Chủ nhật, 22/12/2024
   

Co-opBank với chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia

Thực hiện kế hoạch hành động của Ngành Ngân hàng theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện kế hoạch hành động của Ngành Ngân hàng theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Co opBank anh hoat dong

Kết quả bước đầu…

Tại mục 3.2 (QĐ 1309) quy định: "Đối với các đơn vị phải xây dựng chiến lược phát triển theo quy định của pháp luật và Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rà soát, bổ sung, tích hợp các nhiệm vụ liên quan đến triển khai Chiến lược vào chiến lược phát triển của đơn vị mình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt". Do mục tiêu tôn chỉ hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) và các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là tương trợ cộng đồng, phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội… nên việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện gắn chặt với vai trò, nhiệm vụ của Co-opBank. Do đó, ngay sau khi nhận được QĐ 1309, Co-opBank đã phổ biến, quán triệt về Chiến lược và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược đến tất cả các đơn vị trong hệ thống, yêu cầu các đơn vị lồng ghép vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị và trong Chiến lược Chuyển đổi số và Công nghệ thông tin đến năm 2025, định hướng đến 2030. Bên cạnh đó, giao bộ phận chức năng, nghiên cứu để rà soát, bổ sung, tích hợp vào Chiến lược phát triển Co-opBank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo quy định tại QĐ 1309; Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch hành động nói chung, kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu nói riêng, trong đó xác định các nhiệm vụ cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị triển khai thực hiện. Kết quả đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu của Co-opBank cơ bản đều đạt kế hoạch đề ra, cụ thể: đến 31/10/2022, tổng nguồn vốn của Co-opBank là 49.953 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay là 30.157 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% so với tổng dư nợ; Kế hoạch xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đạt kế hoạch đề ra.

Với vai trò Ngân hàng của các QTDND, Co-opBank với 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch luôn chú trọng triển khai các chức trách được giao, chăm sóc, hỗ trợ gần 1.200 QTDND tại 57/63 tỉnh/thành phố. Qua đó, đã đưa các sản phẩm tài chính toàn diện cung ứng cho các QTDND thành viên để từ đó trực tiếp hoặc gián tiếp đưa sản phẩm tài chính toàn diện đến với người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn, trong đó 45% thành viên là nữ.

Co-opBank luôn tập trung ưu tiên công tác điều hòa vốn: nhận tiền gửi và cho vay mở rộng tín dụng của các QTDND thành viên; bên cạnh đó, còn cho vay hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ QTDND gặp khó khăn theo chỉ đạo của NHNN. Đa dạng hóa các sản phẩm, cho vay liên kết, cho vay hợp vốn với các QTDND để phục vụ thành viên của QTDND.

Đặc biệt, luôn nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ số cho các QTDND và khách hàng, nhất là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đã đầu tư kênh Ngân hàng điện tử CF-eBank (liên kết nông thôn-thành thị chống đói nghèo) để đào tạo, chuyển giao sản phẩm cho các QTDND, đã kết nạp 654 QTDND thành viên đưa mạng lưới thanh toán của Co-opBank lên 752 điểm: 32 chi nhánh, 66 phòng giao dịch, 654 QTDND. Hoạt động thanh toán chuyển tiền của Co-opBank và các QTDND đã đạt được kết quả khả quan, các giao dịch được xử lý an toàn, chính xác, doanh số chuyển tiền tăng liên tục qua các năm. Đến 31/10/2022, kết quả giao dịch qua hệ thống CF-eBank: doanh số chuyển tiền đi gần 324.100 tỷ đồng với 520.509 món (trong đó, QTDND gần 32.720 tỷ đồng với 218.655 món); doanh số chuyển tiền đến gần 285.660 tỷ đồng với 366.365 món (trong đó, QTDND gần 13.500 tỷ đồng với 190.587 món). Co-opBank cũng duy trì thanh toán qua các kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán đa phương nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển tiền ngày càng tăng của QTDND và khách hàng. Từ 01/03/2022, Co-opBank chính thức triển khai dịch vụ “chuyển tiền nhanh 24/7 tại quầy” đáp ứng nhu cầu chuyển và nhận tiền nhanh chóng, tức thời của khách hàng và các QTDND với trung bình mỗi ngày có hàng nghìn giao dịch, số tiền hàng trăm tỷ đồng. Co-opBank cũng tiếp tục triển khai sản phẩm thấu chi tài khoản thanh toán đối với QTDND tham gia hệ thống CF-eBank nhằm hỗ trợ khả năng thanh toán, đẩy nhanh tốc độ thanh toán của QTDND và luôn dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện cấp hạn mức thấu chi cho hơn 400 QTDND.

Đối với sản phẩm Thẻ và dịch vụ Ngân hàng số: Đến 31/10/2022, Co-opBank có 6 cây ATM và 410 máy POS tại 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch, 251 QTDND, sẽ tiếp tục lắp đặt POS cho các QTDND đăng ký mới để phục vụ các giao dịch thẻ. Co-opBank không đầu tư phát triển mạng lưới ATM với chức năng thông thường mà nghiên cứu, đầu tư triển khai thiết bị Smart ATM để các thành viên QTDND cũng như các khách hàng vùng sâu, vùng xa thuận tiện trong giao dịch với ngân hàng từ việc mở tài khoản thanh toán đến đăng ký mở thẻ, gửi tiết kiệm, vay, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn… Đến nay, Co-opBank đã hoàn thành việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, đã phát hành hơn 66.000 thẻ, trong đó số lượng thẻ phát hành cho cán bộ, thành viên của QTDND gần 20.000 thẻ; số lượng giao dịch từ thẻ Co-opBank và liên minh tại ATM của Co-opBank khoảng 150.000 món với số tiền gần 50 tỷ đồng. Co-opBank tiếp tục đẩy mạnh triển khai nghiệp vụ hạn mức thấu chi đối với thẻ ghi nợ dành cho khách hàng và cán bộ, nhân viên, thành viên QTDND; Đến 31/10/2022, có khoảng 5.000 khách hàng được phê duyệt hạn mức thấu chi với tổng hạn mức gần 440 tỷ đồng, dư nợ thấu chi gần 160 tỷ đồng; trong đó, đã phê duyệt hạn mức thấu chi cho 3.200 khách hàng là cán bộ, nhân viên của gần 160 QTDND (qua thẻ và hệ thống RLOS), đạt tổng hạn mức gần 220 tỷ đồng. Lượng giao dịch thực hiện bằng thẻ theo các hình thức rút tiền mặt qua POS/ATM, thanh toán hàng hóa dịch vụ, chuyển tiền của QTDND… cũng tăng so với năm 2021 (đã thực hiện 49.734 giao dịch, với số tiền gần 2.840 tỷ đồng).

Năm 2022, Co-opBank đã ra mắt ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking dành cho cán bộ, nhân viên, thành viên QTDND và khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng thiết bị di động để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé máy bay, vé xem phim… trực tiếp trên ứng dụng. Kết quả đến 31/10/2022, 158.206 khách hàng đăng ký sử dụng (trong đó, có 19.313 khách hàng QTDND) và 136.857 khách hàng đã kích hoạt thành công; Số lượng giao dịch thành công qua Mobile Banking: 931.768 món với số tiền gần 21.000 tỷ đồng.

Với nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển bền vững, khuyến khích các QTDND triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số của Co-opBank tới thành viên, Co-opBank đã dành nguồn lực lớn để thực hiện chính sách miễn phí toàn bộ các loại phí triển khai và hỗ trợ vận hành các sản phẩm, dịch vụ thanh toán như: miễn phí tham gia hệ thống, phí thường niên, phí quản lý tài khoản, phí thấu chi tài khoản thanh toán, chi phí tổ chức lớp đào tạo, chuyển giao công nghệ, tài liệu, giáo trình, giảng viên và chi phí bản quyền phần mềm, hỗ trợ triển khai, vận hành khắc phục sự cố…, miễn phí 100% phí các giao dịch chuyển tiền đi/đến, giao dịch thanh toán hóa đơn… cho các QTDND trên hệ thống Ngân hàng điện tử; miễn phí trên ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking (phí đăng ký dịch vụ; phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; phí giao dịch nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn…; phí tra soát, khiếu nại); miễn phí phát hành, phí thường niên cho khách hàng khi đăng ký, sử dụng thẻ chip Co-opBank Napas; đồng thời tri ân thành viên QTDND, khách hàng đã sử dụng dịch vụ bằng các ưu đãi tặng tiền nạp vào tài khoản điện thoại, tặng voucher giảm giá khi mua sắm hàng hóa…

 Việc cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân được thực hiện sau khi đã ưu tiên đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của các QTDND và theo đúng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần tăng cường năng lực tài chính để hỗ trợ hệ thống QTDND. Đối tượng cho vay là các cá nhân (chủ yếu là giáo viên), doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Hợp tác xã nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống khu vực nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập thể và các lĩnh vực ưu tiên. Thời hạn vay vốn từ 36-60 tháng và số tiền phù hợp với mức thu nhập, dòng tiền, số tiền gốc và lãi trả hàng tháng giúp khách hàng dễ dàng quản lý lịch trình trả nợ nên đã giúp cho rất nhiều khách hàng, nhất là khách hàng nữ tiếp cận được nguồn vốn để phục vụ nhu cầu đời sống, phát triển kinh tế gia đình. Dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn của Co-opbank luôn chiếm 70-80% tổng dư nợ; tại thời điểm 31/10/2022, đạt gần 22.000 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ; Trong đó, dư nợ cho vay QTDND hơn 5.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay các Hợp tác xã khác từ 3-5 tỷ đồng.

Thông qua QTDND cũng như qua các sản phẩm dịch vụ, Co-opBank và các QTDND tích cực hỗ trợ thành viên trên địa bàn (trong đó hơn 45% là nữ) cả về đồng vốn lẫn kinh nghiệm làm ăn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn nông thôn cả nước, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Co-opBank đã tổ chức 6 lớp đào tạo nghiệp vụ chuyển tiền CF-eBank, chuyển tiền nhanh 24/7, nạp tiền và thanh toán hóa đơn tại quầy; 09 lớp đào tạo nghiệp vụ hệ thống Ngân hàng điện tử CF-eBank trên phần mềm mới và tập huấn, đào tạo sản phẩm thẻ cho các QTDND; đã phát triển ứng dụng di động (app mobile) Co-opsmart để tích hợp các bài giảng về kiến thức tài chính, kiến thức, thông tin cần thiết đưa lên chợ ứng dụng để người dùng có thể dễ dàng tải về sử dụng và có thể học mọi lúc, mọi nơi; phối hợp với Hiệp hội QTDND Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo về thuế, kỹ năng thực hiện kiểm toán nội bộ QTDND, hướng dẫn đọc báo cáo tài chính…; đặc biệt, tổ chức Hội thảo với các QTDND của Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND…

Co-opBank cũng tích cực triển khai các chương trình truyền thông tài chính bao gồm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn người dân cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời cung cấp cho người dân các hiểu biết về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng số.

…Một số định hướng

Bên cạnh kết quả đạt được, Co-opBank còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: vốn điều lệ nhỏ, hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém, nhân lực hạn chế; cơ chế, chính sách đảm bảo an toàn trong hoạt động, liên kết giữa QTDND và Co-opBank chưa hoàn thiện, chưa có tính đặc thù; chịu nhiều cạnh tranh từ các Ngân hàng thương mại… Để phát huy vai trò là Ngân hàng của các QTDND và thực hiện tốt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Co-opBank có một số kiến nghị, đề xuất với NHNN; cụ thể:

Đề nghị NHNN và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp quan tâm, ủng hộ trình Chính phủ chấp thuận cấp bổ sung để tăng vốn điều lệ cho Co-opBank thêm 5.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2026 nhằm phát triển Co-opBank đến năm 2030 thành Ngân hàng đầu mối hiện đại đủ năng lực phục vụ hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn, bền vững; đồng thời, tạo nền tảng cho Co-opBank tái cơ cấu, thực hiện chuyển đổi số thành công, để không chỉ trở thành Ngân hàng đầu mối hỗ trợ, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại (kể cả các sản phẩm công nghệ thông tin), trở thành Trung tâm thanh toán cho hệ thống QTDND mà còn phục vụ khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và các loại hình hợp tác xã khác.

Tạo điều kiện để Co-opBank được tiếp cận nguồn vốn của các Ngân hàng, các Tổ chức tài chính quốc tế; Qua đó tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, học tập phương pháp quản lý, kỹ thuật tiên tiến để tiếp nhận, chuyển giao đến các QTDND, hỗ trợ QTDND theo kịp sự phát triển chung của toàn ngành ngân hàng.

Đối với cho vay điều hòa vốn giữa Co-opBank và QTDND, trên cơ sở số tiền dự phòng cụ thể phải trích và tỷ lệ trích lập dự phòng, đề xuất cho phép Co-opBank được thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với cho vay QTDND với thời gian tối đa 05 năm. Hàng năm, căn cứ khả năng tài chính của mình, Co-opBank thực hiện trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ được phân theo từng nhóm nhưng tối thiểu bằng 20% dự phòng cụ thể phải trích theo quy định.

Đề nghị sớm có cơ chế xử lý đối với khoản cho vay hỗ trợ của Co-opBank đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động khi không thu hồi được nợ.

NHNN quan tâm nghiên cứu, xây dựng Thông tư hoặc văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể điều chỉnh việc Co-opBank điều hòa vốn, cho vay QTDND thành viên.

NHNN có quy định cho phép Co-opBank được vay vốn từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua phát hành trái phiếu (hoặc NHNN có cơ chế cho phép Co-opBank được vay vốn từ nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và từ nguồn vốn khác) để nâng cao năng lực tài chính của Co-opBank.

NHNN phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan có cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tạo thuận cho các TCTD trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khách hàng.

Trong đó, giải pháp có tính khả thi, mang tính quyết định nhất là được Nhà nước hỗ trợ, cấp bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Co-opBank nhằm tăng thêm sức mạnh, tạo điều kiện cho Co-opBank triển khai hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số, đủ sức trở thành Ngân hàng của tất cả các QTDND và cùng với hệ thống QTDND thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của tài chính toàn diện trong kỷ nguyên số.

Theo Co-opBank

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay