Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường tài chính thế giới và hoạt động xuyên biên giới của các tổ chức tài chính ngày càng gia tăng, Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM) và Hội đồng Xử lý thống nhất (Single Resolution Board - SRB), cơ quan xử lý của Liên minh Ngân hàng Châu Âu, đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc trao đổi thông tin và hoạt động hợp tác liên quan đến việc lập kế hoạch xử lý và phối hợp thực hiện các biện pháp xử lý đối với tổ chức tài chính có hoạt động xuyên biên giới.
Thông qua Thỏa thuận hợp tác này, PIDM và SRB thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác lẫn nhau trên cơ sở quy định và luật pháp của hai quốc gia; tăng cường liên lạc và hợp tác trong lĩnh vực xử lý ngân hàng; hỗ trợ lẫn nhau trong việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp xử lý có trật tự đối với các tổ chức; qua đó, góp phần duy trì niềm tin và sự ổn định tài chính của Malaysia và Liên minh Châu Âu.
Cụ thể, thỏa thuận hợp tác xuyên biên giới giữa PDIM và SRB xác định khuôn khổ hợp tác và trao đổi thông tin liên quan đến chuẩn bị và thực hiện xử lý ngân hàng tuân theo quy định và luật pháp của mỗi bên. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tăng cường hợp tác và liên lạc thông qua hoạt động tham vấn định kỳ và đột xuất, trong giai đoạn bình thường cũng như giai đoạn khủng hoảng tài chính. Đặc biệt, khi diễn biến hoạt động của một tổ chức xấu đi, các cơ quan thẩm quyền của hai bên càng phải tăng cường hợp tác.
Về nguyên tắc chung trong xử lý, quản lý khủng hoảng và xử lý xuyên biên giới đối với một tổ chức được coi là lợi ích chung của Malaysia và Liên minh ngân hàng Châu Âu. Do đó, nhiệm vụ quản lý và xử lý khủng hoảng đối với một tổ chức có tầm quan trọng ở Malaysia và Liên minh Ngân hàng Châu Âu đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc xây dựng và tối ưu hóa các quy trình nhằm đảm bảo phối hợp và thực hiện giám sát có hiệu quả đối với các tổ chức, quản lý khủng khoảng cũng như chiến lược phục hồi và xử lý. Cơ chế và công cụ xử lý xuyên biên giới phải linh hoạt và thiết kế phù hợp với các đặc điểm cụ thể của từng cuộc khủng hoảng và các tổ chức. Các thỏa thuận xuyên biên giới sẽ được xây dựng trên cơ chế hợp tác và xử lý hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền và cần phải liên tục cải thiện nhằm có được khả năng đánh giá kịp thời các tác động tiềm tàng và lớn hơn của các một cuộc khủng hoảng tài chính và các ảnh hưởng xuyên biên giới dựa trên các phân tích và thảo luận chung.
Văn bản thỏa thuận hợp tác nêu rõ, các phương án xử lý cần phải nhất quán với các mục tiêu xử lý, đặc biệt hướng tới mục tiêu ổn định tài chính và bảo vệ người gửi tiền được bảo hiểm và các khách hàng cá nhân, đồng thời, cũng cần cân nhắc tác động của các phương pháp xử lý đối với sự ổn định tài chính của Malaysia và Liên minh Châu Âu.
Hai bên công nhận tầm quan trọng của các nhóm quản lý khủng hoảng xuyên biên giới do Ủy ban ổn định tài chính (FSB) thành lập theo Nguyên tắc hợp tác xuyên biên giới về quản lý khủng hoảng và khuyến nghị của FSB về giảm thiểu rủi ro đạo đức gây ra bởi các tổ chức có tầm ảnh hưởng hệ thống. Hai bên sẽ phối hợp với nhau, đảm bảo các nhóm quản lý khủng hoảng mà hai bên tham gia đóng góp nhằm tăng cường công tác chuẩn bị và thực hiện xử lý xuyên biên giới đối với các tổ chức một cách nhất quán với Nguyên tắc đã có.
Ngoài ra, Thỏa thuận hợp tác xuyên biên giới giữa PIDM và SRB đề cập những quy định cụ thể trong các vấn đề về Cơ chế, phạm vi tham vấn, hợp tác, trao đổi thông tin về xử lý; Cơ chế thực hiện yêu cầu hỗ trợ trong thời gian bình thường hoặc các tình huống khẩn cấp; cơ chế cho phép sử dụng và bảo mật thông tin; cơ chế bảo vệ dữ liệu cũng như quy định về đánh giá và sửa đổi đối với Thỏa thuận hợp tác này.
Theo DIV