Đây là chủ đề của chương trình đào tạo do Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) phối hợp với Tập đoàn LexisNexis tổ chức ngày 14/10/2022, dành cho các tổ chức hội viên.
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, chuyển đổi số bùng nổ và Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là hai năm gần đây - dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự phát triển đột phá của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), sinh trắc học, chuỗi khối (blockchain)…
Vì vậy, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng luôn tiên phong dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều các lĩnh vực khác. Tại Việt Nam thì các cơ chế, chính sách cũng như là các hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho sự phát triển của các hoạt động giao dịch điện tử nói chung và dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử nói riêng cơ bản đã có và đang được tiếp tục hoàn thiện.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, VNBA cho biết, thời gian qua việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử đang có sự phát triển mạnh mẽ, mở rộng cả về quy mô và chất lượng.
Thống kê đến cuối tháng 7/2022 cho thấy, đang có 80 tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ internet banking, 44 tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ mobile payment, 48 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Giao dịch qua internet cũng tăng trưởng 63% về số lượng và tăng 32% về giá trị. Giao dịch qua kênh mobile tăng trưởng 98% về số lượng và 84% về giá trị. Thanh toán qua kênh QR tăng 86% về số lượng và 126% về giá trị. Doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đang ở mức khoảng 15 tỷ USD.
Chi tiết nội dung hội thảo "Quản trị rủi ro các giao dịch và thanh toán điện tử" xem video dưới đây: