Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi xanh. Đồng thời, IFC cũng tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ cho OCB. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhóm doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Hiện OCB đã và đang đẩy mạnh mảng tín dụng xanh, với đà tăng trưởng tích cực về quy mô nguồn vốn, hỗ trợ khách hàng có hoạt động kinh doanh bền vững. Trong đó, OCB đã áp dụng chương trình phê duyệt tín dụng chuyên biệt, với tốc độ xử lý hồ sơ, giải ngân ưu tiên và lãi suất ưu đãi đối với khách hàng đầu tư trong các nhóm ngành năng lượng tái tạo; Công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả và nhóm ngành nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, OCB cũng xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng cụ thể cho những dự án tài chính vi mô (như sản phẩm cho vay nông nghiệp nông thôn, sản phẩm cho vay phát triển điện mặt trời áp mái) để đảm bảo sự đồng bộ trong thủ tục, nhanh chóng trong thời gian xét duyệt và giải ngân cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, OCB cũng không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. Vì vậy, quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng. Tính đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Được biết, mối quan hệ hợp tác giữa OCB và IFC đã thiết lập từ năm 2011 thông qua nhiều chương trình. Trong đó, OCB được IFC đánh giá cao bởi tính minh bạch, tốc độ xử lý nhanh về dịch vụ và chính xác trong các nghiệp vụ tài trợ thương mại.
Trước đó, vào tháng 3/2023, OCB cũng đã nhận thêm khoản vay 100 triệu USD từ IFC, với kỳ hạn 5 năm nhằm mở rộng cho vay doanh nghiệp SME tại Việt Nam. Năm 2021, OCB được IFC bình chọn là "Ngân hàng chuyên nghiệp nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương", ghi nhận những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng tầm dịch vụ của ngân hàng.
Từ năm 2012, OCB đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung chính sách tín dụng xanh, hệ thống quản lý rủi ro MT&XH làm cơ sở cho các hoạt động của ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Với hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, OCB đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng số.
Trong hoạt động quản lý nội bộ, OCB cũng điều chỉnh theo hướng thân thiện hơn với môi trường thông qua việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh hoạt động trực tuyến, số hóa hầu hết các quy trình... nhằm giảm thiểu các công việc liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm và tiêu thụ năng lượng.