Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với cuối năm 2023. Nguồn vốn đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% và dư nợ đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 11%.
Song song đó, Agribank cũng đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp kiểm soát, xử lý thu hồi nợ xấu. Tính đến 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo Thông tư 31 là 1,55%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý đã giảm xuống dưới 3,2%, giảm gần 3% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu thì Agribank tăng 1,2% so với đầu năm ở mức 131,1%, tạo bộ đệm dày dặn hơn giúp ngân hàng chủ động ứng phó khi rủi ro phát sinh.
Bên cạnh đó, thu dịch vụ đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế tăng trên 9% và nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2024 đạt trên 45 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu theo Phương án cơ cấu lại đã cơ bản hoàn thành như tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ, thu nợ đã xử lý rủi ro, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế.
Về nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành, sắp xếp lại mạng lưới, nâng cao chất lượng tài sản, phát triển sản phẩm dịch vụ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin... đang được Agribank triển khai theo tiến độ.
Trong năm qua, Agribank tiếp tục triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay, nghiêm túc công khai lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Agribank đã triển khai 17 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng quy mô 457 ngàn tỷ đồng đối với các đối tượng khách hàng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2024 cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm 2023.
Hướng đến mục tiêu Ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ hiện đại, Agribank duy trì cung ứng hơn 220 sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại dành cho mọi đối tượng khách hàng; phát triển đa dạng kênh dẫn vốn đến địa bàn "Tam nông", vùng sâu, vùng xa, hải đảo, phục vụ nhu cầu thanh toán cho hơn 23 triệu khách hàng mở tài khoản và khoảng 3 triệu khách hàng vay vốn.
Ngoài ra, Agribank đã cùng ngành Ngân hàng tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai mạnh mẽ các giải pháp tăng cường an ninh, an toàn trên không gian số, thu thập và làm sạch dữ liệu khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho số lượng khách hàng và giao dịch trực tuyến lớn nhất trong hệ thống.
Sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%.
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2025, Đảng ủy Agribank đã ban hành Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm 2025 (Nghị quyết số 63-NQ/ĐU-NHNo ngày 02/01/2025), Hội đồng thành viên ban hành Nghị quyết về chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu năm 2025 (Nghị quyết số 01-NQ-HĐTV ngày 06/01/2025) làm cơ sở để các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục triển khai các giải pháp đang thực hiện theo lộ trình, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt các mục tiêu định hướng đã được phê duyệt.
Theo đó, năm 2025 được xác định là năm toàn hệ thống tập trung nguồn lực, nỗ lực tối đa, quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao; cùng các mục tiêu, chỉ tiêu của Phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đề án chiến lược phát triển Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo tiền đề phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu nằm trong Top 100 các ngân hàng lớn mạnh nhất khu vực Châu Á.
Ngoài ra, Agribank tiếp tục tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ có vấn đề để giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn nợ xấu. Đồng thời, tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả công tác cơ cấu, sắp xếp mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch theo hướng tối ưu hóa mạng lưới hiện hữu, phù hợp với Thông tư số 32/2024/TT-NHNN nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ, lĩnh vực hoạt động điều hành, quản lý cân đối vốn thông qua cơ chế kế hoạch, công cụ điều chuyển vốn nội bộ (FTP) nhằm tối ưu sử dụng vốn, tăng năng lực tài chính và tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động. Quyết liệt triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động, nghiệp vụ, quy trình nội bộ... Đặc biệt, triển khai có hiệu quả hơn nữa các biện pháp để nâng cao kỷ cương, kỷ luật điều hành trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các tồn tại, rủi ro trong quá trình hoạt động.