Tham dự Hội thảo có: Bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư BCS Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); Bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng; Ông Iain Grant Frew - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam; Ông Jaya Ratnam - Đại sứ Singapore tại Việt Nam; Bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam; Bà Sarah Tiwgg - Trưởng nhóm Giới và kinh tế bao trùm, khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thuộc Tổ chức tài chính quốc tế IFC; các đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ban Công tác đại biểu Quốc hội và người đứng đầu, lãnh đạo nữ các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng trong Ngành…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú – Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng nhấn mạnh sự đóng góp đặc biệt quan trọng của nữ cán bộ đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử. Ở tất cả các vị trí trong ngành Ngân hàng, từ các vị trí quản lý Nhà nước, tham mưu hoạch định chính sách đến các vị trí kinh doanh, tác nghiệp tại hệ thống các ngân hàng thương mại đều có sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ nữ trong Ngành.
Phó Thống đốc đánh giá, mặc dù mỗi lĩnh vực đều có thuận lợi và cũng không ít khó khăn nhưng cán bộ nữ ngành Ngân hàng đã tự tin khẳng định và phát huy hết khả năng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của từng đơn vị và toàn ngành Ngân hàng.
Bối cảnh hiện nay và sắp tới cho thấy kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam cũng như ngành Ngân hàng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Những thách thức chung của toàn Ngành cũng là những khó khăn mà cán bộ nữ ngành Ngân hàng đang phải chung tay gánh vác. Những rào cản quan niệm và tâm lý xã hội về sự vươn lên làm chủ của phụ nữ vẫn đang còn rơi rớt ở một số lĩnh vực, một số nơi. Mặt khác, với tâm lý chung của một nước Á Đông, cán bộ nữ ngành Ngân hàng đang phải giải quyết thách thức trong việc duy trì sự cân bằng giữa thời gian dành cho gia đình và thời gian dành cho công việc.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng đến nay đã có nhiều thành tựu và đóng góp trong thúc đẩy bình đẳng giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, NHNN đã có nữ Thống đốc; đồng thời, Thống đốc NHNN là 01 trong số 03 thành viên Chính phủ là nữ trên tổng số 26 thành viên Chính phủ hiện nay.
Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cơ bản đạt được các mục tiêu chính của Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021- 2030. Đồng thời, NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung cũng đã và đang nỗ lực để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng cường cấp tín dụng cho đối tượng khách hàng là phụ nữ..
Theo Phó Thống đốc, có thể nói những thành công trong giai đoạn đầu là sự khích lệ, động viên to lớn trong thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, với những khó khăn và thách thức ở phía trước, ngành Ngân hàng vẫn còn nhiều công việc cần triển khai; nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thành để nâng cao hơn nữa sự phát triển bình đẳng của nữ giới.
Nhìn nhận được những khó khăn, áp lực của phụ nữ Ngân hàng và sự cần thiết có hành động để thúc đẩy và khuyến khích cán bộ nữ, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn NHVN và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới”. Phó Thống đốc mong muốn Hội thảo hướng tới các mục tiêu chủ yếu là: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong ngành Ngân hàng về bình đẳng giới thông qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về đa dạng, hòa nhập, bình đẳng giới; Ghi nhận những thành tựu đã đạt được về bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng; Đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức của phụ nữ ngân hàng để các cơ quan, đơn vị trong Ngành quan tâm, có những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ nữ phát triển.
Phó Thống đốc mong rằng, trên cơ sở kết quả Hội thảo, các đơn vị trong Ngành sẽ nhận thức được tầm quan trọng và hỗ trợ cán bộ nữ tốt hơn, qua đó, cán bộ nữ ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội đề nghị Ban Lãnh đạo NHNN, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng, Công đoàn NHVN tiếp tục quan tâm, đầu tư, thực hiện tốt các chính sách về bình đẳng giới, các chính sách đặc thù của ngành để chăm lo, tạo điều kiện tốt hơn và tạo cơ hội bình đẳng cho người lao động, trong đó có cả phụ nữ và nam giới. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác về bình đẳng giới, tổ chức các diễn đàn, hội thảo thường niên chia sẻ góc nhìn toàn cầu về phụ nữ, bình đẳng giới và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, giúp các bên cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và bài học về thúc đẩy sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập.
Trình bày tham luận với chủ đề “Ngành Ngân hàng hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, nhắc lại sự kiện bà Claudia Goldin được trao giải thưởng Nobel Kinh tế với chủ đề “Vai trò của nữ giới trong lực lượng lao động” trong tháng 10/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao và thành công trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩch vực trước đây nam giới thường chiếm ưu thế. Điều này chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của xã hội về vai trò của phụ nữ trên toàn thế giới.
Bình đẳng giới tại NHNN đã đạt được một số thành tựu bước đầu đáng ghi nhận như: 100% đơn vị thuộc NHNN đã có cán bộ chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp phòng, cấp Vụ và nữ là thủ trưởng đơn vị đều tăng so với đầu nhiệm kỳ. Các mục tiêu về bình đẳng giới về cơ bản đã đạt được. Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN luôn quan tâm đối với việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng và cách thức quan tâm được thể hiện qua rất nhiều hình thức như: Tăng cường công tác truyền thông nhận thức về vấn đề bình đẳng giới; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tổ chức các cuộc nghiên cứu, phát hành các sản phẩm nghiên cứu về bình đẳng giới; trong công tác tuyển dụng thì thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, quy định về tỷ lệ ứng viên nữ tuyệt đối đảm bảo công bằng với ứng viên nam; số lượng tuyển dụng từ năm 2021 đến nay, nữ ứng viên trúng tuyển đạt 63%; công tác đào tạo, bồi dưỡng, cử đi học thạc sỹ thì nữ chiếm tỷ lệ 74%, tiến sĩ chiếm tỷ lệ 83,5%; Đối với công tác quy hoạch, tỷ lệ quy hoạch nữ cấp Vụ của NHNN cũng cao hơn so quy định, đạt 36% giai đoạn 2021-2026 và 48,6% giai đoạn 2026-2031; Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN cũng rất quan tâm học hỏi kinh nghiêm của các tổ chức quốc tế như: ADB, IMF, WB, IFC GIZ… để có thêm kinh nghiệm trong thúc đẩy bình đẳng giới. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ được thành lập và có các hoạt động bài bản.
Theo Thống đốc, ngành Ngân hàng cũng góp phần Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất, NHNN tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế, trong đó có phụ nữ như: Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/04/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Thứ hai, tạo điều kiện để ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng cho nhóm yếu thế, phụ nữ. NHNN phối hợp với ADB triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai tín dụng chính sách xã hội hướng đến nhóm đối tượng khách hàng nữ. NHCSXH, Agribank đã phối hợp hiệu quả với các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để truyền tải vốn tín dụng thông qua hoạt động của các tổ vay vốn. Hiện có 10.175 tổ vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý.
Thứ ba, ký kết Quy chế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Thông qua Quy chế phối hợp, NHNN có thêm kinh nghiệm triển khai công tác bình đẳng giới từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đồng thời cũng có thể góp phần nhất định hỗ trợ Hội thực hiện nhiệm vụ vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới tại Việt Nam.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ phải có kiến thức, bản lĩnh và có sự nhanh nhậy để phản ứng chính sách.
Đối với hệ thống NHTM, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu cao về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Cán bộ nữ cũng phải nâng cao kỹ năng trình độ, tự tin, năng động, chủ động, bản lĩnh để sẵn sàng hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Chính vì thế, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã nhận diện được vấn đề này, tiếp tục có các giải pháp để nâng cao kiến thức cho phụ nữ, kể cả cấp làm về chính sách cũng như đối với tham gia hoạt động thực tiễn kinh doanh của các ngân hàng.
(Lược theo SBV)