Là hội viên Hiệp hội Ngân hàng, 12 công ty tài chính tiêu dùng đang dần khẳng định vai trò, vị trí trên thị trường tiền tệ, phục vụ các nhu cầu vay tiêu dùng của xã hội ngày một đa dạng, phong phú. Các công ty tài chính là một phần không thể thiếu trong việc cung ứng vốn tín dụng cho khu vực dân cư đông đảo, trải dài trên phạm vi rộng lớn khắp đất nước.
Nỗ lực cùng đồng hành, cùng chia sẻ
Hoạt động của các công ty tài chính không ngoài mục đích đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, vì thế các công ty tài chính luôn chú trọng việc mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xã. Đã có nhiều hình thức như cho vay qua sổ tín dụng, cho vay qua các tổ, nhóm của tổ chức chính trị-xã hội, triển khai điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dụng… được các công ty tài chính phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công băng xã hội và hạn chế tín dụng đen.
Sự nỗ lực không ngừng của các công ty tài chính trong thời gian qua được thể hiện bằng những con số biết nói; đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang bị tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến 31/5/2021, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên đã đạt 22.195 tỷ đồng, tăng trên 20% so vốn điều lệ năm 2020 và chiếm gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính; tỷ lệ nợ xấu bình quân từ 6-7%. Nếu như FCCOM đang phấn đấu đến hết tháng 6/2021, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức 8%, thì Home Credit đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất là 2,05% trên tổng dư nợ.
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nhà nước, các công ty tài chính đã tích cực phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, phù hợp hướng đến những đối tượng mục tiêu là khách hàng có thu nhập thấp, biến động và chưa có đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, tạo ra sản phẩm tài chính toàn diện, tiếp cận sâu, rộng đến khách hàng ở địa bàn xa, với mức lãi suất hợp lý kèm theo những dịch vụ tiện ích hiện đại.
Các công ty tài chính đã chú trọng triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số (Digital Lending), tạn dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí bán hàng, hướng tới mức lãi suất cho vay hợp lý để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng; đưa các ứng dụng này vào hoạt động thu hồi nợ trên địa bàn, thông qua Mobile Apps Collection. Đồng thời tập trung điều chỉnh cách thức tác nghiệp, chính sách phân bổ chỉ tiêu, bổ sung nhân sự cho thu hồi nợ địa bàn, ban hành các chương trình thi đua…. Nhằm nâng cao năng suất thu nợ và cải thiện nợ xấu.
Thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các công ty tài chính đã nghiêm túc thực hiện cơ cấu lại nợ, khôn ngừng nố lực xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng, lãi suất ngày một giảm, rất nhiều khách hang được hưởng lãi suất ưu đãi của các công ty.
5 tháng đầu năm 2021, Công ty FE Credit đã có tới 400.000 khoản vay, trị giá gần 2 ngàn tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Tại Công ty Lotte Finance, tổng số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021?tt-NHNN là 39 khách hàng, với dư nợ 1,4 tỷ đồng. Tại Công ty Mirae Asset đã miễn giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số tiền lãi đã được miễn, giảm là 7,43 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ đã dược cơ cấu lại là 45 tỷ đồng. Công ty SHB Finance đã hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho số nợ 104 tỷ đồng. Công ty MB Shinsei hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế gần 486 tỷ đồng.
Vướng mắc và kiến nghị
Những khó khăn có tính đặc thù, thường xuyên đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là luôn phải đối diện với khách hàng vay vốn nhỏ, lẻ, có thu nhập thấp, bấp bênh, số lượng người vay lớn, địa bàn cho vay rộng…, vì thế việc đảm bảo an toàn vốn cho vay là hết sức khó khăn, làm tăng chi phí quản lý, kiểm soát rủi ro. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến công tác đôn đốc, thu hồi nợ, xử lý nợ xấu, nợ quá hạn. Dịch bệnh kéo dàiđã làm thay đổi thói quan tiêu dùng của người dân, tiết kiệm chi tiêu, tập trung cho các nhu cầu thiết yếu của đời sống, hạn chế các khoản vay tiêu dùng khác, ảnh hưởng đến doanh số cho vay, cơ cấu nợ vay của các công ty tài chính.
Nạn tín dụng đen, giả mạo apps cho vay của các công ty tài chính để lừa đảo đang là mối đe dọa trực tiếp đến hoạt động cho vay tiêu dùng chính thức, cũng như gây hiểu lầm, giảm uy tín của các công ty tài chính.
Việc chấp hành nghiêm cơ chế, chính sách, các quy định về tín dụng được coi như chìa khóa đảm bảo cho hoạt động của các công ty tài chính phát triển an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước như: Văn bản số 09/VBHN-NHNN; Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay phục vụ đời sống là đối với khách hàng cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt; Thông tư 43/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/NHNN) quy định hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính; Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay thông qua hạn mức tín dụng nhằm mục đích tiêu dùng… còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập và hạn chế.
Các công ty tài chính mong muốn các cơ quan quản lý từng bước điều chỉnh quy định cho phù hợp với đặc thù của loại hình hoạt động tín dụng này. Quy định cần mở rộng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đang ngày càng phát triển và đa dạng; Điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dùng; đồng thời xem xét nâng tổng mức dư nợ cho vay tiêu dung giải ngân trực tiếp không áp dụng tỷ lệ trên từ 20 triệu đồng lên 40 triệu đồng; Sửa đổi quy định về điểm giới thiệu dịch vụ theo hướng mở hơn, cho phép ký hợp đồng tại các điểm giới thiệu dịch vụ để giảm thiểu thời gian, chi phí, thủ tục cho vay, hạn chế khách hàng tìm đến tín dụng đen. Các công ty tài chính cũng mong muốn cơ quan quản lý từng bước điều chỉnh các quy định, chỉ tiêu an toàn phù hợp với đặc thù hoạt động, xem xét tỷ lệ nợ xấu định hướng riêng cho từng nhóm công ty tài chính; xem xét bỏ quy định nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày vì đang gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ do khách hàng cố tình, chủ động không phản hồi các hình thức nhắc nợ; Sửa đổi, bổ sung nội dung “thực hiện cam kết giải quyết khiếu nại với khách hàng trong thời gian sớm nhất” để phù hợp hơn với tình hình hoạt động thực tế của công ty tài chính.
Đối với các quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN về lãi chậm trả lãi tối đa không quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả là tương đối thấp, gây khó khăn cho quá trình thu hồi nợ đặc biệt là đối với khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm. Về hồ sơ vay vốn, yêu cầu phương án sử dụng vốn vay khả thi của khách hàng là tương đối bất cập, bởi mục đích vay tiêu dùng đã được quy định cụ thể tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN và giá trị khoản vay thấp tối đa không quá 100 triệu đồng.
Những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị của các công ty tài chính đã và đang được Hiệp hội Ngân hàng, với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức hội viên tổng hợp, nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia, cơ quan chính sách để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Tiếp tục chặng đường mới
Theo Hiệp hội Ngân hàng, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của các công ty tài chính là rất khả quan. Tuy nhiên, định hướng và giải pháp cho thời gian tới, các công ty tài chính cần quan tâm bám sát và thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Các công ty tài chính cần phối hợp phát triển mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile money..), phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau giai đoạn dịch Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay; chú trọng quản trị rủi ro và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối giữa rủi ro và lãi suất cho vay.
Một yêu cầu có tính cấp bách là: các công ty tài chính cần tăng cường công tác truyền thông về cơ chế, chính sách tín dụng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng tiêu dùng từ các kênh cấp tín dụng chính thức; Đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và xây dựng đội ngũ nhân sự tốt để phát triển hiệu quả, bền vững. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống bảo đảm đúng quy định của pháp luật và góp phần đẩy lùi tín dụng đen.