Thứ tư, 17/07/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng họp góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng

Ngày 19/7/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức họp, lấy ý kiến các hội viên, góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Ngày 19/7/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức họp, lấy ý kiến các hội viên, góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tham dự và chủ trì cuộc họp.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tham dự đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm"

Hội thảo “Các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa án”

Danh sách công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động tại Việt Nam

Tham dự cuộc họp còn có bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 39; bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước); ông Đỗ Hoàng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (cơ quan TTGS ngân hàng); ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, đại diện Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam); ông Nguyễn Thành Phúc, Phó TGĐ Công ty FE Credit, Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cùng đại diện Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước), đại diện các tổ chức tín dụng, chi nhánh chi nhánh ngân hàng nước ngoài là hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Cuộc họp được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hàng chục điểm cầu ở các tổ chức tín dụng (TCTD).

Gop y tt39 ttk nguyen quoc hung2

T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Quỳnh Lê

Thông tư 39 sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tiễn

Phát biểu khai mạc, T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá Thông tư 39 là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng đối với hoạt động cho vay của các TCTD. Thông tư 39 mặc dù đã có những đổi mới, song vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Việc ban hành Thông tư nói chung cần phải đối chiếu với các Bộ luật và Luật khác (như Luật Hôn nhân & Gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản…..) sao cho phù hợp.

“Các TCTD cần rà soát, đánh giá, đối chiếu với thực tiễn, với các quy định pháp luật liên quan để trong quá trình cho vay còn phải đối diện với các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án… để bảo vệ quyền lợi cán bộ. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi không phải ban hành thông tư chỉ để thực hiện mà còn phải đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan khác”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc ban hành thông tư cần phù hợp với thực tiễn, tầm nhìn dài hạn. Những vấn đề nào mà pháp luật không cấm thì nên cho phép triển khai để các TCTD không bị hạn chế trong hoạt động kinh doanh. Cần đánh giá tổng thể việc sửa đổi thông tư thì các TCTD được gì, hoạt động kinh doanh có tốt hơn không. “Thậm chí chúng ta cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành thông tư mới thay thế?”, ông Hùng bày tỏ.

Theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, mặc dù CLB Pháp chế ngân hàng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng) đã có báo cáo tổng hợp đầy đủ, chi tiết các ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung thông tư 39 từ các TCTD. Tuy nhiên, Tổng Thư ký đề nghị các TCTD tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến trực tiếp tại hội nghị, nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong qua trình triển khai thực hiện Thông tư 39.

Gop y tt39 hung Vietcombank

Ông Đỗ Việt Hùng, đại diện Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) góp ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Quỳnh Lê

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Ban Pháp chế Vietcombank, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cho rằng việc sửa đổi Thông tư 39 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh cho các TCTD. Về cơ bản, Hiệp hội Ngân hàng thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Thông tư 39. Các quy định tại dự thảo Thông tư 39 sửa đổi đã cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, lúng túng của các TCTD trong thực tiễn triển khai thời gian qua như: Sửa đổi, bổ sung quy định về việc vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống; Bổ sung quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn cho phù hợp quy định tại Chương VI của Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung; quy định rõ hơn về những nhu cầu vốn không được cho vay; cho phép TCTD và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay; bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng trong thời gian tới; …

Tuy nhiên, để Thông tư 39 phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động hiện nay của các TCTD, qua rà soát và trên cơ sở phản ánh của các TCTD hội viên, Hiệp hội Ngân hàng đã có tổng hợp một số ý kiến đối với dự thảo Thông tư (sửa đổi) và góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định còn bất cập tại Thông tư 39 hiện hành.

Ngoài các nội dung của dự thảo sửa đổi, còn một số vấn đề mà Hiệp hội Ngân hàng khác đề nghị Ban soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) xem xét sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 39 như: quy định về lãi chậm trả; về cho vay khách hàng là người không cư trú; về cung cấp báo cáo tài chính; về cho vay bằng phương thức điện tử….. Trong đó, đối với hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Ban soạn thảo xem xét không áp dụng nội dung lưu trữ “quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền” trong hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử, quy định tại Điều 29, Điều 32 Thông tư 39 bởi trong cho vay bằng phương tiện điện tử, do việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cấp tín dụng được thực hiện tự động, nên hồ sơ tín dụng không có quyết định cấp tín dụng có chữ ký của người có thẩm quyền/không có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua.

Hay quy định về hồ sơ đề nghị vay vốn tại Điều 9 được hiểu đối với các khoản vay nhỏ, với mục đích tiêu dùng, phục vụ đời sống vẫn yêu cầu các TCTD phải thực hiện đầy đủ công tác thẩm định, phê duyệt, giao kết hợp đồng, kiểm tra sau vay, … như các khoản vay lớn. Theo Hiệp hội Ngân hàng, điều này gây tốn kém về thời gian, chi phí cho các TCTD và không mang lại hiệu quả thực tế trong việc đảm bảo chất lượng tín dụng, đồng thời cũng tạo “rào cản” cho người dân khi tiếp cận nguồn tín dụng. Vì vâỵ, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Thông tư 39 cho phép đối với các khoản vay được bảo đảm 100% bằng sổ tiết kiệm, tiền gửi, giấy tờ có giá như chứng chỉ tiền gửi.., và các khoản vay có tính chất tiêu dùng, phục vụ đời sống có giá trị nhỏ thì TCTD có thể chủ động trong việc áp dụng các quy định về cho vay theo hướng đơn giản các thủ tục, trình tự về cho vay (hồ sơ vay vốn, không bắt buộc TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi; phương thức/cách thức thẩm định, phê duyệt; xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; thẩm định, phê duyệt; đến xác lập hợp đồng/thỏa thuận cho vay; giải ngân vốn vay) trên cơ sở bảo đảm và chịu trách nhiệm về an toàn và chất lượng tín dụng.

Gop y tt39 phuong clb phapche

Ông Nguyễn Văn Phương, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Quỳnh Lê

Kiến nghị "trao quyền tự chủ” cho các TCTD

Góp ý kiến tại cuộc họp, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, đại diện Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) khẳng định, cuộc họp góp ý này là rất quan trọng để việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung thông tư sao cho phù hợp với thực tiễn và các luật khác. Thông tư nên có các quy định khung, giảm thiểu các quy định quá chi tiết, tạo điều kiện thông thoáng, “mở” nhất đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD, trong phạm kiểm soát rủi ro hệ thống, phát triển bền vững. Ông Hùng cũng đề nghị ban soạn thảo tham khảo thêm một số tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế để giải quyết những tồn tại của thông tư (như quyền và trách nhiệm của bên cho vay - PV)

Bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng, đại diện ngân hàng Vietinbank cũng cho rằng, những vấn đề gì pháp luật không cấm thì nên tạo điều kiện cho các TCTD chủ động triển khai linh hoạt. Đối với quy định liên quan đến nội dung cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa, đại diện Vietinbank cho đây là nhu cầu chính đáng và cần thiết của khách hàng, người dân trong nền kinh tế. Hiện nay pháp luật hiện hành hoàn toàn không có quy định nào về việc cấm cho vay mua bất động sản/hàng hóa. Vị diện diện này lý giải thêm, hiện nay mua bất động sản đa phần nguồn vốn phải vay ngân hàng tới 80% nhưng việc giải ngân sẽ có độ trễ nên khách thường huy động từ nguồn khác sau đó ngân hàng giải ngân bù đắp khoản này, vì thế ban soạn thảo nên cân nhắc quy định này. Đại diện Vietinbank cũng không đồng tình với việc “quy” trách nhiệm cho các TCTD trong việc kiểm soát nguồn vốn đã giải ngân, mà điều này là trách nhiệm của khách hàng (người vay vốn).

Đại diện ngân hàng MSB cũng cho rằng, Thông tư nên quy định khung chung để các TCTD căn cứ tình hình thực tế, áp dụng theo các quy định khác của pháp luật để triển khai hoạt động kinh doanh. Trong quá trình triển khai, cơ quan quản lý nhà nước xét thấy có “vấn đề” thì có văn bản nhắc nhở, cảnh báo. Tránh tình trạng những gì pháp luật không cấm mà các TCTD lại không được làm.

Gop y tt39 hang cstt

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các hội viên Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Lê

Cần ứng dụng công nghệ trong hoạt động cho vay

Liên quan tới cho vay bằng phương thức điện tử, đại diện ngân hàng Techcombank cho rằng, dự thảo Thông tư cần có quy định cụ thể, “mở đường” để ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình cho vay bởi không thể làm thủ công được, cản trở quá trình phát triển. Vị đại diện Techcombank cũng cho rằng khi hoàn tất quy trình cho vay trên máy tính rồi lại phải in ra giấy, ký tá và lưu nội bộ là “rất lãng phí, mất thời gian, đó là tụt hậu so với thị trường”. Vị đại diện này cũng cho hay, đối với việc kiểm soát mục địch sử dụng vốn, người đi vay (khách hàng) phải chịu trách nhiệm lớn nhất và đầu tiên, chứ không phải dồn trách nhiệm cho ngân hàng (cán bộ cho vay).

Đại diện ngân hàng Standard Chartered cho biết, hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ là “không biên giới”. Chính vì thế không thể lấy quy định cho vay truyền thống để áp dụng vào phương thức điện tử và nên “trao quyền” cho các TCTD tự chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý (NHNN) chỉ cần áp dụng tỷ lệ nợ xấu nhất định, chứ không cần thiết áp quy định về hồ sơ, thủ tục…. bởi như thế sẽ hạn chế hoạt động cho vay. “Khách hàng vay 10 triệu không thể áp quy định, quy trình đối với khoản vay 100 tỷ đồng”, vị đại diện bày tỏ.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó TGĐ Công ty FE Credit, Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng đối với quy trình thẩm định cho vay bằng phương thức điện tử cần nhanh gọn, nhất là đối với các khoản vay tiêu dùng, các khoản vay nhỏ, giảm thiểu thủ tục để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được vốn. Cơ quan quản lý cần trao quyền cho các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đảm bảo an toàn theo quy định. Việc kê khai hồ sơ do khách hàng tự chịu trách nhiệm chứ không nên yêu cầu TCTD phải thu thập hồ sơ, dữ liệu. Thậm chí bên cho vay có thể sử dụng dữ liệu của bên thứ 3 trong việc thẩm định hồ sơ khách hàng.

Tiếp thu và giải đáp thắc mắc của một số TCTD, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá báo cáo kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng rất cô đọng, đầy đủ.

Theo bà Hằng, Ngân hàng Nhà nước xuyên suốt quan điểm ban hành khung, đưa nguyên tắc tắc cơ bản để các TCTD căn cứ tự đưa ra các quy định nội bộ phù hợp với từng TCTD và từng nhóm khách hàng, từng khẩu vị rủi ro.

Ghi nhận những phản ánh về nhiều nội dung của thông tư 39 chưa theo kịp thị trường, nhất là đối với hoạt động cho vay phương thức điện tử, bà Hằng cho biết thông tư 39 sẽ sửa đổi, bổ sung đưa ra khung pháp lý chung để các TCTD áp dụng, tránh rủi ro (nếu có) sau này. Bà Hằng thừa nhận cũng có những bất cập trong việc xây dựng dự thảo đó là nhiều nội dung của Luật các tổ chức tín dụng được đưa vào thông tư 39, nhưng một số nội dung này hiện nay cũng còn bấp cập nhưng Luật đang có hiệu lực nên vẫn phải áp dụng, dù những ý kiến của các TCTD kiến nghị là xác đáng. Chính vì thế, ban soạn thảo tiếp tục ra soát tiếp các nội dung khác. Trong năm 2022 dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo để thông tư sớm được ban hành.

Gop y tt39 ttk nguyen quoc hung

Quang cảnh cuộc họp góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Ảnh: Quỳnh Lê

Kết luận hội nghị, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của thông tư 39 đối với hoạt động cho vay của các TCTD. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị ban soạn thảo cần xem xét thời điểm ban hành thông tư 39 sao cho phù hợp bởi hiện nay một số Luật như Luật Giao dịch điện tử, Luật các tổ chức tín dụng, cơ chế thử nghiệm sandbox cho Fintech… vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Đối với vấn đề việc kiểm soát vốn vay đã giải ngân mà các hội viên kiến nghị, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng không thể quy trách nhiệm cho ngân hàng mà đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng (người vay vốn) sử dụng nguồn vốn đó như thế nào sao cho hiệu quả, đúng mục đích.

Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị ban soạn thảo xem xét khi sửa đổi thông tư 39 thì thông tư 43 sẽ sửa đổi thế nào để có chính sách phù hợp, tăng khả năng tiếp cận vốn, nhất là những người yếu thế nhằm đẩy lùi “tín dụng đen”.

Đối với giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay, cần xem xét có 01 Chương của Thông tư quy định về vấn đề này. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, hiện nay công cuộc chuyển đổi số ở các TCTD diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng. Chính vì thế, cái gì pháp luật không cấm thì nên để các TCTD tự chủ, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát và có văn bản cảnh báo rủi ro. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với các hội viên, phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo để tiếp tục góp ý, bổ sung các nội dung của thông tư trước khi ban hành.

Chi tiết báo cáo tổng hợp ý kiến các TCTD là hội viên Hiệp hội Ngân hàng về dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 39, xem tại đây

BBT

Xem thêm:  Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay