Theo đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm Trưởng ban; Bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (VNBA) là Phó Ban thường trực; Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc BIDV là Phó ban và các thành viên là đại diện một số TCTD hội viên VNBA gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, Techcombank, HSBC, Standard Chartered Bank và đại diện Ban Pháp luật & nghiệp vụ (VNBA). Ngoài ra, còn có 09 thành viên Tổ giúp việc cho Ban soạn thảo.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, giao dịch chuyển tiền quốc tế là lĩnh vực hết sức phức tạp, vừa mang tính chất thông lệ quốc tế, vừa mang tính chất cụ thể của từng trường hợp giao dịch. Tại Việt Nam, do từ trước tới nay không có quy định cụ thể nên cách hiểu và cách đặt vấn đề của từng cá nhân, tổ chức và cơ quan bảo vệ pháp luật có sự khác biệt.
Vì vậy, việc đưa ra được thông lệ chung sẽ góp phần giúp các ngân hàng thống nhất thực hiện, qua đó tránh được các rủi ro liên quan đến quy trình chuyển tiền quốc tế.
Sau khi thống nhất và được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, chấp thuận, ngày 20/11/2023, Hiệp hội Ngân hàng đã có Công văn số 471/HHNH về việc cử nhân sự tham gia Ban soạn thảo Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra bộ chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế (Bộ Quy tắc). Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng đã quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc xây dựng Bộ Quy tắc.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, Bộ Quy tắc sẽ được xây dựng dựa trên nhiều nội dung, thông lệ và đảm bảo không trái với các quy định pháp luật. Bộ Quy tắc được tạo ra để phục vụ lợi ích chung của các tổ chức tín dụng, lấy quy định chung làm gốc.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) ghi nhận nỗ lực của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng bắt tay đi đầu xây dựng bộ quy tắc chung thống nhất. Ông cũng đồng thời gợi mở nhiều vấn đề về nguyên tắc trong việc xây dựng bộ khung nhằm tạo thông lệ để áp dụng cho cả thị trường.
Theo ông Tuấn, Bộ quy tắc chung thống nhất phải đưa ra quy định có tính chất khung bao trùm và khái quát cao. Vì vậy, Bộ quy tắc chung thống nhất gồm có các nguyên tắc chung cơ bản để tất cả các tổ chức tín dụng đều dễ dàng thực hiện và không nên đưa vào các chi tiết cụ thể.
Ông Tuấn cũng mong muốn Bộ quy tắc chung thống nhất sớm được ban hành và các TCTD cũng cần có kế hoạch cụ thể để khi đưa vào thực hiện đạt được hiệu quả tối đa.
Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên tổ công tác đã thống nhất các nguyên tắc, cách thức kiểm tra, phương thức áp dụng bộ khung chung và quy trình trong việc xây dựng Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế. Theo đó, thời gian dự kiến hoàn thành dự thảo sơ bộ vào khoảng 30/1/2024. Sau khi gửi xin ý kiến góp ý của các bộ ngành, thời gian dự kiến hoàn thành Bộ quy tắc chung vào cuối quý II/2024.