Chủ nhật, 22/12/2024
   

Phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần hạn chế tín dụng “đen”

Với nhiều tiện ích, thẻ tín dụng nội địa vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng. Đặc biệt, việc cá nhân thu nhập thấp hoặc hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể tiếp cận tiền thấu chi qua thẻ như một nguồn vốn vay để phục vụ nhu cầu khi cần gấp. Vì thế, phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần hạn chế tín dụng “đen”, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Với nhiều tiện ích, thẻ tín dụng nội địa vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng. Đặc biệt, việc cá nhân thu nhập thấp hoặc hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể tiếp cận tiền thấu chi qua thẻ như một nguồn vốn vay để phục vụ nhu cầu khi cần gấp. Vì thế, phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần hạn chế tín dụng “đen”, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần hạn chế tín dụng “đen”

Thẻ tín dụng nội địa là loại thẻ thanh toán với phạm vi sử dụng trong nước. Hình thức sử dụng thẻ là chi tiêu trước - trả tiền sau. Ngân hàng sẽ cung cấp một hạn mức chi tiêu nhất định cho chủ thẻ. Chủ thẻ dùng số tiền trong hạn mức để thanh toán cho giao dịch của mình và trả lại khoản tiền đó cho ngân hàng vào thời gian được hiển thị trên sao kê hàng tháng. Hạn mức thẻ được xác định tùy thuộc vào khả năng tài chính và hồ sơ đăng ký của chủ thẻ.

Theo đó, thẻ tín dụng nội địa mang đủ tính năng của một chiếc thẻ chuẩn. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng tương tự như vay một khoản vay tiêu dùng nhưng lãi suất thấp hơn rất nhiều so với đi vay từ các tổ chức, cá nhân không chính thống (không được Ngân hàng hàng Nhà nước cấp phép). Ngoài ra, hồ sơ mở thẻ đơn giản hơn nhiều so với việc làm thủ tục vay tín dụng.

Còn nhiều dư địa để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa

Đến hết tháng 7/2023, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa (như thẻ thẻ Lộc Việt của Agribank; thẻ 2Card của Vietinbank; thẻ Easy Card của Sacombank, thẻ Vietcredit của Tín Việt,…). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022). Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.

Thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ tín dụng nội địa. Nỗ lực này của tổ chức phát hành thẻ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong 39 triệu thẻ tín dụng đang hoạt động có trên 811 nghìn thẻ tín dụng nội địa, chỉ chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Thực tế Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ nội địa.

Các ngân hàng tại Việt Nam có hơn 20 năm kinh doanh sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, phân khúc thẻ tín dụng quốc tế tập trung đại đa số là khách hàng có thu nhập cao, sống ở các khu đô thị lớn. Như vậy, các ngân hàng hiện đang bỏ lỡ một lượng khách hàng tiềm năng, đó là những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ tín dụng hiện nay của ngân hàng, về tính năng, thời hạn thanh toán … vẫn phụ thuộc vào thị hiếu, thói quen, hành vi của nhóm khách hàng cao cấp, chưa khớp với hành vi, tư duy, nhận thức của nhóm khách hàng còn lại. Vì vậy, những sản phẩm thẻ của các ngân hàng hiện tại vẫn như một “chiếc áo” quá rộng, quá xa xỉ với những khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Ngoài ra, thương mại điện tử phát triển như vũ bão là một bước ngoặt, lực đẩy cho nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hơn nữa, thẻ tín dụng nội địa có nhiều điều kiện để phát triển khi mạng lưới các điểm thanh toán đang phát triển rộng khắp, không chỉ tập trung nhiều ở khu vực đô thị, thị xã, các thành phố lớn. Đặc biệt, thương mại điện tử “bùng nổ” trong khoảng thời gian gần đây chính là bước ngoặt xóa đi điểm yếu về mạng lưới chấp nhận thẻ chưa phổ cập tới vùng sâu, vùng xa.

Hành lang pháp lý cho hoạt động phát hành và thanh toán thẻ nói chung, trong đó có thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành và thường xuyên bổ sung, hoàn thiện trong đó có quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát hành và thanh toán thẻ một cách thuận lợi và an toàn.

Ở tầm vĩ mô, ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để da dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dich vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.

Thẻ tín dụng nội địa vừa là công cụ thanh toán, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng

Thứ nhất, về khía cạnh tài chính toàn diện, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng; tuy nhiên, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong nước, đóng bảo hiểm,… nhưng chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá.

Bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường (như khách hàng được chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày...), một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp. Hiện nay, các ngân hàng cho phép tất cả các công dân Việt Nam làm thẻ tín dụng nội địa với điều kiện là công dân đó phải trên 18 tuổi, có thu nhập trên 4,5 triệu đồng/tháng. Hạn mức rút tiền của thẻ tín dụng nội địa khá cao. Một số ngân hàng còn cho phép khách hàng rút tiền mặt 100% hạn mức thẻ.

Qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phẩm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với thẻ nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thẻ tín dụng nội địa phát triển. Hiện, tất cả các tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng.

Vừa qua, một số tổ chức phát hành thẻ đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt và Metro trong tương lai…) đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.

Thứ ba, khi phát hành thẻ nội địa, các tổ chức phát hành thẻ được quyền chủ động trong việc xây dựng mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng. Do đó, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…), đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ. Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Thứ tư, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.

Phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng

Hiện nay, số lượng thẻ tín dụng nội địa còn chiếm tỷ trọng thấp so với tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành (chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành). Bên cạnh những ưu điểm, thẻ tín dụng nội địa cũng có một vài nhược điểm.

Cụ thể như: Khách hàng chỉ có thể thực hiện thao tác thanh toán với các dịch vụ ở trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa để mua sắm trực tiếp khi đi du lịch nước ngoài hoặc mua sắm online trên các trang thương mại nước ngoài.

Bên cạnh đó, hạn mức của thẻ tín dụng nội địa không quá cao, thường thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Do phạm vi sử dụng bị bó hẹp nên khách hàng sử dụng loại thẻ này không được hưởng nhiều ưu đãi như những người sở hữu thẻ tín dụng quốc tế.

Do đó, để thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa phát triển, trong thời gian tới các tổ chức phát hành thẻ và các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai một số giải pháp sau:

Các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa và các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa.

Đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán trên nền tảng công nghệ thẻ Chip nội địa.

Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội nhằm giúp khách hàng nắm bắt và hiểu rõ về các tiện ích của thẻ tín dụng nội địa. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần có chính sách hỗ trợ cho tổ chức phát hành thẻ trong việc phát hành thẻ tín dụng nội địa (như xây dựng mức phí chia sẻ phù hợp…) cũng như việc chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng nội địa, đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến.

Về phía khách hàng, khi sử dụng thẻ, khách hàng lưu ý: Không để lộ thông tin thẻ. Khi thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị… chỉ đưa thẻ cho nhân viên khi cần thanh toán và nhận thẻ ngay sau khi đã thanh toán.

Đảm bảo thông tin cá nhân được bảo mật, dán kín số thẻ phía sau thẻ. Lựa chọn các website uy tín khi sử dụng thẻ mua hàng online. Cần xem xét khả năng bảo mật và thanh toán của website có thực sự an toàn hay không.

Trong trường hợp bị mất thẻ, cần báo ngay với ngân hàng nơi phát hành thẻ để khóa tài khoản và đăng ký cấp lại thẻ. Khách hàng cần quan tâm đến ngày thanh toán thẻ tín dụng. Hãy ghi nhớ ngày thanh toán để trả lại tiền đã chi tiêu cho ngân hàng. Nếu để quá hạn thanh toán trên sao kê thì sẽ phải trả mức phí với lãi suất tương đối cao.

 

Theo DIV
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay