Chủ nhật, 22/12/2024
   

Cẩn trọng với chiêu trò đảo nợ thẻ tín dụng

Với lời mời chào của người lạ, chủ thẻ tín dụng đang nợ ngân hàng muốn chuyển sang trả góp có thể gặp rủi ro khó lường. Với lời mời chào của người lạ,...
Những chiêu trò đảo nợ thẻ tín dụng có thể khiến chủ thẻ gặp rủi ro về pháp lý, thậm chí bị lừa đảo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những chiêu trò đảo nợ thẻ tín dụng có thể khiến chủ thẻ gặp rủi ro về pháp lý, thậm chí bị lừa đảo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Bên em đang có chương trình ưu đãi lãi suất 15%/năm khi tham gia rút tiền trả góp hoặc chuyển dư nợ thẻ tín dụng sang hình thức trả góp tại 29 ngân hàng (NH)" - giữa tháng 10/2023, một người tên Quỳnh tự xưng là nhân viên một đơn vị là đối tác của Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) mời chào anh Huy (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) - người đang nợ thẻ tín dụng quá hạn 30 triệu đồng.

Nhân viên đến tận nhà giao dịch

Quỳnh cho biết nếu anh đồng ý chuyển dư nợ sang trả góp thì sẽ cho nhân viên mang máy POS đến tận nhà thực hiện giao dịch. Theo đó, nhân viên này sẽ thanh toán cho NH phát hành thẻ 30 triệu đồng, cắt đứt dư nợ trong thẻ, rồi cà thẻ tín dụng này để mua hàng hóa (mua - bán khống) để anh Huy trả góp hằng tháng.

Khi biết thẻ tín dụng của anh Huy đang chịu lãi suất lên tới 30%/năm, Quỳnh thông báo số tiền mỗi tháng anh trả trực tiếp cho NH là 3.013.000 đồng. "Tính ra trong vòng 12 tháng, anh chỉ trả hơn 36 triệu đồng bao gồm vốn gốc, lãi suất 15% cộng với phí chuyển 2% thay vì trả tới 39 triệu đồng nếu anh để nguyên dư nợ 30 triệu đồng và lãi suất 30%/năm" - Quỳnh tư vấn.

Do Quỳnh thường xuyên liên lạc bằng nhiều số điện thoại nên anh Huy nghi ngờ đây là hành vi bất thường và phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động nhờ xác minh thông tin. "Để chuyển đổi sang trả góp, Quỳnh yêu cầu tôi cung cấp sao kê thẻ tín dụng, hoặc tin nhắn NH thông báo số tiền thanh toán tối thiểu để kiểm tra dư nợ hiện tại và tính ra số tiền góp hằng tháng" - anh Huy kể.

Dấu hiệu bất thường

Đem sự việc này trao đổi với ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc VNPAY, người này khẳng định: "VNPAY là đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử cho các NH chứ không cung cấp dịch vụ chuyển đổi dư nợ thẻ tín dụng sang trả góp dưới hình thức mua hàng hóa, dịch vụ".

Theo ông Phúc, lâu nay VNPAY đã gặp không ít trường hợp giả danh công ty để lừa đảo. Công ty đã nhiều lần cảnh báo các vụ việc này trên các phương tiện truyền thông nên người dân cần hết sức cảnh giác trong giao dịch thẻ. "Riêng việc cà thẻ tín dụng mua hàng hóa khống là trái quy định. Chủ điểm giao dịch máy POS sẽ bị các cơ quan chức năng chế tài, xử phạt" - ông Phúc nói.

Một lãnh đạo Trung tâm Thẻ Eximbank thông tin việc người lạ mời chào chủ thẻ tín dụng chuyển đổi dư nợ sang trả góp là một trong những hình thức đảo nợ bên ngoài NH. "Người làm dịch vụ này thường là chủ điểm bán hàng hóa có trang bị máy POS. Họ đã lợi dụng chính sách trả góp thẻ tín dụng của một số NH để trục lợi. Theo đó, chủ điểm bán hàng thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, rồi cà thẻ mua khống hàng hóa để tạo giao dịch mới nhằm đáp ứng đủ điều kiện đăng ký trả góp hằng tháng. Lãi suất phổ biến 12%/năm mà nhiều NH đang áp dụng.

Khi chuyển đổi sang trả góp, chủ điểm bán hàng thu phí chuyển đổi cộng với lãi suất là 17%/năm. Tính ra, họ đã kiếm lời được 5%/năm. Còn việc cung cấp sao kê thẻ tín dụng cho chủ điểm bán hàng, chưa hiểu họ dùng để làm gì nhưng dù sao cũng rất rủi ro cho chủ thẻ" - lãnh đạo Trung tâm Thẻ Eximbank phân tích và bình luận.

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Huyền, Giám đốc Khách hàng cá nhân Sacombank, nhận định với một giao dịch khống, chủ thẻ tín dụng không biết trước được mình sẽ mua cái gì. "Nếu chẳng may giao dịch đó liên quan đến các loại hàng hóa phi pháp, chủ thẻ có thể đối mặt với rắc rối về pháp luật" - bà Huyền lo ngại.

Nên liên hệ ngân hàng

Để chuyển dư nợ thẻ tín dụng sang trả góp theo hướng chính thống, lãnh đạo Trung tâm Thẻ Eximbank khuyến khích khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với nhân viên tổng đài các NH sẽ được hướng dẫn thực hiện. Đơn cử, tại Eximbank với số tiền mua hàng hóa từ 4 triệu đồng trở lên thì ngay trong tháng đầu tiên chủ thẻ có thể đăng ký trả góp trong vòng 24 tháng. Giả sử khách hàng mua một món hàng trị giá 12 triệu đồng rồi đăng ký trả góp 12 tháng, mỗi tháng thanh toán 1 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất 0%. Trường hợp trễ hạn thanh toán sẽ bị tính lãi suất 33%/năm trên tổng dư nợ.

Còn bà Nguyễn Phương Huyền cho biết khách hàng sử dụng các loại thẻ tín dụng của Sacombank có thể tự động chuyển đổi dư nợ sang trả góp trên ứng dụng SacombankPay. "Ví dụ, sau khi cà thẻ mua món hàng 50 triệu đồng, ứng dụng SacombankPay sẽ gửi tin nhắn hỏi chủ thẻ có nhu cầu chuyển đổi dư nợ sang trả góp hay không? Nếu đồng ý thì khách hàng có thể chọn trả góp trong vòng 3, 6, 12, 18 và 24 tháng.

Theo đó, mỗi thời gian trả góp sẽ có mức phí chuyển đổi nhất định và chỉ đóng phí một lần, trong đó mức phí trả góp 12 tháng là 3,9% trên tổng dư nợ. Đồng thời, khi trả góp hằng tháng chủ thẻ được hưởng lãi suất 0%" - bà Huyền chia sẻ.

 

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay