Thứ sáu, 08/11/2024
   

Quyết liệt đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Sáng 20/02/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Hội nghị do Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đồng chủ trì, với sự tham dự của các đơn vị thuộc NHNN; NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các ngân hàng thương mại. Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm.
Định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, thách thức của năm 2023, toàn ngành Ngân hàng đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cơ bản đạt được những thành tựu quan trọng được Đảng, Chính phủ, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cụ thể, ngành Ngân hàng đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt, điều hành chính sách tiền tệ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngành Ngân hàng cũng tiên phong chuyển đổi số, đa dạng các dịch vụ, sản phẩm phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện, tham mưu trình quốc hội thông qua Luật các TCTD sửa đổi; về hoạt động ngoại giao cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo

Trong năm 2024, theo Thống đốc, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Chính vì vậy ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Theo đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. Cụ thể, NHNN đã khẩn trương xây dựng Chỉ thị 01, 02/CT-NHNN, Chương trình hành động số 83/QĐ-NHNN để triển khai Nghị quyết, Chỉ đạo của Chính phủ, TTCP về trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024 đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động cụ thể cho toàn hệ thống, nhất là về công tác tín dụng nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

NHNN đã tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng như: hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật các TCTD (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường tháng 01/2024; rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; đánh giá để xem xét sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách; rà soát để sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, kiện toàn và nâng cao hoạt động của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô... nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức cho các nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ngày 07/2/2024, NHNN tiếp tục ban hành công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp đã được đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó, quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng,…

Song song với đó, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. NHNN cũng đã có công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7/2/2024 yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.

Ngoài ra, NHNN tiếp tục quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành, hàng thiết yếu của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. NHNN cũng tích cực triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ và tạo điều kiện cho NHCSXH triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…

7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng năm 2024

Chia sẻ tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. GDP dự kiến tăng chậm hơn năm 2023; giá hàng hóa cơ bản (nhiên liệu, lương thực, kim loại...) diễn biến phức tạp; các tổ chức IMF, WB, EIA đưa ra dự báo khác nhau về xu hướng của giá dầu năm 2024. Lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang chia sẻ giải pháp điều hành tín dụng năm 2024
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang chia sẻ giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo. Với những khó khăn đến từ thế giới, cầu tín dụng trong nước có thể tiếp tục bị tác động bởi sự khó khăn trong đầu ra của doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm. Đối với thị trường BĐS, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật các TCTD (sửa đổi) đã được thông qua và nhiều văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành thực hiện được kỳ vọng là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cho thị trường BĐS phát triển bền vững; tăng nguồn cung nhà ở nhất là sản phẩm phục vụ người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách. Các chính sách hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp (như chính sách giảm thuế VAT,…) tiếp tục được triển khai, các dự án đầu tư công sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư, các chính sách thương mại tiếp tục được củng cố và mở rộng,…sẽ tạo đà thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Với tâm thế chủ động ứng phó trong mọi tình huống, Thống đốc nhấn mạnh toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm trong hoạt động để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, công tác tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024. NHNN đã chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, dựa trên xếp loại theo Thông tư 52. Vì vậy các TCTD đã có thể đề ra chủ động kế hoạch kinh doanh, điều hành. “Năm nay các TCTD phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các TCTD phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản…”, Thống đốc đề nghị.

Để đạt mục tiêu đề ra, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Hà Thu Giang cho biết NHNN sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng năm 2024.

Một là, NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế;

Hai là, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế;

Ba là, chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Năm là, thường xuyên tổ chức các Hội nghị kết nối doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp theo vùng và tại tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ đạo các NHTM đồng thời chủ động tổ chức Hội nghị khách hàng để tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bảy là, tiếp tục triển khai các Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2030, tầm nhìn 2045; về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng 06 vùng kinh tế.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay