Chủ nhật, 22/12/2024
   

Phối hợp đồng bộ các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo các chuyên gia, phải tập trung chính sách tài khóa như đẩy mạnh chi tiêu công, giảm thuế giá trị gia tăng cho người dân để kích cầu. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đồng bộ, hỗ trợ nhau mới tạo hiệu quả. Nếu hai cánh kéo mà một bên kéo, một

Muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo các chuyên gia, phải tập trung chính sách tài khóa như đẩy mạnh chi tiêu công, giảm thuế giá trị gia tăng cho người dân để kích cầu. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đồng bộ, hỗ trợ nhau mới tạo hiệu quả. Nếu hai cánh kéo mà một bên kéo, một bên nghỉ thì rất khó kéo tăng trưởng nền kinh tế.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng.

Lãi suất tiền gửi VND giảm, lãi vay hạ nhiệt

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 3 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4 và 5/2023.

Cụ thể, giảm 1,0%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của ngân hàng nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giảm 0,5-1,0%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; Giảm 1,0%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Các chuyên gia đánh giá tích cực việc ngân hàng nhà nước liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, ngân hàng nhà nước cũng là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh trong tháng 2 và tháng 5.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của ngân hàng nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).

Về phía các ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm biểu lãi suất huy động sau động thái của ngân hàng nhà nước.

Với nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã giảm khoảng 0,4%, đưa mức lãi suất cao nhất xuống còn 6,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng và 3 tháng được điều chỉnh giảm xuống lần lượt 4,1%/năm và 4,6%/năm.

Tại nhóm tư nhân, một số ngân hàng có lãi suất cao trong thời gian qua cũng đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tại một số kỳ hạn như ABBank giảm lãi suất đến 0,7 điểm %, Vietbank giảm 0,3 điểm %, Nam A Bank giảm 0,5 điểm %, Viet A Bank giảm đến 0,5 điểm %, SeABank giảm 0,4 điểm %,...

Biểu lãi suất đối với kỳ hạn 24 tháng đang được niêm yết quanh ngưỡng 6,6%/năm đến 8,6%/năm. Mức lãi suất trung bình cho kỳ hạn này là 7,6%/năm. Trong đó, quán quân lãi cao kỳ hạn 24 tháng thuộc về GPBank (8,6%/năm). Một số ngân hàng khác niêm yết lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 24 tháng có thể kể đến VietABank; ABBank (8,5%/năm); Nam A Bank (8,4%/năm)...

Lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng là 8,5%/năm, thuộc về GPBank và VietABank. Còn ABBank niêm yết lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng ở mức 8,3%/năm; NCB ở mức 8,25%/năm.

Về lãi suất cho vay, tại Vietcombank, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn, một là từ 1/1 - 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, ngân hàng này đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 - 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngân hàng MB cũng đã liên tục đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng, giảm lãi suất cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên. Từ đầu năm đến nay, MB cũng đã tung ra 120.000 tỷ đồng các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong thời gian vừa rồi MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và ngân hàng nhà nước.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cầu yếu như hiện nay, giảm lãi suất không phải là yếu tố quyết định. Nếu lãi suất giảm mà công tác mở cửa thị trường, cải cách môi trường kinh doanh… không có biến chuyển thì doanh nghiệp cũng sẽ khó vực dậy. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, phải làm cho đầu tư tư nhân, tiêu dùng xã hội tăng lên, và điều này lại phụ thuộc rất lớn vào vai trò dẫn dắt của đầu tư công.

TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, ngân hàng hạ lãi suất nhưng thị trường không có, đầu ra và đơn hàng chưa có thì doanh nghiệp cũng không biết vay tiền để làm gì. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ đã có độ bão hòa nhất định, không còn nhiều dư địa thời gian tới. Giai đoạn này cần tập trung vào chính sách tài khóa, kích cầu, đặc biệt là phải kích cầu vào khu vực công, bởi khu vực tư nhân hiện nay đang rất yếu.

Mặt khác, lãi suất giảm nhiều hơn có thể gây ra rủi ro đảo chiều dòng vốn. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay phải tập trung chính sách tài khóa: đẩy mạnh chi tiêu công, giảm thuế giá trị gia tăng cho người dân để kích cầu. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đồng bộ, hỗ trợ nhau mới tạo hiệu quả. Nếu hai cánh kéo mà một bên kéo, một bên nghỉ thì rất khó kéo tăng trưởng nền kinh tế.

Về phía ngân hàng nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức công tác điều hành chính sách tiền tệ. Các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng cần xử lý sao cho hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao và dai dẳng bất chấp việc các nước đã thực hiện cuộc chiến chống lạm phát rất quyết liệt; vừa đảm bảo giá trị của đồng Việt Nam trong bối cảnh nhiều đồng tiền trên thế giới biến động phức tạp mà vẫn phải giảm mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn...

Thời gian tới, ngân hàng nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

(Nguồn: DIV)

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay