Thứ hai, 25/11/2024
   

NHNN đồng chủ trì phiên họp Nhóm công tác về hệ thống thanh toán ASEAN

Ngày 30/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng trung ương (NHTW) Thái Lan đã đồng chủ trì phiên họp lần thứ 25 Nhóm WC-PSS tại Luang Prabang, Lào với sự tham gia của NHTW các nước thành viên, Ban thư ký ASEAN và các tổ chức bao gồm ASEAN-USAID, BISIH, ABA.

Ngày 30/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng trung ương (NHTW) Thái Lan đã đồng chủ trì phiên họp lần thứ 25 Nhóm WC-PSS tại Luang Prabang, Lào với sự tham gia của NHTW các nước thành viên, Ban thư ký ASEAN và các tổ chức bao gồm ASEAN-USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ), Trung tâm đổi mới sáng tạo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tại Singapore (BISIH), Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA).

Tại cuộc họp, dưới sự điều hành của đồng chủ trì, các thành viên WC-PSS đã tập trung thảo luận về tiến độ và kết quả triển khai các hoạt động ưu tiên và các sáng kiến hợp tác trong năm 2022, bao gồm xây dựng chỉ số sẵn sàng thanh toán điện tử ASEAN, thực hiện các chỉ số G20 về thanh toán, thúc đẩy kết nối thanh toán QR xuyên biên giới giữa các nước ASEAN và xây dựng khuôn khổ liên thông dữ liệu ASEAN. Cuộc họp cũng đã cập nhật tiến độ và kinh nghiệm triển khai kết nối thanh toán xuyên biên giới giữa các nước ASEAN, trong đó đáng chú ý là việc triển khai kết nối hệ thống thanh toán tức thời PayNow của Singapore và PromptPay của Thái Lan - liên kết đầu tiên trên thế giới giữa hai hệ thống chuyển tiền nhanh (FPS) của hai quốc gia.

Trên cương vị đồng chủ trì WC-PSS, NHNN đã chủ động phối hợp với NHTW Thái Lan đưa ra các sáng kiến mới về kết nối thanh toán xuyên biên giới theo hướng dành ưu tiên cao cho việc nghiên cứu/trao đổi về xây dựng một khuôn khổ/hạ tầng kỹ thuật đa phương chung của khu vực. Theo đề xuất của NHNN, tại cuộc họp, các thành viên đã dành nhiều thời gian trao đổi và thảo luận về sáng kiến kết nối thanh toán xuyên biên giới trên cơ sở hợp tác với Dự án Nexus của BIS - Dự án do BIS triển khai nhằm kết nối các hệ thống thanh toán tức thời (IPS) giữa các quốc gia trên thế giới để cung cấp dịch vụ thanh toán nhanh xuyên biên giới thông qua việc liên thông và kết nối cơ sở hạ tầng thanh toán giữa các quốc gia. Để triển khai sáng kiến này và thảo luận khả năng kết nối QR nội khối ASEAN, các nước cũng trao đổi về ý tưởng hình thành Nhóm công tác bao gồm đại diện của các công ty thanh toán thẻ quốc gia và đại diện các NHTW của các nước ASEAN.

Trong khuôn khổ cuộc họp, hội thảo về tăng cường tính an toàn và khả năng chống chịu của các bên vận hành và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cũng đã được tổ chức để các bên cùng nhau trao đổi và thảo luận về các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn có thể áp dụng đối với các bên cung cấp dịch vụ thanh toán. Kết thúc phiên họp, các thành viên đã thống nhất về các nội dung dự kiến báo cáo tại Hội nghị Ủy ban Cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC) vào ngày 18/10/2022 tại Singapore. Các thành viên chia sẻ nhận định WC-PSS là Nhóm công tác có tính hiệu quả và thực chất nhất với nhiều sáng kiến hữu ích đã và đang được triển khai trên thực tế. Với sự tham gia của các thành viên là các cán bộ NHTW có nhiều kinh nghiệm về thanh toán và hội nhập ngân hàng khu vực ASEAN, Nhóm đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kết nối thanh toán trong khu vực.

Đồng chủ trì WC-PSS cảm ơn và đánh giá cao các quốc gia thành viên đã hết sức tích cực xây dựng các ý tưởng và hoạch định việc triển khai các sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ WC-PSS.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay