Ngày 12/05/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 08/KH-NHNN về công tác phòng, chống khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong ngành Ngân hàng giai đoạn 2023-2024.
Mục tiêu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra khủng bố/tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hoạt động gây mất an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; Ứng phó kịp thời, kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu thiệt hại (nếu có) khi xảy ra các hoạt động khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hoạt động gây mất an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Ngân hàng đối với công tác phòng, chống khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Đồng thời, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, tập trung nguồn lực đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về công tác phòng chống khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa các giải pháp cụ thể, như:
Đối với Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng: Kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ngành Ngân hàng; Đẩy mạnh phối hợp với các Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố địa phương trong triển khai công tác phòng chống khủng bố, tài trợ khủng bố; Kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về phòng chống khủng bố/tài trợ khủng bố để nhân rộng trong toàn ngành Ngân hàng.
Đối với Tổ Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo: Tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ngành Ngân hàng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống khủng bố/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong ngành Ngân hàng…;
Đối với các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước: Phối hợp với các đơn vị triển khai hiệu quả các nội dung kế hoạch phòng chống khủng bố/tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được phê duyệt; Tiếp tục đẩy mạnh, nghiêm túc triển khai Phương án phòng chống khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong ngành Ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh/thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, công tác phòng chống khủng bố/tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại các NHTM và các đối tượng quản lý trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra có gắn nội dung này; Tăng cường phối hợp với các cơ quan phòng chống khủng bố trên địa bàn nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng chống khủng bố/tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các TCTD, tổ chức khác trong ngành Ngân hàng: Xây dựng, hoàn thiện phương án phòng chống khủng bố và tổ chức thực hiện phương án tại đơn vị nhằm đảm bảo an toàn về con người, tài sản; Trang bị công cụ, thiết bị hỗ trợ… nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ khủng bố, rủi ro có thể xảy ra; Thực hiện nghiêm túc các quy định về nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; rà soát khách hàng; có biện pháp nâng cao hiệu quả phát hiện các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ, thực hiện báo cáo cơ quan chức năng và các quy định khác tại Luật Phòng, chống rửa tiền…; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm triển khai nhằm triển khai thực hiện hiệu quả quy định của quy định của pháp luật về phòng chống khủng bố/tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo SBV