Chủ nhật, 24/11/2024
   

Cần có giải pháp mạnh đối với khách hàng chây ì

Để phát triển tài chính tiêu dùng tương xứng với tiềm năng thì cần có sự hợp tác từ hai phía, cả từ người vay và bên cho vay.

Để phát triển tài chính tiêu dùng tương xứng với tiềm năng thì cần có sự hợp tác từ hai phía, cả từ người vay và bên cho vay.

Gần đây, khi tra cứu cụm từ "bùng nợ", "cách trốn nợ", có thể thấy một loạt hội nhóm được lập ra trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, để hướng dẫn cách trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Các nhóm này có từ vài nghìn tới vài chục nghìn thành viên, công khai hỏi, trao đổi cách trốn nợ khi vay từ các công ty tài chính tiêu dùng.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Tài chính TNHH MTV SHB (SHB Finance) cho biết, hành vi vay cũng như trả nợ của khách hàng đã thay đổi nhiều sau đại dịch. Sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, mất/giảm thu nhập của người dân, đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hồi nợ của công ty tài chính.

can co giai phap manh doi voi khach hang chay i

Ảnh minh họa

Bên cạnh yếu tố khách quan, tỷ lệ khách hàng chây ì không trả nợ, vay xong trốn nợ hoặc cố tình làm giả hồ sơ vay để chiếm dụng vốn của công ty tài chính ngày càng nở rộ. Các điển hình xấu ngày càng nhân rộng, có thể kể đến như khách hàng vay, trả nợ chậm trễ 3-5 tháng, khi nhân viên thu nợ đến gặp không nhận được sự hợp tác, thậm chí hành hung nhân viên công ty. Hay trường hợp khách hàng vay nợ tại nhiều công ty tài chính cùng lúc trong khi thu nhập chỉ vừa đủ để trả nợ một khoản vay dẫn đến mất khả năng thanh toán, chây ì...

Theo bà Vy, những câu chuyện thực tế nêu trên không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xảy ra từ thời điểm đầu tiên khi các công ty tài chính bắt đầu ra sản phẩm cho vay tín chấp. Tuy nhiên đến nay, hành vi này ngày càng lan rộng, tinh vi, số tiền chiếm dụng lớn và được nhân rộng hơn.

Cũng "đau đầu" về tình trạng khách hàng chây ì trả nợ, ông Kim Jong Geuk - Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam cho rằng, hiện nay hoạt động thu hồi nợ của công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn và dễ bị hiểu lầm do đặc thù về sản phẩm, khách hàng và thị trường tài chính tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm của các công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu là các khoản vay tín chấp với số tiền nhỏ, yêu cầu về giấy tờ thủ tục hay thông tin khách hàng rất đơn giản nên khó xác minh, dẫn đến có những trường hợp khi đến hạn thanh toán, công ty tài chính không thể liên lạc hoặc nhận được sự hợp tác của khách hàng trong việc thu hồi nợ.

Có trường hợp, nhân viên các công ty tài chính gọi điện hoặc tìm đến địa chỉ đã cung cấp khi ký hợp đồng vay nhưng đều không thể liên lạc hoặc được báo không đúng địa chỉ. Đáng chú ý, hiện có rất nhiều khách hàng sử dụng phương tiện truyền thông, tận dụng tính lan truyền của mạng xã hội, đưa các thông tin không đúng bản chất sự việc khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các công ty tài chính bị bóp méo, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của các công ty.

Thực tế, theo bà Vy, quy trình thu hồi nợ của công ty tài chính luôn bắt đầu từ việc nhắc nhở khách hàng thanh toán nợ đúng hạn để tránh cho khách hàng bị rơi vào nhóm nợ quá hạn, ảnh hưởng đến điểm xếp hạng tín dụng. Còn một tỷ lệ khách hàng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó trở thành nợ quá hạn thì tùy theo nhóm nợ mà công ty tài chính sẽ có thang giải pháp xử lý nợ theo đúng quy trình, trên cơ sở bám sát các quy định của NHNN về hoạt động thu nợ.

Đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam khẳng định hoạt động thu hồi nợ luôn theo đúng quy chuẩn, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản để đối xử với khách hàng một cách công bằng, nhân văn nhất trong trường hợp có khoản nợ cần thu hồi.

Theo đại diện Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), thị trường hiện đang thiếu các công cụ để hỗ trợ các công ty tài chính triển khai thu hồi nợ đối với các khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Thực tế, tại các thị trường tài chính phát triển lớn trên thế giới và đặc biệt là châu Á, điển hình như Trung Quốc, Nhật Bản... đã phát triển vượt bậc trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, chấm điểm tín dụng công dân, kiểm soát dữ liệu thường trú/tạm trú... vừa giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính giấy tờ, vừa phát triển tốt hệ thống dữ liệu điện tử quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên để khai thác được hiệu quả dữ liệu sẽ cần thêm nhiều thời gian.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển tài chính tiêu dùng tương xứng với tiềm năng thì cần có sự hợp tác từ hai phía, cả từ người vay và bên cho vay. Phía công ty tài chính cần cung cấp dịch vụ tiện lợi, đa dạng hơn, phát triển mạng lưới rộng hơn và tạo điều kiện để người vay có thể trả nợ một cách thuận tiện, thu hồi nợ văn minh theo quy trình bài bản; phía người vay cũng cần hoàn thành trách nhiệm trả nợ, không cố tình chây ì, trốn tránh, tìm cách "bùng nợ".

Ngoài ra, cũng cần sự trợ giúp từ phía cơ quan nhà nước, đặc biệt trong việc được kết nối với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từ đó xác định chuẩn xác thông tin cá nhân của khách hàng vay, giảm thiểu các trường hợp trốn nợ, gian lận. Về phía công ty tài chính cũng hạn chế nguy cơ mất vốn.

Theo Thời báo ngân hàng

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay