
Hình ảnh hoạt động tại Ngân hàng NCB
Hành trình tăng vốn quyết liệt
Chỉ trong vòng ba năm, NCB đã nâng vốn điều lệ lên gần gấp ba lần, phản ánh chiến lược dài hạn của ngân hàng trong việc tăng cường năng lực tài chính.
Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 thông qua, NCB dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn lên hơn 19.200 tỷ đồng, thông qua chào bán riêng lẻ 750 triệu cổ phiếu, với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Toàn bộ số tiền thu được, khoảng 7.500 tỷ đồng, sẽ được bổ sung cho hoạt động cấp tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Nếu kế hoạch này thành công, đây sẽ là lần tăng vốn thứ ba liên tiếp trong vòng bốn năm (2022-2025). Đây chính là một minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn phát triển dài hạn, bài bản và bền vững của NCB.
Tăng vốn điều lệ - xu hướng chung của ngành ngân hàng
Tăng vốn điều lệ đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn vốn, đồng thời mở rộng dư địa cho tăng trưởng tín dụng.
Theo thống kê, đến cuối năm 2024, có ít nhất 11 ngân hàng đã thực hiện tăng vốn, đưa tổng vốn điều lệ toàn hệ thống tăng 15%, lên hơn 822.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, hàng loạt ngân hàng lớn tiếp tục công bố kế hoạch tăng vốn, như Vietcombank, VietinBank, Agribank… để đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn mực quốc tế và chuẩn bị cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8% mà Chính phủ đã đặt ra.
Trong đó, nguồn vốn tín dụng được xem là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030.
NCB: kiên định mục tiêu phát triển toàn diện
Không chỉ là một bước đi tài chính, đợt tăng vốn của NCB còn là một phần trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện của ngân hàng. Khoản vốn mới sẽ giúp ngân hàng tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao sức chống chịu trước rủi ro thị trường. Đồng thời, cũng là nguồn lực quan trọng để NCB triển khai chiến lược “Digital Wealth” - mô hình kết hợp giữa quản lý tài sản và dịch vụ ngân hàng số hiện đại.
Theo lộ trình phát triển, NCB đặt mục tiêu đưa vốn điều lệ lên hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028. Qua đó, mở rộng nguồn vốn trung, dài hạn, nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và hướng đến trở thành một trong những ngân hàng uy tín, hiệu quả hàng đầu thị trường.
Những bước tiến vượt bậc trong năm 2024
Bên cạnh việc tăng vốn, năm 2024 cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng của NCB khi trở thành tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn tất xây dựng và được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, củng cố nỗ lực toàn diện và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của ngân hàng.
Cùng với đó, NCB còn tiên phong trong chuyển đổi số khi trở thành ngân hàng đầu tiên cho phép mở tài khoản thanh toán trực tiếp qua ứng dụng VNeID, mang lại trải nghiệm ngân hàng hiện đại, an toàn và thuận tiện cho khách hàng.
Kết thúc năm 2024, NCB đã vượt kế hoạch ở nhiều chỉ tiêu trọng yếu:
- Tổng tài sản: 118.559 tỷ đồng (đạt 112% kế hoạch)
- Dư nợ cho vay: 71.175 tỷ đồng (đạt 111% kế hoạch)
- Huy động vốn từ dân cư: 100.489 tỷ đồng (đạt 117% kế hoạch)
- Số lượng khách hàng: 1,346 triệu người (tăng 34,6% so với cuối 2023)
Những con số trên cho thấy nền tảng tài chính vững chắc và sự bứt phá mạnh mẽ của NCB trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm.