Thứ bảy, 11/01/2025
   

Đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu

Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước.

Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước.

Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả

Trong Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chính phủ khẳng định, Nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

Theo đó, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, cùng với sự chủ động, nỗ lực của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn 2016-2020 đã được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Cụ thể, cuối năm 2016 là 2,46%; cuối tháng 8/2017 là 2,45%; cuối năm 2017 là 1,99%; cuối năm 2018 là 1,91%; cuối năm 2019 là 1,63% và thời điểm 31/5/2020 là 1,86%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm liên tục qua các năm.

Tính từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 307,96 nghìn tỷ đồng (chiếm 85,26%); nợ xấu bán cho VAMC là 48,52 nghìn tỷ đồng (chiếm 13,43%); nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 4,72 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,3%).

Đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 160,92 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,76% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 67,28 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,89% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,68 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,35% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD, là giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Theo Chính phủ, trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Điều đó chứng tỏ ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ì, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, VAMC và các TCTD, NHNN tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42 cho thấy tại một số địa phương, dù được cấp ủy, chính quyền ủng hộ và đánh giá cao về mặt chủ trương của Nghị quyết số 42, nhưng trong công tác triển khai thực tế, các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan trên địa bàn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành Ngân hàng nên còn vướng mắc trong phối hợp xử lý.

Đặc biệt, công tác thu giữ TSBĐ còn nhiều khó khăn, bất cập do các cấp cơ sở chưa được tập huấn về Nghị quyết số 42. Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa các DNNN, việc thừa kế nghĩa vụ trả nợ giữa pháp nhân mới thành lập và pháp nhân cũ chưa được đồng bộ, một số trường hợp cá biệt pháp nhân mới không thừa nhận nghĩa vụ thanh toán nợ (đã là nợ xấu) của pháp nhân cũ dẫn đến tranh chấp kéo dài tại Tòa án...

Để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu được triển khai có hiệu quả trên thực tế, qua đó giúp các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các TCTD triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 và chỉ đạo các cấp hỗ trợ tối đa cho các TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ, thu hồi nợ. Đồng thời giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42...

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 nói riêng thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước. Bên cạnh đó xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế. Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội chỉ đạo Toà án nhân dân các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP...

Theo Thời báo Ngân hàng

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay