Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội đã đi vào cuộc sống được hơn 3 năm. Chính sách này đã tác động thế nào đến hoạt động xử lý nợ xấu và có còn vướng mắc nào cần tháo gỡ để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn?
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trao đổi về vấn đề này.
Tác động của Nghị quyết 42 đối với hoạt động xử lý nợ xấu (XLNX) của hệ thống ngân hàng như thế nào?
Sau hơn 3 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 42 đã đạt được những kết quả quan trọng. Cái được thứ nhất và cũng rất có ý nghĩa chính là ý thức trả nợ của bên đi vay vốn tăng lên rõ rệt. Ví dụ thời điểm trước đây, nhất là giai 2012-2017, việc tự nguyện trả nợ ở mức 21%; nhưng trong hơn 3 năm qua tỷ lệ này tăng lên khoảng 42%.
Hai là tiến trình XLNX hiệu quả tăng lên rõ rệt thể hiện qua số lượng và giá trị nợ xấu được xử lý hàng tháng khá cao đạt gần 7.000 tỷ đồng cao gấp đôi so với giai đoạn trước. Nhờ vậy, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý khoảng 300 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42. Qua đó giúp tỷ lệ nợ xấu giảm tương đối mạnh trong thời gian qua. Còn nhớ thời điểm năm 2012, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ cơ cấu lại trên tổng dư nợ khoảng 17,2%. Nhưng đến thời điểm cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu ngoại bảng bao gồm nợ bán cho VAMC còn khoảng 4,65%, còn nợ xấu nội bảng còn khoảng gần 2%.
Cái được thứ ba là khung pháp lý về XLNX đã được hoàn thiện hơn sau khi Nghị quyết 42 ra đời một số nghị định, thông tư hướng dẫn đã được ban hành và sự vào cuộc của các bộ ban ngành địa phương quyết liệt hơn, tích cực hơn.
Điều đó chứng tỏ Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và qua đó góp phần quan trọng hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020 về cơ bản là thành công. Đặc biệt, minh chứng khi sự vào cuộc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các TCTD, cũng như hệ thống DN thì việc XLNX sẽ đạt được kết quả khả quan.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, ông nhận thấy những điểm tồn tại, vướng mắc nào không?
Theo tôi, có bốn điểm vướng mắc chính. Thứ nhất là sự vào cuộc của các bên liên quan sở ban ngành, chính quyền địa phương chưa được quyết liệt dẫn đến hiện tượng nhiều khoản vay phải xử lý quá lâu quá dài có khoản 2-3 năm có khoản đến 5 năm.
Thứ hai, thiện chí của bên đi vay vẫn còn hạn chế ở một số đối tượng. Chính vì thế tiến trình XLNX vô cùng phức tạp, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng lập tức bên vay không hợp tác dẫn tới hiện trạng bế tắc.
Thứ ba, một số văn bản hướng dẫn còn chậm ban hành. Chẳng hạn, Nghị quyết 42 cho phép các TCTD, VAMC áp dụng thủ tục rút gọn nhưng trên thực tế triển khai rất ít khoản được sử dụng hình thức này bởi vì vẫn còn thiếu văn bản hướng dẫn, hoặc sự hướng dẫn chưa rõ ràng, nhất quán giữa các địa phương với nhau và giữa trung ương với địa phương.
Vấn đề cuối cùng cũng rất quan trọng là trong quá trình thực hiện như vậy, những vướng mắc chậm tháo gỡ dẫn đến nản lòng cả TCTD cũng như cả bên vay.
Do vậy, tôi cho rằng, thời gian tới cần phải sớm giải quyết vướng mắc này. Nhất là trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến khoản nợ xấu. Bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 chắc chắn tác động nợ xấu bị tăng lên trong khi nhiều khách hàng cũng đã có dấu hiệu lợi dụng để trì hoãn giao tài sản thanh lý cho các TCTD khiến cho quá trình XLNX càng khó khăn hơn.
Thành lập thị trường mua bán nợ thì không mới. Hiện Việt Nam chưa có thị trường chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia, đó là các ngân hàng và VAMC, DATC đã mua bán nợ với nhau. Điều chúng ta cần là có thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa. Thời gian qua, Bộ Tài chính làm hơi chậm, chưa quyết liệt trong vấn đề này khi đã có quy định rõ ràng trong Nghị định 69 yêu cầu bộ nghiên cứu và thành lập thị trường mua bán nợ, cả nợ tốt và nợ xấu, chạy trên giao dịch điện tử chứ không phải một cái chợ hay siêu thị. Một thị trường mua bán nợ như vậy sẽ cung cấp thông tin công khai minh bạch giúp thu hút nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, cả trong và ngoài nước. Vì hiện tại, nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ nhưng không biết tìm hiểu thông tin tin cậy từ đâu.
Tất nhiên, thị trường mua bán nợ không thể ngay lập tức giải quyết hết nợ xấu. Để xử lý được nợ xấu của nền kinh tế một cách triệt để cần nhiều biện pháp kết hợp để giải quyết các vướng mắc. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần luật hóa Nghị quyết số 42 trở thành một bộ luật XLNX để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ. Đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của nhiều cơ quan để bộ luật có tính mạnh mẽ hơn.
Theo Thời báo Ngân hàng