Thứ tư, 03/07/2024
   

Tận dụng FTA trong ngành Ngân hàng

Việc tham gia các FTA, đặc biệt là CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng với mức độ sâu hơn, xóa bỏ dần các điều kiện khác biệt trong tiếp cận tài chính - ngân hàng giữa định chế tài chính Việt Nam và định chế tài chính của các bên tham gia ký kết khác.

Việc tham gia các FTA, đặc biệt là CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng với mức độ sâu hơn, xóa bỏ dần các điều kiện khác biệt trong tiếp cận tài chính - ngân hàng giữa định chế tài chính Việt Nam và định chế tài chính của các bên tham gia ký kết khác.

"Cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với ngành Ngân hàng Việt Nam là rất rõ, thúc đẩy tái cơ cấu lần thứ 3 mạnh mẽ hơn, chuyển đổi số quyết liệt hơn, chất lượng nhân lực nâng cao hơn. Tuy nhiên việc thực thi các cam kết FTA nói chung, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nói riêng cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cần một sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt nhưng hết sức khéo léo và linh hoạt của các cơ quan chức năng". TS. Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ cùng Thời báo Ngân hàng.Tan dung FTA trong nganh Ngan hang

Ông có thể nói rõ hơn về các cơ hội cho ngành Ngân hàng khi thực hiện các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới?

Cơ hội rõ nhất từ việc thực thi FTA mà chúng ta nhìn thấy trong những năm qua đó là các NHTM đẩy mạnh tài trợ xuất nhập khẩu, mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế, các dịch vụ ngân hàng đối ngoại khác, đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các dự án xanh, dự án kinh tế tuần hoàn, dự án chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó triển vọng hút vốn đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đang mở ra với việc tham gia các FTA, đặc biệt là EVFTA hay CPTPP. Chẳng hạn như với EVFTA, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, EU có những quy định rất khắt khe về đầu tư, nhất là từ EU ra bên ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Cho nên, lợi thế đầu tiên từ hiệp định này chính là bảo hộ đầu tư, làm cho dòng tiền đầu tư từ EU vào Việt Nam có thể mạnh hơn, bao gồm cả FDI và FPI, trong đó có đầu tư về công nghệ mới, công nghệ cao. Huy động vốn từ châu Âu thông qua các quỹ đầu tư của Việt Nam cũng hấp dẫn hơn nhờ các quy định bảo hộ đầu tư khá chặt chẽ và an toàn. EVFTA cũng mở ra cơ hội các quỹ đầu tư của EU trực tiếp đầu tư vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, mảng đầu tư trực tiếp này chỉ là tiềm năng, có thể chưa sôi động trong ngắn hạn, bởi vì châu Âu đã áp dụng khá đầy đủ quy định của Basel II, thậm chí là cả Basel III. Mặt khác, họ cũng có khuynh hướng tái cấu trúc lại các tập đoàn tài chính, các NHTM lớn theo hướng không mở rộng quy mô mà chủ yếu tăng chất lượng tài sản để tránh những xung đột pháp lý, xung đột lợi ích, có thể dẫn tới khủng hoảng. Bên cạnh đó quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà tham gia.

Có thể nói cơ hội là rất lớn nhưng thách thức chắc cũng nhiều, thưa ông?

Đúng vậy, bên cạnh các tác động tích cực như đã nói ở trên, việc tham gia và thực thi các cam kết FTA nói chung, đặc biệt là EVFTA và CPTPP nói riêng cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức. Đó là hành lang pháp lý thanh tra, giám sát tài chính của Việt Nam chưa đủ mạnh, việc cho phép các giao dịch tài chính xuyên biên giới (như các cam kết trong các FTA nói chung và CPTPP nói riêng), phát triển và mở rộng các phương thức thanh toán mới, sản phẩm tài chính đa dạng… sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro thanh toán, rủi ro tài chính và tội phạm tài chính tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các định chế tài chính Việt Nam đứng trước áp lực cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế, áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ… Trong khi năng lực cạnh tranh của hệ thống TCTD Việt Nam trước khi tham gia FTA; CPTPP và EVFTA còn tương đối thấp so với đối tác. Áp lực đó đòi hỏi các định chế tài chính Việt Nam phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh chủ động ứng phó với những tác động từ môi trường kinh tế quốc tế, cải tổ về năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó việc khi thực thi các FTA thế hệ mới là thách thức với các tổ chức tài chính trong nước chưa chuẩn hóa và chưa tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính; công tác kiểm tra, giám sát tài chính còn chưa theo kịp với tình hình mới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra thách thức phát triển cơ sở hạ tầng đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam. Nếu không có cơ sở hạ tầng ngân hàng và tài chính phù hợp, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân sẽ vẫn chỉ ở mức thấp mà thôi. Bên cạnh đó là vấn đề nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm, ứng dụng công nghệ số...

Vậy theo ông, giải pháp nào để vừa đảm bảo các cam kết trong FTA thế hệ mới, vừa giữ được tính tự chủ của thị trường tài chính?

Đây là vấn đề ở tầm vĩ mô, cần một sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt nhưng phải hết sức khéo léo và linh hoạt của các cơ quan chức năng. Trước mắt, để thúc đẩy hội nhập tài chính trong thực thi các FTA thế hệ mới, Việt Nam cần tập trung thực hiện bốn nhóm giải pháp.

Một là, các bộ, ngành, cơ quan chức năng khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tạo hành lang pháp lý thanh tra, giám sát tài chính của Việt Nam đủ mạnh, hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và các cam kết trong FTA thế hệ mới. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng cán bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và nâng cao trình độ nghiệp vụ kỹ thuật số trong quản lý nói chung, quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng.

Hai là, các cơ quan chức năng cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động tài chính ngân hàng nói chung, các giao dịch tài chính xuyên biên giới nói riêng. Các TCTD đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới các phương thức thanh toán, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, hoàn thiện quy trình kiểm soát nội bộ, nâng cao chất lượng nhân sự kiểm soát, đảm bảo các giao dịch thực hiện an toàn, ổn định. Ba là, các tổ chức tài chính Việt Nam nói chung, các TCTD nói riêng cần rà soát và đổi mới chính sách quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành nói chung, quản trị rủi ro nói riêng. Bốn là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các nước và tham vấn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong tiến trình thực thi các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới nhằm nắm bắt cơ hội, nhận diện những rủi ro và thực hiện đầy đủ những cam kết trong các hiệp định mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Việc tham gia các FTA, đặc biệt là CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng với mức độ sâu hơn, xóa bỏ dần các điều kiện khác biệt trong tiếp cận tài chính - ngân hàng giữa định chế tài chính Việt Nam và định chế tài chính của các bên tham gia ký kết khác.

Hiện nay, theo quy định hiện hành tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam không vượt quá 30%. Nhưng theo EVFTA, có thể cho phép room nhà đầu tư châu Âu tại hai NHTMCP Việt Nam được vượt khỏi mức trần quy định hiện hành. Cụ thể, trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 NHTM cổ phần của Việt Nam, nhưng không áp dụng với 4 NHTM cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối.

Theo thoibaonganhang.vn

(Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tan-dung-fta-trong-nganh-ngan-hang-135106.html)

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay