Thứ hai, 06/01/2025
   

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Xuất nhập khẩu là một trong những lĩnh vực ưu tiên của ngành Ngân hàng

Xuất nhập khẩu là một trong những lĩnh vực ưu tiên của ngành Ngân hàng. Thời gian qua, ngân hàng đã triển khai rất nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tiếp cận vốn một cách thuận lợi nhất.

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Tọa đàm "Vai trò của đào tạo nhân lực đối với ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA" do Báo Công Thương tổ chức chiều ngày 2/12.

Xuất nhập khẩuTS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (ngồi giữa) tham gia phát biểu tại Tọa đàm

Thông tin tại hội thảo cho biết, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ tạo ra những thay đổi mang tính chiến lược, nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, tháo gỡ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mang lại, các FTA cũng đặt ra không ít thách thức và cần có giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến trình hội nhập.

Đi sâu phân tích về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, xuất nhập khẩu là một trong những lĩnh vực ưu tiên của ngành Ngân hàng. Ngành Ngân hàng đã triển khai rất nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tiếp cận vốn một cách thuận lợi nhất.

Bên cạnh các hình thức vay vốn bằng tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, doanh nghiệp còn có thể vay vốn bằng nguồn hàng, bằng hình thức thư tín dụng (L/C), vay tín chấp, thậm chí hợp đồng xuất khẩu... Các ngân hàng cũng dành lãi suất cho vay doanh nghiệp xuất khẩu ở mức thấp, thậm chí có ngân hàng cho vay vốn với lãi suất 3,7%/năm.

Dù đã giảm lãi suất xuống thấp, song theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, dư nợ tín dụng về xuất nhập khẩu đối với các doanh nghiệp FTA vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.

"Dư nợ về xuất nhập khẩu với doanh nghiệp FTA hiện nay khoảng trên 300.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 2,1% so với tổng dư nợ nền kinh tế. Với mức như vậy, tôi cho rằng chưa đáp ứng được yêu cầu thực sự đối với xuất nhập khẩu nói chung và các FTA nói riêng", TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, ngành Ngân hàng rất nỗ lực để cho vay nhưng cũng phải tính toán đầu ra, đầu vào, tính đến bài toán kinh tế. Do vậy, bản thân doanh nghiệp cần thấy được cả cơ hội và thách thức khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do. Bởi, bên cạnh cơ hội được xóa bỏ hàng rào thuế quan, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các đối tác như chất lượng, giá thành sản phẩm, các yếu tố về phát triển bền vững,...

Vì vậy, chỉ có cơ chế ưu đãi từ ngành Ngân hàng là chưa đủ, mà cần sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất quan điểm của Chính phủ, của nhiều bộ, ngành và của chính bản thân doanh nghiệp.

Có thể kể đến như, khi tham gia các FTA, doanh nghiệp cần nắm được phong tục tập quán, yêu cầu của các nước xuất khẩu, cũng như chất lượng và giá thành sản phẩm... để đáp ứng được yêu cầu của các đối tác nước ngoài, tránh trường hợp sản phẩm đã xuất đi lại bị trả về. Vấn đề này cũng sẽ liên quan đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng thu hồi nợ vốn của các ngân hàng.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tốt hơn nữa, TS. Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, Chính phủ cần kiện toàn để Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy đúng tác dụng. Khi xác định doanh nghiệp tham gia FTA là bộ phận không thể thiếu, thì quỹ cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Đối với công tác đào tạo nhân lực như chủ đề Tọa đàm đặt ra, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, đào tạo là nhiệm vụ quan trọng trong bất cứ lĩnh vực nào. Với ngành Ngân hàng, đào tạo là nhiệm vụ bắt buộc. Không có tổ chức tín dụng nào muốn phát triển ổn định mà không coi trọng công tác đào tạo. Đơn cử, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã thành lập 4 trung tâm đào tạo không khác trường Đại học, tại đây các cán bộ ngân hàng được đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực...

"FTA là cơ hội, không tận dụng thì bị sẽ vượt qua và tuột mất. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có những chủ trương lớn để cải cách, đổi mới nhằm hướng tới là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp FTA cũng là cơ hội để các FTA tăng trưởng... Đã đến lúc cần đổi mới tư duy. Các doanh nghiệp cũng cần hoàn thiện, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định.

Chi tiết nội dung video Tọa đàm xem tại đây > 'Vai trò của đào tạo nhân lực đối với ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA'

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay