Thứ năm, 19/12/2024
   

Ở đâu có tiền gửi của người dân, ở đó có bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi không chỉ là biện pháp kinh tế thông thường mà còn mang tính an sinh xã hội sâu sắc bởi tiền gửi của người dân không chỉ là những đồng tiền tiết kiệm mà có khi còn là những chắt chiu, dành dụm cả đời người… Chính vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn cam kết, trong mọi

Bảo hiểm tiền gửi không chỉ là biện pháp kinh tế thông thường mà còn mang tính an sinh xã hội sâu sắc bởi tiền gửi của người dân không chỉ là những đồng tiền tiết kiệm mà có khi còn là những chắt chiu, dành dụm cả đời người… Chính vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn cam kết, trong mọi trường hợp, tiền gửi của người dân được ưu tiên bảo đảm.

"Trông giỏ bỏ thóc"

Bà Bùi Thị Thanh ở Hà Nội, sau khi nghỉ hưu dành dụm được vài trăm triệu đồng để dưỡng già. Mặc dù một số bạn bè thuyết phục “cho người nhà tôi vay” hay “đầu tư vào công ty của con tôi” với lãi suất hấp dẫn gấp nhiều lần các tổ chức tín dụng (TCTD), nhưng bà một mực đem tiền gửi ngân hàng, bởi theo bà TCTD tham gia BHTG tức là đã có Chính phủ, NHNN, tổ chức BHTG bảo đảm, chẳng may TCTD đổ vỡ thì còn được BHTG. 

Thực tế, ngày nay, khi gửi tiền vào TCTD, người dân không chỉ quan tâm lãi suất cao hay thấp mà cân đối, hài hòa giữa lợi nhuận - an toàn tiền gửi - rủi ro có thể xảy ra. Trong đó, BHTG là một trong những biện pháp bảo vệ sau cùng đối với người gửi tiền khỏi những rủi ro mất tiền gửi. Bên cạnh những biện pháp bảo vệ tiền gửi của các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật, trong bối cảnh thị trường tài chính đầy biến động, người dân đã có trách nhiệm hơn với đồng tiền mồ hôi công sức của mình, trở thành “người gửi tiền thông thái”, “chọn mặt gửi tiền” vào những TCTD được cấp phép hoạt động hợp pháp thay vì chạy theo lãi suất cao mà bất chấp rủi ro. BHTG là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy người dân tìm đến hoạt động ngân hàng chính thức. Thống kê của NHNN cho thấy, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng trong nhiều năm liên tục có xu hướng tăng là chủ đạo và tiếp tục tăng thời gian gần đây. Chỉ tính trong tháng 9/2022, các ngân hàng huy động lượng tiền gửi dân cư tăng 6,38% so với cuối năm 2021 (với hơn 5,6 triệu tỷ đồng). Trước đó, tháng 8, con số này cũng tăng 6,35% so với cuối năm 2021.

Báo cáo Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, mạng lưới các TCTD phát triển rất đa dạng với các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp trên cả nước. Không chỉ TCTD, công ty tài chính mà các tổ chức tài chính vi mô cũng đã hiện diện ở hầu khắp các huyện, xã trên toàn quốc. Vì vậy, khi người dân có nhu cầu gửi tiền hay vay vốn đều có thể dễ dàng tiếp cận từ các kênh chính thức này. Toàn hệ thống hiện đã có 124 TCTD và gần 1.200 QTDND; 16 công ty tài chính với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.

Hinh anh hoat dong Ngan hang thoi covid

Đến các điểm giao dịch của các tổ chức nhận tiền gửi có tham gia BHTG, dễ dàng nhận thấy Chứng nhận tham gia BHTG được niêm yết ở vị trí “bắt mắt”, thu hút sự chú ý của khách hàng. Đây chính là dấu hiệu nhận biết tổ chức nhận tiền gửi đã tham gia BHTG, đồng nghĩa tiền gửi của người dân tại các tổ chức này đã tự động được bảo hiểm.

Hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô

Người đồng hành “lặng lẽ”

BHTG được xem như “cánh tay nối dài” của Chính phủ trong bảo vệ người gửi tiền, bảo đảm an sinh xã hội. Ở đâu có tiền gửi của người dân, ở đó có BHTG. Tổ chức BHTG với mạng lưới hoạt động ở khắp các vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo vươn tay, triển khai chính sách BHTG đến tất cả các tổ chức nhận tiền gửi trên cả nước, từ đó bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền.

Không chỉ trực tiếp bảo vệ người gửi tiền thông qua chi trả tiền gửi được bảo hiểm khi TCTD được giải thể, phá sản, hàng tháng, quý, năm, tổ chức BHTG còn giám sát 100% các tổ chức này. DIV theo sát dòng tiền của TCTD trong suốt “vòng đời” của TCTD, kể từ khi được cấp phép hoạt động, hay những bước thăng trầm, hoặc khi TCTD phải rút lui khỏi thị trường thì cũng được xử lý êm thấm, không ảnh hưởng tới hệ thống. Tất cả vì mục tiêu cao nhất: bảo đảm an toàn tiền gửi của người dân và an toàn hoạt động của tổ chức tham gia BHTG.

Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cũng đồng thời triển khai các nghiệp vụ khác như kiểm tra tổ chức tham gia BHTG định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, cấp chứng nhận BHTG, thu phí BHTG, đầu tư nguồn vốn, tham gia kiểm soát đặc biệt TCTD yếu kém…

O dau co tien gui cua nguoi dan

DIV tuyên truyền chính sách BHTG tới người gửi tiền

Trong điều kiện thị trường bình thường, DIV được ví như một “người đồng hành lặng lẽ” theo sát hoạt động của tổ chức tham gia BHTG. Nhưng kết quả triển khai các hoạt động nghiệp vụ BHTG không hề “lặng lẽ” mà được chuyển hóa thành báo cáo, kiến nghị NHNN có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các tổ chức tham gia BHTG hoạt động chưa an toàn hoặc khuyến nghị trực tiếp để chức tham gia BHTG nhìn nhận lại chính mình.

Chiếc áo đã chật

Từ khi có Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) - cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam - cùng với các văn bản dưới Luật, đặc biệt là các văn bản của NHNN về BHTG, hoạt động BHTG đã từng bước được đổi mới, ngày càng hướng tới đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người gửi tiền và tổ chức tín dụng nhận tiền gửi của người dân.

Tuy nhiên, thực tiễn luôn thay đổi nhanh hơn các quy định pháp luật. Theo các chuyên gia, sau 10 năm triển khai, Luật BHTG cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để theo kịp thực tiễn, đảm bảo đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, nhất là tạo cơ sở pháp lý để DIV có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ mới trong tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại TCTD. Đơn cử, theo Luật Các TCTD sửa đổi 2017, DIV được giao thêm một số nhiệm vụ mới như: Phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt; phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; và mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Trong khi đó, các quy định về quyền hạn của tổ chức BHTG tại Luật BHTG chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp lý hiện hành về tái cơ cấu, đang là rào cản đối với DIV khi tham gia vào tiến trình này.         

Liên tiếp thời gian gần đây, từ Quốc hội đến Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đều đề cập cần nhanh chóng sửa Luật BHTG: Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh một trong ba dự án Luật Chính phủ giao NHNN xây dựng, triển khai giai đoạn 2015-2025 có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG. Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN nghiên cứu đề xuất sửa Luật BHTG, sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các TCTD yếu kém. Đến Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 2/8/2022 của NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nêu rõ “nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí BHTG xử lý QTDND yếu kém”. Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật BHTG. Hay trong nội dung Báo cáo số 302 /BC-NHNN ngày 19/9/2022, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cũng nhấn mạnh sửa Luật BHTG là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng…

Như vậy, có thể thấy, việc sửa Luật BHTG thực sự gấp gáp, là hối thúc từ thực tiễn cũng như từ phía các cơ quan chức năng với mong muốn nâng tầm hoạt động BHTG cũng như nâng vị thế, vai trò của tổ chức BHTG ở Việt Nam ngang tầm với nhiệm vụ mới - giống như thay chiếc áo đã chật so với tầm vóc của người mang nó.

“Kim chỉ nam” cho hoạt động BHTG

Tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho hoạt động BHTG, cụ thể là sớm sửa Luật BHTG phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế không chỉ giúp thay đổi về chất hoạt động BHTG ở nước ta mà còn nâng vị thế, vai trò của DIV. Nhờ đó, tổ chức này có thể đóng góp nhiều hơn cho hệ thống ngân hàng quốc gia, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.

Cùng với đó, cần nhanh chóng ban hành Chiến lược phát triển BHTG và khẩn trương triển khai trong mối tương quan với Chiến lược và định hướng phát triển ngành Ngân hàng để DIV đảm nhiệm tốt vai trò là công cụ đảm bảo an toàn cho sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng quốc gia. Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng, là “kim chỉ nam”, cơ sở để nâng tầm hoạt động BHTG trong tương lai, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế  ngày càng sâu rộng của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

Mặt khác, nâng cao năng lực tài chính cho DIV để tổ chức này có đủ nguồn lực thực hiện chính sách BHTG - chính sách bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo hoạt động an toàn của các tổ chức nhận tiền gửi. Tại thời điểm thành lập, DIV được Ngân sách Nhà nước cấp 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ, đến năm 2015 được bổ sung lên 5.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của DIV cần được tăng để phù hợp với xu hướng tăng trưởng về quy mô của hệ thống các TCTD và tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm. Đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Nhà nước về ưu tiên bảo vệ người gửi tiền và nâng cao niềm tin của người dân đối với chính sách BHTG.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay