Phát biểu khai mạc hội thảo, PSG.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, chủ đề của nhóm nghiên cứu trình bày hôm nay về xây dựng mô hình ngân hàng số nhằm phát triển dịch vụ bán lẻ là một xu hướng hiện hữu và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đang chủ động nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, từ đó tăng khả năng cạnh tranh; bám sát chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế số cũng như định hướng, giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành Ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển ngân hàng số, BIDV đã trình bày những kết quả chính của đề tài. Kết quả nghiên cứu cho thấy, để phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, có thể khái quát bốn mô hình ngân hàng số đang tồn tại trên thế giới hiện nay bao gồm: Kênh dịch vụ ngân hàng số (digital banking); Ngân hàng số độc lập (digital bank); Ngân hàng số mới (Neo-bank); Ngân hàng số thách thức (Challenger-bank).
Tại Việt Nam, hiện NHTM cũng đang triển khai 3 mô hình đó là: Mô hình digital banking; ngân hàng số độc lập và mô hình Neo-bank. Về các dịch vụ bán lẻ qua mô hình ngân hàng số, thực trạng ứng dụng xử lý số trong các hoạt động ngân hàng bán lẻ chỉ ra rằng modun có hàm lượng xử lý số thấp nhất hiện nay là modun cấp tín dụng bán lẻ. Trong đó, nghiệp vụ có hàm lượng xử lý số thấp nhất là bước thẩm định rủi ro của các hồ sơ xin cấp tín dụng với việc nhân viên ngân hàng phải tiếp cận thông tin về tài sản đảm bảo để xác minh giá trị đảm bảo cho khoản vay. Những thông tin này thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức khác.
Theo nhóm nghiên cứu, để gia tăng xử lý số trong các quy trình nghiệp vụ, ngân hàng vừa phải tiếp tục thực hiện đổi mới sáng tạo trong các hoạt động nội bộ, đồng thời phải đổi mới được cách thức làm việc với các tổ chức liên quan khác, ví dụ như các tổ chức chủ quản thông tin, dữ liệu về tài sản để xác minh thông tin.
Điều này được xác định là rào cản khó khăn nhất trong việc gia tăng xử lý số, chuyển đổi số cho các hoạt động ngân hàng khi dữ liệu tại tất cả các kho dữ liệu như vậy đều đang đóng, chưa cho phép các tổ chức liên quan khác như ngân hàng tiếp cận, tra cứu thông tin. Việc tra cứu thông tin để xác minh đang được thực hiện bằng cách đối chiếu với các tài liệu gốc hoặc được chứng thực bởi một bên thứ ba (tổ chức công chứng). Do vậy, cần thiết phải có những quy định, những giải pháp để chia sẻ kho dữ liệu quản lý tài sản được kê khai làm tài sản đảm bảo trong các hồ sơ đề nghị cấp tín dụng.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đề xuất, đối với Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan quy định rõ ràng hơn về việc áp dụng Cloud cho các hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng. Cụ thể, Luật An ninh mạng, Nghị định 53/2022/NĐ-CP và Nghị định 13/2023-NĐ-CP mới chưa đưa ra những quy định cụ thể hơn về loại dữ liệu bắt buộc phải lưu trữ, thời gian lưu trữ bắt buộc, tần suất lưu trữ… để giúp tháo gỡ vướng mắc về việc chuyển dịch các dịch vụ công nghệ thông tin lên Cloud. Bên cạnh đó, sớm triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung (đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư, sinh trắc học), triển khai những giải pháp sát thực hơn với thực tế, cung cấp các dữ liệu của công dân, cụ thể chỉ đạo Bộ Công an là đơn vị đầu mối trong việc thực hiện triển khai kết nối cho các TCTD vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sớm hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cho một số TCTD thực hiện kết nối, khai thác nhằm xác minh khách hàng.
Đối NHNN, nhóm đề xuất kiến nghị liên quan đến việc cấp phép thực thể ngân hàng số độc lập và quy định rõ ràng trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong mối quan hệ giữa các công ty fintech và các ngân hàng truyền thống.
Đối với các bộ, ban, ngành khác, về phía Bộ Công an cần sớm ban hành các hướng dẫn về thủ tục kết nối; các điều kiện kỹ thuật; các phương thức, giao thức kết nối, giao diện lập trình ứng dụng để các TCTD có thể khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng (công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo...) tại các TCTD.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ Công an để bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng. Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp NHNN xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục tài chính về các dịch vụ ngân hàng trên kênh số; qua đó, nhận thức của người dân trong việc quản lý tài chính và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số một cách hợp lý, bền vững.