Thứ ba, 29/10/2024
   

Các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan các tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm

Với mục đích nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo thời hạn giải quyết vụ án đúng thời hạn cũng như nâng cao sự phối hợp giữa hệ thống Tòa án nhân dân với các tổ chức tín dụng nhằm góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm gần đây, tranh chấp về hợp đồng tín dụng được Toà án thụ lý giải quyết ngày càng nhiều. Chủ đề: “Các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh” với mục đích nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo thời hạn giải quyết vụ án đúng thời hạn cũng như nâng cao sự phối hợp giữa hệ thống Tòa án nhân dân với các tổ chức tín dụng nhằm góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 15/8/2017 (Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực) đến ngày 28/02/2021, Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý 12.333 vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã giải quyết 9.897 vụ việc, còn 2.361 vụ việc chưa giải quyết, tỷ lệ giải quyết đạt 80,25%. Riêng tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý 2.809 vụ, giải quyết là 1.686 vụ, tỷ lệ giải quyết đạt 60%.

Nhìn chung, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc,

thống nhất, đúng pháp luật, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như nhiều vụ án có thời gian giải quyết kéo dài vì tính chất phức tạp, nhiều đương sự tham gia hoặc đương sự ở nước ngoài phải ủy thác tư pháp, hoặc đương sự không hợp tác với Tòa án, vẫn còn một số vụ án bị hủy sửa liên quan đến vấn đề giao dịch bảo đảm… hoặc có những hồ sơ tín dụng bảo đảm ngay từ đầu không được chặt chẽ thậm chí là không thực hiện đúng quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm, vẫn cón một số hồ sơ đơn khởi kiện chưa đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc ủy quyền chưa hợp lệ, người vay hoặc bảo lãnh đã bỏ địa phương đi dâu không rõ…

1. Những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn giải quyết tranh chấp

1.1. Việc thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017:

Thông thường, các tổ chức tín dụng khởi kiện yêu cầu bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, nhưng nguyên đơn không cung cấp được họ tên của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (là những người thực tế đang quản lý, sử dụng tài sản đảm bảo này). Các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản nhưng bị đơn không đến Tòa án theo giấy triệu tập, không hợp tác và không chấp nhận thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản. Khi đó, Tòa án phải chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Như vậy, thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện lạicác thủ tục tố tụng.

1.2. Việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp:

Trên thực tế, rất nhiều vụ án hợp đồng tín dụng có tranh chấp về thẩm quyền, nhiều vụ án được chuyển nhiều lần từ Tòa án quận, huyện này sang Tòa án quận, huyện khác, từ Tòa án quận, huyện đến Tòa án thành phố. Một trong những nguyên nhân đó là địa chỉ bị đơn thay đổi so với địa chỉ ghi trên hợp đồng dẫn đến các Thẩm phán lúng túng khi xác định thẩm quyền cũng như khó khăn trong việc tống đạt.

1.3. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng:

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản thế chấp là tòa nhà thương mại, chung cư hoặc bất động sản khác có nhiều người đang cư trú, theo quy định cần phải đưa những cư dân đang sinh sống trong chung cư, những tổ chức, cá nhân đang thuê để kinh doanh, mua bán hoặc đăng ký trụ sở… tại tòa nhà vào tham gia tố tụng với tưcách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên việc đưa những trường hợp nêu trên vào tham gia tố tụng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến vụ án giải quyết mất nhiều thời gian và chậm được giải quyết theo quy định. Bên cạnhđó, một số ban quản lý chung cư và tòa nhà không hợp tác nên rất khó để liên hệvới tất cả người liên quan để triệu tập tham gia tố tụng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Trong những vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã bán các khoản nợ xấu cho các công ty mua bán nợ xấu thì trường hợp này quyền, nghĩa vụ kế thừa của họ từ những hợp đồng tín dụng như thế nào, việc xác định tư cách tham gia tố tụng cụ thể ra sao, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ quy định việc kế thừa của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản (VAMC), còn các ông ty mua bán nợ khác chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể.

1.4. Tính chất phức tạp của vụ án:

Phần lớn các tranh chấp hợp đồng tín dụngliên quan đến tài sản bảo đảm đều là các tranh chấp phức tạp, quá trình thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết kéo dài. Có nhiều vụ án ban đầu Tòa án chỉ thụ lý tranh chấp hợp đồng tín dụng nhưng sau đó phải thụ lý nhiều quan hệ pháp luật khác vì chính những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án có yêu cầu độc lập, tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đất là tài sản thế chấp trong vụ án. Hoặc trong quá trình giải quyết, Thẩm phán phát hiện Tòa án khác đang thụ lý tranh chấp quyền sở hữu nhà, tranh chấp quyền sử dụng đất là tài sản thế chấp trong hợp đồng tín dụng dẫn đến phải nhập vụ án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án chờ kết quả giải quyết từ những vụ án này.

Trường hợp bị đơn là pháp nhân không còn hoạt động, Tòa án tiến hành xác minh, được biết người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có hộ khẩu thường trú ở tỉnh, nhưng khi xác minh địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thì không có thực tế cư trú tại địa phương. Do đó, việc quy định tống đạt cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân gặp nhiều khó khăn và làm cho vụ án giải quyết không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Có trường hợp, hiện tại pháp nhân không còn thực tế hoạt động, người đại diện của pháp nhân chết nhưng không có người đại diện theo pháp luật khác (nhưng vì buộc phải tống đạt cho người đại diện theo pháp luật) mà vụ án phải tạm đình chỉ chờ có người đại diện của pháp nhân.

Một số hồ sơ tín dụng có nhiều đương sự cư trú tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Đương sự ở nước ngoài, có địa chỉ không rõ dẫn đến tống đạt, ủy thác tư pháp gặp nhiều khó khăn, trong trường hợp không có cơ sở để xác định họ không biết được việc Tòa án niêm yết tống đạt thì theo quy định pháp luật Tòa án phải tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng từ chối không nộp chi phí phí ủy thác tư pháp, chi phí đăng báo dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn.

1.5. Khó khăn trong việc xác minh hiện trạng tài sản, thu thập chứng cứ:

Hiện nay, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hố Chí Minh gặp nhiều khó khăn trong việc khi tiến hành thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ đối với bất động sản, khi thế chấp tài sản ngân hàng chỉ thế nhận thế chấp và xem xét tài sản dựa trên giấy tờ hiện có, không xem xét thực tế dẫn đến quá trình thẩm định tại chỗ phần diện tích thực tế có chênh lệch hoặc hiện trạng thực tế tài sản tại thời điểm giải quyết tranh chấp khác nhiều so với hiện trạng tài sản khi thế chấp (trên giấy tờ). Nhiều trường hợp, Tòa án đã áp dụng hết tất cả các biện pháp theo quy định pháp luật nhưng phía bị đơn hoặc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không hợp tác (không cung cấp bản vẽ hiện trạng mới, không hợp tác để đo vẽ, không cho thực hiện xem xét thẩm định tại chỗ, không cho Hội đồng định giá vàođịnh giá…) gây khó khăn rất nhiều cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Đối với tài sản ngân hàng đem bán đấu giá, người mua được tài sản đấu giá vẫn không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận vì người có tài sản khởi kiện liên quan đến tài sản đấu giá, hoặc tranh chấp khác liên quan đến tài sản đem đấu giá. Dẫn đến phát sinh thêm nhiều vụ tranh chấp liên quan đến Nghị quyết42, vì vậy vẫn không thể nào giải quyết dứt điểm nợ xấu của Ngân hàng.

Tài sản thế chấp thực tế đã được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho bên thứ ba; nhiều trường hợp tài sản thế chấp trở thành đối tượng tranh chấp trong một vụ án khác như tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dẫn đến việc giải quyết vụ án trở nên phức tạp, Tòa án phải ủy thác thu thập chứng cứ đến các tỉnh thành nơi có bất động sản tọa lạc, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Tài sản thế chấp là tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay của bị đơn tại nhiều hợp đồng khác nhau; đồng thời, phần nhỏ giá trị của nhiều tài sản thế chấp lại đảm bảo cho khoản vay của một hợp đồng tín dụng nhưng không xác định được tỷ lệ phần trăm của nghĩa vụ mà một tài sản đó bảo đảm cho khoản vay này nên khó khăn trong việc giải quyết để người có tài sản bảo đảm là bên thứ ba thực hiện trách nhiệm bảo đảm cho khoản vay của bên được bảo đảm

Đối với tài sản thế chấp là động sản, ví dụ như xe ô tô, xe gắn máy sau khi thế chấp cho ngân hàng đã đem chuyển nhượng bất hợp pháp cho người khác dẫn đến khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án và thi hành án.

1.6. Về thời hạn giải quyết vụ án:

Tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định thời hạn giải quyết từ 02 đến 04 tháng, gia hạn không quá 2 tháng. Những vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp tín dụng thông thường rất phức tạp, giá trị hợp đồng vay lớn, tài sản bảo đảm khoản vay và người tham gia tố tụng phức tạp nhưng thời hạn giải quyết tối đa chỉ 3 tháng là quá ngắn. Rất ít trường hợp tranh chấp hợp đồng tín dụng giải quyết đúng trong thời hạn quy định nêu trên.

1.7. Sự không minh bạch, không trung thực, che giấu khiếm khuyết về tài sản thế chấp của người có tài sản thế chấp”:

Một số trường hợp, khi thế chấp tài sản, chủ sở hửu không thông báo cho bên nhận thế chấp những thông tin đầy đủ, những hạn chế của tài sản thế chấp chẳng hạn như tài sản có tranh chấp, hiện trạng tài sản khác với giấy chứng nhận… dẫn đến việc là khi tổ chức tín dụng khởi kiện vụ án tín dụng thì lại phát sinh các tranh chấp về quyền sở hửu, về hợp đồng thuê nhà, lúc này Tòa án buộc phải nhập các vụán giải quyết, mất thêm nhiều thời gian tố tụng. Hoặc, tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng với thực tế tài sản như: diện tích đất thực tế không đúng, tài sản không đủ theo hợp đồng, không nhận thế chấp tài sản gắn liền trên đất, trên đất có tài sản là nhà ở của người khác, hoặc khi thế chấp tài sản xong, chủ tài sản tiến hành sửa chữa, xây dựng mới dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án và thi hành án.

1.8. Việc thực thi pháp luật của cán bộ tín dụng, Thẩm phán, Thư ký Tòa án:

Trong thực tiễn giải quyết những vụ án tín dụng, chúng tôi nhận thấy một số hợp đồng thế chấp tài sản còn chưa tuân thủ quy định pháp luật về thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo, cụ thể là hợp đồng nhận thế chấp là quyền sử dụng đất trả tiền thuê đất hàng năm, việc ký thế chấp thiếu đồng sở hửu, tài sản thế chấp được định giá cao rất cao so với giá thị trường, biên bản thẩm định tài sản không đúng thực tế… dẫn đến nhiều rủi ro của tổ chức tín dụng nếu có xảy ra tranh chấp Thậmchí có nhiều tổ chức tín dụng khi khởi kiện vẫn đưa ra yêu cầu tính lãi quá hạn, lãi phạt không đúng quy định của Nghi quyết 01/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao quy định về lãi suất, dẫn đến Tòa bác yêu cầu và các tổ chức tín dụng này phải chịu án phí. Một số tổ chức tín dụng khi được chính người bảm đảm tài sản ủy quyền bán tài sản lại chần chừ, chậm thực hiện việc bán đấu giá tài sản dẫn đến thời gian thu hồi tài sản chậm, tiền thu không đủ đối với khoản nợ… Điều này cũng đặt ra vấn đề về năng lực chuyên môn của cán bộ tín dụng.

Về phía Tòa án, một số thẩm phán cũng chưa thực sự phát huy hết năng lực, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án, nghiên cứu văn bản pháp luật, vẫn còn tình trạng gây khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thụ lý hồ sơ, xác định tư cách đương sự, việc ủy quyền của ngân hàng, VAMC đến việc chưa nắm vững kỹ năng giải quyết án dẫn đến kéo dài… Trong các vụ việc có nhiều tài sản thế chấp để đảm bảo chung cho một khoản vay nhưng bản án, quyết định của Tòa án tuyên không xác định rõ phạm vi nghĩa vụ bảo đảm của từng tài sản thế chấp dẫn đến vướng mắc khi tổ chức thi hành án và ủy thác thi hành án. Nội dung bản án, quyết định của Tòa án tuyên không mô tả, xem xét hiện trạng thực tế tài sản thế chấp nên hiện trạng tài sản trên thực tế không đúng nội dung nêu trong bản án, quyết định của Tòa hoặc Tòa không đưa người quản lý tài sản tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị Tòa án giải thích bản án hoặc gặp nhiều khó khăn trong xác minh mốc giới, diện tích, quyền sở hữu tài sản hoặc bị người quản lý tài sản khiếu nại, tố cáo gây chậm trễ, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

1.9. Thiếu dữ liệu, thông tin về tài sản:

Hiện nay, khi tiếp nhận đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến bất động sản chẳng hạn như cấm chuyển dịch quyền về tài sản, hoặc giải quyết các tranh chấp liên quan đến bất động sản, Tòa án thường phải phải kiểm tra tình trạng pháp lý của bất động sản đó như ai đang quản lý, sử dụng… thông qua việc thu thập chứng cứ từ Văn phòng đất đai thuộc sở tài nguyên môi trường cấp tỉnh. Việc xác minh này mất nhiều thời gian, không đáp ứng được thời gian giải quyết vụ việc.

Tòa án cũng thiếu thông tin phối hợp trong vụ việc xuyên suốt từ cáctổ chức tín dụng, từ cơ quan thi hành án dân sự.

2. Những bất cấp của quy định pháp luật

2.1.Quy định thiếu thống nhất đối giữa biện pháp cầm cố và thế chấp:

Kế thừa quan điểm của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra khái niệm về biện pháp bảo đảm cầm cố và thế chấp.

Theo đó, cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhân thế chấp. Từ đó cho thấy, cầm cố và thế chấp chỉ khác nhau ở việc chuyển giao mang tính cơ học các tài sản bảo đảm mà không có sự phân biệt về loại tài sản. Vì thế, trong hoạt động cho vay thì việc cầm cố bất động sản là hoàn toàn có thể thực hiện.

Tuy nhiên, các Luật chuyên ngành lại không quy định điều này. Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 quy định về các quyền sở hữu nhà ở thì không quy định quyền cầm cố nhà ở mà chỉ thấy quy định về quyền thế chấp nhà ở.

Điều 167 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định quyền của người sử dụng đất cũng không quy định người sử dụng đất có quyền cầm cố quyền sử dụng đất.

Như vậy, quy định trong các văn bản Luật chuyên ngành đã hạn chế quyền cầm cố bất động sản của người sở hữu các quyền này.

Với quy định này, tổ chức tín dụng có nguy cơ rủi ro rất lớn vì pháp luật thừa nhận giao dịch cầm giữ kể cả trong trường hợp tài sản đã được thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng và phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Mặt khác, đối với trường hợp bảo lưu quyền sở hữu, nếu nhà nước không có hệ thống thông tin công khai tình trạng pháp lý tài sản và yêu cầu bắt buộc phải đăng ký công khai về việc bảo lưu quyền sở hữu thì tổ chức tín dụng không hể kiểm soát được tài sản bảo đảm có bị bảo lưu quyền sở hữu hay không và phải chịu rủi ro từ việc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, dẫn đến mất tài sản bảo đảm.

2.2. Quy định khác nhau giữa chuyển giao quyền sở hửu nhà ở giữa Luật nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2015:

Khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở 2005 quy định: “Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân hoặc đã giao nhận nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng đối với giao dịch về nhà ở mà một bên là tổ chức kinh doanh nhà ở hoặc từ thời điểm mở thừa kế trong trường hợp nhận thừa kế nhà ở”. Trong khi đó Điều 12 Luật Nhà ở 2015 quy định: “Trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Như vậy, cùng một giao dịch mua bán nhà ở, nhưng nếu thực hiện ở thời điểm từ ngày 01/7/2006 đến trước thời điểm 01/7/1015 (thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005) thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua, bên nhận cho… từ thời điểm công chứng; nếu thực hiện ở thời điểm từ ngày 01/7/2015 về sau thì Luật nhà ở 2015 quy định quyền sở hửu nhà được chuyển từ thời điểm thanh toán đủ tiền mua và nhận nhà.

Quy định khác nhau cùng một vấn đề dẫn đến đường lối xét xử của Tòa án đối với tranh chấp quyền sở hửu tài sản sẽ khác nhau.

2.3. Thiếu quy định pháp luật và chưa thống nhất đối với một số loại tài sản bảo đảm đặc biệt:

Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đều không quy định rõ ràng về việc sử dụng thế chấp hay cầm cố, trong đó có các quyền tài sản. Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về việc sử dụng quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo Điều 322. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bãi bỏ Điều luật này. Việc bãi bỏ quy định này gây khó khăn cho khách hàng sử dụng quyền tài sản (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp...) để đảm bảo vay vốn. Đồng thời, việc thiếu quy định quyền tài sản được bảo đảm dưới hình thức cầm cố hay thế chấp cũng khiến cho cán bộ nhân viên ngân hàng khó khăn áp dụng trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, còn nhiều quy định chưa thống nhất tại các văn bản Luật trong việc cầm cố hay thế chấp tài sản như tài sản là tàu bay, tàu biển... Nghị định số163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định “thế chấp tàu bay, tàu biển”, không có quy định cầm cố tàu bay nhưng sang đến Nghị định số83/1010/NĐ-CP ngày 23/07/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch đảm bảo quy định “cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay”.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

3.1. Sửa đổi các quy định về cầm cố tài sản. Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2014 cần được sửa đổi, theo hướng mở rộng cả quyền cầm cố nhà ở cho chủ sở hữu, đồng thời quy định chi tiết về cầm cố nhà ở. Tương tự, tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 cũng cần sửa đổi theo bằng việc cho phép các chủ thể có quyền sử dụng đất làm tài sản cầm cố.

3.2. Cần xây dựng Luật đăng ký giao dịch bảo đảm thống nhất. Việc xây dựng và ban hành Luật đăng ký giao dịch đảm bảo là cần thiết nhằm đạt các mục tiêu sau: Thống nhất pháp luật trong lĩnh vực đăng ký giao dịch đảm bảo; Hủy bỏ những quy định không còn phù hợp trong pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm; Bổ sung những quy định cần thiết, phù hợp với thực tiễn khách quan của đời sốngkinh tế, xã hội; Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.

3.3. Tòa án nhân dân Tối Cao cần có văn bản bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng lựa chọn việc khởi kiện về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm thay vì tranh chấp hợp đồng tín dụng để được áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 8 Nghị Quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án.

3.4. Tòa án nhân dân Tối Cao cần hướng dẫn thống nhất những trường hợp nào đưa người có quyền lợi có nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đặc biệt là những tranh chấp liên quan tòa nhà, căn hộ, chung cư… có nhiều cư dân sinh sống, đồng thời hướng dẫn thống nhất việc tống đạt cho pháp nhân, người đại diện pháp luật, các Công ty mua bán nợ khác…

3.5. Về phía tổ chức tín dụng: cần có quy định chặt chẽ trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp. Lãnh đạo của các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh thực hiện chặt chẽ thủ tục, hồ sơ cho vay đảm bảo tính khả thi trên thực tế, phát huy vai trò đầu mối phối hợp trong công tác tổng hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm tham gia của cán bộ các giai đoạn tố tụng, giai đoạn Thi hành án dân sự. Đối với những hồ sơ cần ủy thác tư pháp, tổ chức tín dụng cần hỗ trợ Tòa án trong việc thu thập xác minh người liên quan.

3.6. Về phía Tòa án: Nâng cao tinh thần trách nhiệm của thẩm phán khi giải quyết vụ việc. Thường xuyên tập huấn văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết hợp đồng tín dụng, tài sản bảo đảm, các buổi tập huấn chuyên đề để nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ thẩm phán, thư ký tòa án, kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết.

3.7. Cần xây dựng Trung tâm dữ liệu thông tin về bất động sản trên toàn quốc để cho các tổ chức tín dụng, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự thuận tiện tra cứu trong việc xử lý vụ việc.

Trên đây là tham luận của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại tọa đàm “Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trong giai đoạn Khởi kiện và Thi hành án” được Hiệp hội Ngân hàng, Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tháng 3/2021

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay