Thứ tư, 22/01/2025
   

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự Hội nghị Hội đồng Thống đốc SEACEN lần thứ 44

Trong hai ngày 6-7/12/2024, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng dẫn đầu cùng đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Tổ chức Cán bộ đã tham dự Hội nghị Hội đồng Thống đốc lần thứ 44 và Hội thảo cấp cao bên lề của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) Đông Nam Á (SEACEN) tại Seoul, Hàn Quốc.
Các Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở NHTW Hàn Quốc
Các Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở NHTW Hàn Quốc
Hội nghị có sự tham dự của các Thống đốc và đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ 19 NHTW và cơ quan quản lý tiền tệ các nước thành viên SEACEN, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và các NHTW khách mời.

Mở đầu Hội thảo cấp cao với sự tham gia của các Thống đốc NHTW thành viên SEACEN, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của IMF và Cố vấn kinh tế kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu của BIS đã tập trung chia sẻ về “Triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính trong năm 2025” và “Các hàm ý chính sách của sự phân mảnh địa kinh tế đối với các nền kinh tế Châu Á”. Theo IMF, đà tăng trưởng kinh tế đang chững lại, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng ở các nền kinh tế phát triển trong khi hoạt động sản xuất vẫn yếu, giá cả hàng hoá và dịch vụ dần ổn định nhưng vẫn dễ bị tổn thương, triển vọng kinh tế toàn cầu tương đối ổn định song vẫn đối mặt với nhiều rủi ro ở các kịch bản khác nhau. Trong bối cảnh đó, IMF khuyến nghị: (i) Chính sách tiền tệ cần điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn để cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, các thay đổi chính sách tiền tệ cần xem xét đến các tác động tiềm ẩn đối với tỷ giá hối đoái và ổn định tài chính, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển; (ii) Chính sách tài khoá cần được điều chỉnh một cách từ từ để giảm tác động đến tăng trưởng, việc thắt chặt tài khoá nhanh trong thời gian ngắn có thể gây suy giảm kinh tế; (iii) Áp dụng các chính sách hỗ trợ di cư, đặc biệt là đối với lao động trẻ và có kỹ năng, để bù đắp sự thiếu hụt lao động do già hoá dân số cùng với nâng cao kỹ năng lao động và cải cách giáo dục nhằm thích ứng với nhu cầu thay đổi của thị trường lao động; (iv) Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu trong các ngành công nghiệp và dịch vụ để nâng cao năng suất và tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm bớt các rào cản thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và tăng cường thương mại quốc tế. IMF nhấn mạnh các quốc gia cần hợp tác nhằm giảm thiểu căng thẳng thương mại và xây dựng các khuôn khổ kinh tế bền vững, phối hợp và điều chỉnh chính sách một cách khôn ngoan để đối phó với các thách thức đang nổi lên.

Bàn về tác động của địa kinh tế, BIS cho rằng phân mảnh địa kinh tế đã làm gia tăng khoảng cách vật lý giữa nhà cung cấp và khách hàng, kéo dài và phức tạp hoá chuỗi cung ứng, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn. Để đối phó với các thách thức từ sự phân mảnh chuỗi cung ứng, các công ty có xu hướng mở rộng mạng lưới thông qua việc thành lập các công ty con tại các khu vực khác nhau nhằm giảm thiểu rủi ro gián đoạn và thích ứng với các yêu cầu thị trường và chính sách tại địa phương. Dữ liệu thống kê cho thấy, các công ty ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang thành lập nhiều hơn các công ty con tại Mỹ và Châu Âu để củng cố sự hiện diện tại các khu vực có ảnh hưởng lớn về địa chính trị. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chứng kiến sự tái định hướng. Một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Việt Nam trở thành trung tâm mới trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các liên kết trong khu vực châu Á vẫn duy trì mạnh mẽ nhờ quá trình hội nhập suốt một thời gian dài song đã xuất hiện những sự dịch chuyển sang các khu vực khác. Bên cạnh đó, BIS cũng chỉ ra xu hướng gia tăng đầu tư trực tiếp vào Mỹ và Châu Âu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) giữa các quốc gia này với các nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục được duy trì.

Tại Hội thảo, các Thống đốc và đại diện các NHTW thành viên SEACEN đã thảo luận về các thách thức, khó khăn đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của các nền kinh tế về các biện pháp chính sách nhằm ứng phó với tác động từ các rủi ro toàn cầu cũng như phân mảnh địa kinh tế đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của NHTW.

Trưởng đoàn các nước thành viên SEACEN tham dự Hội nghị BOG và Hội thảo cấp cao
Trưởng đoàn các nước thành viên SEACEN tham dự Hội nghị BOG và Hội thảo cấp cao

Tại Hội nghị Hội đồng Thống đốc SEACEN lần thứ 44, các Thống đốc NHTW thành viên đã nghe báo cáo và đánh giá về kết quả hoạt động của SEACEN trong năm 2024 và thảo luận về các định hướng hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới về đào tạo, nghiên cứu, hợp tác chuyên môn với các chuyên gia, các tổ chức quốc tế uy tín, các đối tác chiến lược nhằm xây dựng và phát triển SEACEN trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu uy tín hàng đầu trong khu vực. Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị, các Thống đốc NHTW thành viên SEACEN đã phê duyệt kế hoạch đào tạo, nghiên cứu và kế hoạch ngân sách năm 2025 của Trung tâm.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị BOG
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị BOG

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng hoan nghênh những kết quả SEACEN đã đạt được trong năm 2024 và đề nghị Trung tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bao gồm phát triển và ứng dụng các công cụ học tập dựa trên nền tảng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo và các nền tảng trực tuyến tích hợp để tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao trải nghiệm của cán bộ NHTW thành viên. Trong bối cảnh phân mảnh địa kinh tế gia tăng kéo theo rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như sự dịch chuyển của dòng vốn, Phó Thống đốc đánh giá cao việc SEACEN tái phát hành ấn phẩm thường kỳ - Báo cáo "Quản lý dòng vốn của SEACEN" - và khuyến nghị Trung tâm SEACEN cần tiếp tục tăng cường bộ công cụ và phương pháp phân tích để hỗ trợ tốt hơn cho các nền kinh tế thành viên trong việc quản lý rủi ro dòng vốn. Trao đổi về định hướng hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị SEACEN rà soát, cập nhật Chiến lược và xây dựng Kế hoạch ngân sách trung hạn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, đào tạo của các NHTW thành viên cũng như tăng cường kỷ luật ngân sách, đảm bảo Trung tâm sử dụng hiệu quả nguồn lực được giao.

Hội nghị đã nhất trí thông qua việc lựa chọn Chủ tịch SEACEN năm 2026 là Indonesia.

Theo SBV
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay