Tại Hội thảo “Quản lý chuỗi cung ứng và tài trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp xanh”, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng với các chuyên gia, diễn giả đã giới thiệu, thảo luận nhiều chính sách, định hướng hỗ trợ, tiếp cận tài chính đối với doanh nghiệp.
Đại diện BIDV giới thiệu nhiều chính sách, định hướng hỗ trợ, tiếp cận tài chính đối với doanh nghiệp
Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ “Chương trình An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng” do ADB tài trợ, tổ chức ngày 25-26/04/2023 tại Thái Lan, với sự tham dự của các chuyên gia, đại diện các tổ chức tài chính đến từ các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đại biểu đã đánh giá và thảo luận về xu hướng tài trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp xanh trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; cơ hội và thách thức để phát triển trong thời gian tới…
Đối với Việt Nam, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững là định hướng của Chính phủ trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Chính phủ Việt Nam luôn dành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Phượng - đại diện BIDV, cho biết: “Với vai trò là một định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, BIDV luôn tiên phong trong việc thực hiện các định hướng, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trong đó, BIDV luôn quan tâm dành nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn tại Việt Nam”.
Thời gian qua, BIDV đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển chuỗi cung ứng và tài trợ cho lĩnh vực nông nghiệp xanh. Theo đó, BIDV cấp tín dụng với lãi suất phù hợp phục vụ sự phát triển của ngành nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, BIDV dành 7.000 tỷ đồng triển khai Chương trình tín dụng phát triển bền vững dành cho DNNVV, hướng tới giảm tác động tiêu cực tới môi trường, xã hội; khuyến khích tài trợ DNNVV khu vực nông thôn, DNNVV do phụ nữ làm chủ.
BIDV cũng ưu tiên tài trợ vốn cho các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững theo hướng xanh, sạch; Ứng dụng quy trình tài trợ chuỗi (SCF) cho doanh nghiệp cung cấp đầu vào/phân phối đầu ra trong chuỗi sản xuất, phục vụ hiệu quả các lĩnh vực nói chung, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, BIDV cũng luôn tăng cường hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển tài chính xanh bền vững, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
“Chương trình An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng” được ADB tài trợ theo gói TA-9916 REG, nhằm hỗ trợ sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (bao gồm Việt Nam; Lào; Campuchia; Myanmar; tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc). Mục tiêu của Chương trình nhằm đưa Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được công nhận là khu vực sản xuất hàng đầu các sản phẩm nông sản xanh, an toàn và thân thiện với môi trường, khí hậu. |
(Nguồn: BIDV)