Thứ tư, 17/07/2024
   

Ủy ban Chính sách thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ngày 16/2/2023, Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị công tác báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và chương trình hoạt động năm 2023. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Ủy ban Chính sách
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022, đại diện Ủy ban Chính sách cho biết, năm 2022, đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - những khuyến nghị về khuôn khổ pháp lý”. Từ đó, Ủy ban Chính sách đã có Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan kiến nghị, đề xuất cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý và các giải pháp hỗ trợ ngân hàng thực hiện ngân hàng mở hiệu quả. Báo cáo đã nêu một số khuyến nghị đối với các ngân hàng thương mại để phát triển mô hình ngân hàng mở nhằm đáp ứng các mục tiêu về kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đồng thời, đã tích cực tham gia góp ý hoặc chủ trì rất nhiều Hội thảo như: Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về những phương án khác nhau trong giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức. Phối hợp với các Ban, đơn vị của cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng họp với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, làm việc với Đoàn giám sát giữa kỳ của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO). Tham vấn cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về một số nội dung liên quan “Hệ thống thanh toán cho giao dịch hàng hóa (bao gồm hàng hóa tương lai và quyền chọn) - thực trạng và các giải pháp đề xuất cho Việt Nam"...

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Ủy ban Chính sách sẽ triển khai các nội dung chuyên đề cụ thể như: Tọa đàm về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật các tổ chức tín dụng và đề xuất các nội dung chỉnh sửa Luật các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước (bao gồm các nội dung về việc xử lý nợ xấu sẽ được luật hóa tại các quy định của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi); Tọa đàm trao đổi đề xuất các nội dung sửa đổi Thông tư 39 về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là rà soát các ràng buộc trách nhiệm và rủi ro cho các TCTD (tránh hình sự hóa); Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán nợ; Tọa đàm trao đổi về hoạt động tín dụng xanh theo định hướng phát triển bền vững; Đề xuất xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; Tọa đàm về các rủi ro hay gặp phải trong hoạt động của các TCTD như Phòng chống rửa tiền, mua bán tài khoản ngân hàng và các rủi ro trong tác nghiệp, giao dịch cho khách hàng, đề xuất các giải pháp hoặc các kinh nghiệm xử lý và hạn chế các rủi ro tác nghiệp (gắn với việc triển khai Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 (hiệu lực từ 01/3/2023); Tọa đàm về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2023 (bám sát kế hoạch ban hành Nghị định hướng dẫn vào tháng 3/2024 của Chính phủ theo Nghị quyết 150/NQ-CP ngày 14/11/2022 của Chính phủ về kế hoạch hoàn thiện Dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Ong Tran Phuong 160220232M
Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Tại hội nghị, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đã khái quát về kết quả hoạt động năm 2022 của Ủy ban, đồng thời nhận định, Ủy ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, tích cực tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội và hỗ trợ Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề có tính chất chuyên sâu về cơ chế, chính sách liên quan hoạt động ngân hàng. Vì vậy, năm 2023, Ủy ban Chính sách sẽ đặt nhiệm vụ trọng tâm trong việc tham mưu, tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội và hỗ trợ Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam triển khai chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Hội viên.

Cũng tại hội nghị, các thành viên Ủy ban Chính sách đã tham gia thảo luận, góp ý nhiều vấn đề nhằm cụ thể hóa các chuyên đề, nội dung chuyên đề trong năm 2023, tập trung ưu tiên những chuyên đề lớn và có kế hoạch cho các chuyên đề chính sách dài hạn như Ngân hàng xanh hoặc xây dựng Khung quản lý rủi ro ESG… Đồng thời, cũng nêu lên những vướng mắc trong cơ chế chính sách về định danh khách hàng điện tử (eKYC). Cụ thể, như chưa có cơ chế chính sách về chia sẻ dữ liệu hay quản lý dữ liệu dẫn tới cơ sở dữ liệu khách hàng bị phân tán không tập trung…

Ủy ban Chính sách
Hội nghị kết nối trực tuyến với các thanh viên Ủy ban Chính sách ở các điểm cầu (Ảnh chụp màn hình).

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc kiện toàn nhân sự và thành lập Ủy ban chính sách của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là rất đúng và trúng hướng, với nhiều thành phần gồm: Ngân hàng trong nước, Ngân hàng nước ngoài, xử lý nợ (AMC), Công ty Tài chính và nhóm Fintech.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao vai trò của Ủy ban Chính sách trong việc tư vấn, tham mưu cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đồng thời biểu dương Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Trần Phương đã làm việc rất tích cực và có trách nhiệm. 

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng mong rằng, Ủy ban Chính sách tiếp tục phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả và có sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các Ban chuyên môn của Hiệp hội để đồng hành, hỗ trợ tốt cho các ngân hàng, tham gia đóng góp tích cực với cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức hội viên.

Về nội dung công tác năm 2023, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng  đề nghị Ủy ban Chính sách triển khai theo kế hoạch, phối hợp với Cơ quan Thường trực tổ chức tọa đàm, hội thảo về chủ đề, lĩnh vực liên quan, để có sức lan tỏa và có hiệu quả cao.

Ủy ban Chính sách
Toàn cảnh cuộc họp.

Tiếp thu chỉ đạo của Tổng Thư ký, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cho biết trong thời gian tới, Ủy ban Chính sách sẽ tập trung 4 định hướng chính trong nội dung chuyên đề công tác của năm 2023 như: Chủ động tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội trong xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và các lĩnh vực liên quan khác; Tập trung thảo luận và tham mưu về ổn định và phát triển của thị trường tài chính tiền tệ (Tập trung vào các lĩnh vực về tài chính xanh, ngân hàng xanh và ESG); Tập trung nghiên cứu để tăng năng lực phòng ngừa rủi ro trong hoạt động NHTM và các Tổ chức tài chính theo thông lệ quốc tế; Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban chính sách và cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cùng các đơn vị liên quan của Hội đồng Hiệp hội và các đơn vị bên ngoài như các định chế tài chính quốc tế hoặc tổ công tác của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam…

VNBA NEWS

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay