ưu hiệu quả tài chính, vận dụng linh hoạt cơ chế FTP. Bên cạnh đó, khai thác mạnh các sản phẩm, tiện ích hiện có, đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng để gia tăng thu nhập bền vững.
Các chi nhánh cần thực hiện nghiêm túc các quy định về tài chính, thuế, ngân sách nhà nước. Cần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tối ưu hóa chi phí, kiểm soát tốt chi tiêu và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, tăng cường công tác phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định để đảm bảo an toàn tài chính. Hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ phải hoạt động hiệu quả, nghiêm túc khắc phục các tồn tại sau thanh tra, kiểm toán. Cùng với đó, siết chặt kiểm soát nội bộ trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, cũng như chủ động phòng chống rủi ro từ thiên tai, tội phạm tài chính, từ các hoạt động khác. Nâng cao chất lượng nhân sự và môi trường làm việc cũng như quan tâm đến chính sách phúc lợi, khen thưởng; đẩy mạnh phong trào thi đua, khuyến khích sáng kiến và xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới quản trị tiên tiến bằng văn hóa doanh nghiệp.
Còn đối với các chi nhánh khu vực miền núi phía Bắc, cần chủ động, linh hoạt trong triển khai kế hoạch kinh doanh. Trên cơ sở hồ sơ kinh tế địa phương đã thông qua, chi nhánh tiếp tục cập nhật, khai thác, bám sát quy hoạch vùng/tỉnh, định hướng phát triển kinh tế, ngành nghề đầu tư, trọng điểm của địa phương; đánh giá dư địa, khả năng phát triển thị phần khách hàng doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại xuất khẩu... để xây dựng định hướng hoạt động kinh doanh, phát triển tín dụng, mở rộng thị phần. Qua đó giảm thiểu sự phụ thuộc tăng trưởng từ khách hàng cá nhân, sản xuất nông nghiệp, nông thôn như hiện nay... Cùng với mục tiêu tận dụng tiềm năng địa phương để mở rộng thị phần, lãnh đạo Agribank cũng lưu ý các chi nhánh đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng, hiệu quả quản trị rủi ro; kiểm soát nợ xấu, gắn với trách nhiệm của cán bộ…
Nhằm hỗ trợ các chi nhánh trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh, các Ban/Trung tâm tại trụ sở chính theo chức năng, nhiệm vụ khai thác hồ sơ kinh tế địa phương, triển khai các chương trình, chính sách khách hàng theo đối tượng khách hàng cá nhân, pháp nhân, ban hành sản phẩm, dịch vụ, lãi suất, cơ chế FTP… một cách cạnh tranh, hiệu quả; định hướng phát triển sản phẩm dịch vụ đối với các ngành nghề hoạt động có khả năng phát triển, ngành nghề hiện đang sử dụng vốn, sản phẩm dịch vụ của Agribank phù hợp với địa bàn, tình hình thực tế để tạo điều kiện khai thác tiềm năng, khả năng phát triển của chi nhánh, nâng cao, phát triển thị phần của Agribank trên các địa bàn hoạt động.
Với sự nỗ lực không ngừng, cùng với những chính sách linh hoạt, chi nhánh tại các khu vực tin tưởng sẽ chung tay cùng hệ thống hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh năm 2025, góp phần hoàn thành toàn diện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu Agribank giai đoạn 2021-2025; tiếp tục giữ vững vị thế ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu, đồng hành cùng kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.