Khảo sát nhanh được Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ thực hiện tại một số ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, SCB, VPBank, ACB, Sacombank, MB, VIB, MSB, SeABank, NCB, LienVietPostBank… trong ngày đầu tiên của tháng 3/2022, cho thấy, lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại cổ phần biến động theo chiều hướng tăng so thời điểm đầu năm ở một số kỳ hạn, cao nhất lên tới 7,6%/năm.
Cụ thể, tại SCB lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng từ 0,15 - 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng của SCB lần lượt ở mức 4,0%/năm, 5,9%/năm, 7,0%/năm, 7,0%/năm. Đặc biệt, với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi 13 tháng, SCB niêm yết lãi suất tiết kiệm lên tới 7,6%/năm. Đây cũng được xem là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay.
Tại VPBank, lãi suất tiết kiệm cũng được điều chỉnh tăng tại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Cụ thể, lãi suất 6 tháng được niêm yết ở mức 4,8%/năm (tăng 0,3%), 12 tháng là 5,6%/năm (tăng 0,6%). Đặc biệt, với mức tiền gửi trên 50 tỷ đồng với kỳ hạn gửi là 12 tháng, VPBank sẽ áp dụng mức lãi suất lên tới 6,4%/năm.
Tại MB, lãi suất kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh tăng 0,2% lên mức 3,4%/năm. Các kỳ hạn còn lại vẫn giữ nguyên so với đầu năm.
Qua khảo sát ngoài SCB có mức lãi suất huy động đặc biệt lên tới 7,6%/năm, thì một số ngân hàng khác như MSB, ACB, Techcombank...
Theo biểu lãi suất áp dụng từ 23/2 của ACB, mức lãi suất cao nhất của ngân hàng lên tới 7,1%/năm dành cho khoản tiền 100 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi là 13 tháng;
Techcombank cũng áp dụng lãi suất 7,1%/năm cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và cam kết không được tất toán trước hạn;
Còn tại MSB, với số tiền gửi tiết kiệm lên tới 500 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,0%/năm.
Trong khi lãi suất tiết kiệm biến động mạnh tại khối ngân hàng thương mại cổ phần trong những tháng đầu năm 2022, thì tại khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), lãi suất tiếp kiệm tháng 3 không có sự thay đổi so với đầu năm. Ví như: Vietcombank tiếp tục giữ nguyên lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn chủ chốt 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 3,4%/năm, 4,0%/năm, 5,5%/năm, 5,3%/năm; tương tự như vậy BIDV cũng duy trì lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn này lần lượt là 3,4%/năm, 4,0%/năm, 5,5%/năm, 5,5%/năm...
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu vừa công bố Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) cho biết, cung tiền (M2) và huy động vốn năm 2021 đều có cải thiện đáng kể so với con số sơ bộ đưa ra vào cuối năm ngoái. Cụ thể, tăng trưởng M2 đạt 10,7% so với đầu năm (so với mức 8,93%, tính đến ngày 24/12/2021), trong khi tăng trưởng huy động vốn ghi nhận ở mức 9,24% (so với 8,44% tính đến ngày 24/12/2021).
Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tốt khi tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% (từ mức trung bình khoảng 10,8% trước dịch COVID-19).
Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, điều trên phản ánh thực tế môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh.
Do vậy, bước sang năm 2022, SSI Research kỳ vọng tỷ lệ này sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm với mức tăng khoảng 20-25 điểm cơ bản dành cho lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.