Thứ năm, 14/11/2024
   

Những vướng mắc, khó khăn khi xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các Ngân hàng thương mại tại Tòa án

Việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, các TCTD hội viên phản ánh quá trình xứ lý nợ xấu tại các TCTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có các nguyên nhân liên quan đến việc khởi kiện và quá

Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành liên quan, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội ra đời, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD.

Tuy nhiên, trên thực tế, các TCTD hội viên phản ánh quá trình xứ lý nợ xấu tại các TCTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có các nguyên nhân liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp như:

Vướng mắc, bất cập của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án, về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn, về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, về việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm, về rút một phần yêu cầu khởi kiện, về giao nộp tài liệu, chứng cứ…;

Vướng mắc trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án, về xác định địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, về xác định, triệu tập đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, về bảo vệ người thứ ba ngay tình...;

Vướng mắc về việc Tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng gây thiệt hại nghiêm trọng quyền và lợi ích của TCTD, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Nhóm vướng mắc, bất cập kiến nghị cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định của pháp luật trong thực tiễn xét xử

1. Về việc bảo vệ quyền lợi của Người thứ ba ngay tình:

Tại Văn bản số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều 133 BLDS 2015: “Trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu”.

a) Tuy nhiên, trong thực tế phát sinh trường hợp tài sản thế chấp tại TCTD có sự tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng giữa Chủ sở hữu cũ và Bên bảo đảm (Chủ sở hữu hiện tại). Theo đó, Chủ sở hữu cũ yêu cầu tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng với Chủ sở hữu hiện tại và yêu cầu hủy luôn Hợp đồng thế chấp mà Chủ sở hữu hiện tại đã ký với TCTD. Giải quyết vấn đề trên đã nảy sinh nhận thức không thống nhất, như sau:

- Có Tòa án/ý kiến cho rằng khi có căn cứ cần tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng tài sản và tuyên hủy Hợp đồng thế chấp, mặc dù Hợp đồng thế chấp đã được ký, công chứng hoặc chứng thực, đăng ký biện pháp bảo đảm đầy đủ, với lý do: Chưa rõ TCTD có phải bên thứ ba ngay tình hay không?

- Các TCTD cho rằng quan điểm trên chưa phù hợp cả về pháp lý và thực tiễn, dẫn đến hệ quả nguy hiểm là khoản nợ (có khi đến hàng nghìn tỷ đồng) của Khách hàng tại TCTD trở thành khoản nợ không có tài sản bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD, cụ thể như sau:

+ Khi nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất, các TCTD căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp cho Bên bảo đảm để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, các TCTD không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa Bên bảo đảm và Chủ sở hữu cũ

+ Không có quy định nào của pháp luật quy định TCTD phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp GCN; cũng như quy định TCTD có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo GCN đó.

b) Thực tế, vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng nhận được phản ánh của TCTD hội viên liên quan đến việc Tòa án khi xét xử cho rằng:

- Khi ký Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay, các TCTD không tiến hành thẩm định tài sản thế chấp theo đúng quy định, chính vì vậy, TCTD không xác định được tài sản thế chấp là của ai…, trên cơ sở đó Tòa án tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp đồng thời với tuyên vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng, buộc Ngân hàng phải trả lại GCN đã được thế chấp hợp pháp và khoản vay đã được thẩm định theo đúng quy định, dẫn đến hậu quả TCTD cấp tín dụng cho khách hàng từ chỗ có tài sản bảo đảm thành không có tài sản bảo đảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp củaTCTD.

- TCTD cho khách hàng vay tiền hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật, đúng với quy trình, nghiệp vụ ngân hàng trên cơ sở Chứng minh nhân dân do Cơ quan Công an cấp, GCN đứng tên khách hàng hợp pháp, Hợp đồng thế chấp được công chứng/chứng thực, đăng ký biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, Tòa án đã tuyên buộc TCTD có nghĩa vụ hoàn trả số tiền khách hàng đã thanh toán cho TCTD để tất toán khoản vay, vì cho rằng số tiền trên làtiền khách hàng chiếm đoạt từ người khác. TCTD đã thu nợ trên tài khoản theo đề nghị của chủ tài khoản là hợp pháp và ngay tình. Mặt khác, trên thực tế, việc nộp tiền mặt vào tài khoản tiền gửi, tiền vay của khách hàng để thu nợ, các TCTD không có khả năng, điều kiện và trách nhiệm để xác minh, hơn nữa không có quy định của pháp luật yêu cầu TCTD phải kiểm tra nguồn tiền trả nợ của khách hàng.

Các TCTD của Hiệp hội Ngân hàng hiện đang rất hoang mang, lo lắng với quan điểm trên của Tòa án. Các trường hợp này, Ngân hàng cần được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 và phù hợp Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/04/2019 của TANDTC.

2. Về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm:

Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) quy định ba (03) điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tiễn nhiều Tòa án lại áp dụng điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 mà không áp dụng ba (03) điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 nhằm tránh phát sinh trách nhiệm liên quan khi bên vay, bên bảo đảm đưa ra ý kiến không thống nhất hoặc từ chối nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ được bảo đảm, giá trị định giá TSBĐ, hoặc cố tình vắng mặt khỏi nơi cư trú... nhằm trốn tránh, trì hoãn thực hiện nghĩa vụ với TCTD, dẫn đến hầu hết các trường hợp TCTD khởi kiện yêu cầu giao tài sản, quyền xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu không giải quyết được theo thủ tục rút gọn theo quy định của Nghị quyết 42.

Các TCTD cho rằng việc Thẩm phán căn cứ vào sự xung đột của các quy định trên để áp dụng pháp luật như nêu trên là chưa phù hợp. Vì theo quy định tại Khoản 2 Điều17 Nghị quyết 42 quy định về áp dụng pháp luật thì các trường hợp tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản của khoản nợ xấu thì phải được giải quyết theo thủ tục rút gọn nếu đáp ứng ba điều kiện tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 mà không áp dụng Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

3. Về quy định về chủ thể của quan hệ bảo đảm bằng tài sản:

Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ điều chỉnh quan hệ nhân thân, tài sản đối với cá nhân và pháp nhân, trong khi Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật nhà ở, các quy định pháp luật về thuế,... vẫn quy định những chủ thể là Hộ gia đình, Hộ kinh doanh, Tổ hợp tác, Doanh nghiệp tư nhân, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia giao dịch, được pháp luật công nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để tham gia giao dịch.

Sự xung đột trên gây ra hệ lụy phức tạp trong thực tiễn như hiệu lực của những giao dịch do Hộ gia đình, Tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân đã được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực (01/01/2017) mà các bên vẫn tiếp tục thực hiện và các giao dịch do các chủ thể này thực hiện sau ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực (01/01/2017).

Vấn đề trên, các TCTD thấy rằng Tòa án cần phải có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật để xử lý tranh chấp, không làm xáo trộn các quan hệ xã hội, giao dịch dân sự do các chủ thể không có tư cách pháp nhân xác lập, thực hiện.

Theo đó, trường hợp cácchủ thể không có tư cách pháp nhân xác lập, thực hiện giao dịch, được người đại diện đương nhiên theo quy định pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đại diện cho chủ thể này ký kết đều có hiệu lực.

4. Về việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm của Hộ gia đình:

Theo quy định pháp luật thì việc thế chấp tài sản của hộ gia đình phải được sự chấp thuận (thông qua việc ký trên HĐTC hoặc ủy quyền) của các thành viên trong hộ gia đình (căn cứ theo độ tuổi). Trường hợp thiếu sự chấp thuận của một trong các thành viên trong hộ gia đình thì Hợp đồng thế chấp có thể bị xem xét về hiệu lực (tuyên vô hiệu).

Vấn đề đặt ra là đối với trường hợp thiếu ý kiến chấp thuận/đồng ý/ký trên Hợp đồng thế chấp của 01 trong các thành viên của Hộ gia đình, Hợp đồng thế chấp sẽ bị vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần (tương ứng với phần quyền của thành viên bị thiếu đó). Trường hợp thiếu ý kiến chấp thuận/đồng ý/ký trên Hợp đồng thế chấp của 01 trong các thành viên của Hộ gia đình nhưng có căn cứ xác định thành viên đó đã biết và không có ý kiến khiếu nại và hoặc đã được hưởng lợi từ giao dịch bảo đảm đó thì có được coi là đã chấp thuận hay không.

Trong thực tiễn xét xử, có nhiều quan điểm nhận thức khác nhau do chưa có hướng dẫn chính thức, nên quyết định phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của Thẩm phán, nhiều trường hợp Hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu toàn bộ.
Căn cứ quy định tại Điều 135 BLDS 2005; Điều 130 BLDS 2015: “Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch” và các quy định pháp luật khác có liên quan, các TCTD cho rằng trường hợp thiếu sự chấp thuận của 01 trong các thành viên trong hộ gia đình, đối với các tài sản có thể phân chia (hiện vật hoặc giá trị), thì Tòa án hoàn toàn có thể tuyên Hợp đồng bảo đảm vô hiệu một phần (chỉ vô hiệu đối với phần tài sản thiếu chữ ký của thành viên đó). Trường hợp thiếu ý kiến chấp thuận/đồng ý/ký trên Hợp đồng thế chấp của 01 trong các thành viên của Hộ gia đình nhưng có căn cứ xác định thành viên đó đã biết và không có ý kiến khiếu nại và hoặc đã được hưởng lợi từ giao dịch bảo đảm đó thì được coi là đã chấp thuận và không tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp.

5. Hợp đồng bảo đảm bằng tiền gửi ngân hàng bị tuyên vô hiệu (một phần hoặc toàn bộ) do chỉ có Người gửi tiền ký kết:

Có Tòa án/ý kiến cho rằng Hợp đồng bảo đảm bằng tiền gửi hình thành trong thời kỳ hôn nhân do Người gửi tiền ký kết bị vô hiệu toàn bộ/một phần do không có chấp thuận của cả hai vợ chồng. Các TCTD cho rằng quan điểm trên chưa phù hợp cả về pháp lý và thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các TCTD, vì:

Hiện nay, với quy định về tiền gửi tiết kiệm, các TCTD thực hiện các giao dịch về tiền gửi tiết kiệm với Người gửi tiền - là người duy nhất giao dịch với TCTD và đượcTCTD chứng nhận sở hữu tiền gửi tiết kiệm theo pháp luật ngân hàng.

Do đó, khi chủ sở hữu thẻ tiết kiệm thực hiện các giao dịch về tiền gửi tiết kiệm thì chỉ cần chữ ký của chính người đó đối với thẻ tiết kiệm đứng tên trên các chứng từ giao dịch với TCTD.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (Khoản 1 Điều 32) và quy định của Bộ luật Dân sự về quyền của Chủ sở hữu tài sản (chủ sở hữu có các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản). Thực tế, để thuận tiện, các cá nhân cũng mong muốn chỉ cần vợ hoặc chồng đại diện thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán.

Mặt khác, khi TCTD nhận cầm cố/ thếchấp Thẻ tiết kiệm mà mời vợ/chồng của người đứng tên trên thẻ tiết kiệm để tìm hiểu đó là tài sản chung hay tài sản riêng sẽ dẫn đến việc các TCTD sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc bảo mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 14 Luật các TCTD2010.

Với cách hiểu của Tòa án nêu trên sẽ dẫn đến hệ lụy là mọi giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng (tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản tiền gửi thanh toán) đều cần có ý kiến định đoạt của bên vợ hoặc chồng của khách hàng giao dịch. Với số lượng (đến hàng triệu) tài khoản tiết kiệm, thanh toán, nếu bắt buộc phải thực hiện theo quy định trên sẽ dẫn đến rất nhiều người sẽ phải đến thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, tăng chi phí, thủ tục cho TCTD và cả khách hàng, ngược với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân của Đảng, Chính phủ.

Ngoài ra, hoạt động của các TCTD sẽ gặp rất nhiều rủi ro và nguy hiểm, khi có nhiều cá nhân nhân danh đồng sở hữu tài sản để tranh chấp với các TCTD khi xử lý tài sản bảo đảm là số tiền trong tài khoản tiền gửi. Việc tranh chấp này sẽ không chỉ dừng lại đối với nghiệp vụ cho vay như đã nêu trên, mà còn có thể rủi ro ngay cả cho hoạt động nhận tiền gửi. Cụ thể, người đứng tên trên sổ/thẻ tiết kiệm (chủ sở hữu) đã rút tiền tiết kiệm, nhưng vợ/chồng của người đó khiếu nại với TCTD về quyền sở hữu sổ/thẻ tiết kiệm và yêu cầu TCTD phải chịu trách nhiệm trong việc cho phép một mình người đứng tên trên sổ/thẻ tiết kiệm được toàn quyền rút tiền. Điều này, sẽ rất nguy hiểm cho hoạt động nhận tiền gửi của các TCTD trên diện rộng.

6. Về thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ của bên thứ ba:

Theo quy định tại Điều 309, 317 BLDS 2015, Ðiều 326, 342 BLDS 2005, thì bên cầm cố, thế chấp có quyền dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, không hạn chế đó là nghĩa vụ của mình hay của người khác. Đồng thời, theo quy định tại Điều 336 BLDS 2015 về phạm vi bảo lãnh đã quy định thêm nội dung bên bảo lãnh có thể sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình giải quyết tranh chấp của các Tòa án chưa có quan điểm thống nhất chấp nhận giao dịch bảo đảm dưới hình thức cầm cố, thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho người khác (bên thứ ba); Thực tế thời gian qua một số Tòa án địa phương đã có quan điểm Hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản để bảo đảm nghĩa vụ của bên thứ ba là không đúng quy định của BLDS với lý do là biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ của bên thứ ba phải là biện pháp “Bảo lãnh” nên đã tuyên hợp đồng này vô hiệu.

Các TCTD cho rằng quan điểm trên chưa phù hợp cả về pháp lý và thực tiễn, trái với ý chí tự nguyện và quyền dân sự, lợi ích phát sinh từ quyền dân sự của các bên tham gia giao dịch. Các phán quyết này sẽ tạo ra tiền lệ xấu về mặt pháp lý và kinh tế, khi bên thứ ba (bên thế chấp) lợi dụng để yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất của bên thứ ba vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với TCTD (bên nhận thế chấp) và hệ quả tiếp theo là có thể dẫn đến vô hiệu hàng loạt hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba trong toàn hệ thống ngân hàng.

7. Về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án:

Điều 14 Nghị quyết 42 quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn hoàn trả là trong giai đoạn nào của vụ án dẫn đến thời hạn hoàn trả phụ thuộc vào nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong thời gian kê biên, phong tỏa thì ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo hợp đồng bảo đảm, nhiều trường hợp chỉ khi có quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật thì các TCTD mới thực hiện được quyền xử lý thông qua hoạt động thi hành án. Việc này làm giảm hiệu quả xử lý nợ xấu của TCTD (mất cơ hội xử lý, mất nhiều thời gian, với một số tài sản bảo đảm có thể làm giảm giá trị, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của ngân hàng).

8. Về việc xác định, triệu tập Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, tiêu chí xác định không cụ thể như thế nào “Là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ…” . Do đó, trong thực tế việc xác định, triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án liên quan đến tài sản đang bảo đảm tại TCTD nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể:

Tòa án không xác định TCTD là người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan, nên không xác minh thông tin tài sản đang được thế chấp/cầm cố tại TCTD hoặc không xác định đầy đủ các đương sự khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên không triệu tập TCTD hoặc không triệu tập đầy đủ các đương sự khác tham gia tố tụng, dẫn đến Quyết định/Bản án đối với các tài sản bảo đảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của TCTD cũng như các đương sự khác, dẫn đến khiếu kiện và nhiều trường hợp buộc phải giải quyết theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm.

9. Về việc người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch với chính mình:

Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Trên thực tế, nhiều trường hợp cá nhân dùng tài sản riêng của mình bảo đảm cho nghĩa vụ của pháp nhân do mình là đại diện, thì khi giao kết giao dịch bảo đảm và giao dịch vay vốn, cá nhân có tài sản đã tham gia (ký kết trên các hợp đồng) với 2 tư cách vừa là bên bảo đảm vừa là đại diện của bên vay vốn trong hợp đồng bảo đảm và hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, có số trường hợp Tòa án cho rằng Hợp đồng này đã vi phạm pháp luật theo Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 (giao dịch dân sự với chính mình). Các TCTD cho rằng quan điểm trên là chưa phù hợp với tinh thần của pháp luật. Vì lẽ, mặc dù trong từng hợp đồng trên cá nhân ký với hai tư cách vừa nhân danh chính mình vừa là đại diện cho bên vay vốn, nhưng ở mỗi hợp đồng, cá nhân trên không giaodịch với chính mình mà là giao dịch với TCTD. Cụ thể:

- Đối với hợp đồng bảo đảm là giao dịch giữa bên thế chấp (chủ tài sản) với bên nhận bảo đảm (TCTD), hợp đồng này không điều chỉnh, xác lập và thực hiện giao dịch vay vốn. Do vậy, hợp đồng bảo đảm nhằm xác lập giao dịch giữa bên thế chấp (chủ sở hữu) và Chủ tài sản. Việc yêu cầu cá nhân ký trên hợp đồng này với tư cách là bên vay vốn chỉ là “thủ tục thừa” không phải là trường hợp cá nhân đó giao dịch với chính mình như quy định tại điều luật đã dẫn;
- Tương tự đối với hợp đồng tín dụng là giao dịch giữa TCTD với bên vay vốn,hợp đồng này không điều chỉnh, xác lập và thực hiện đối với giao dịch bảo đảm. Do vậy, việc cá nhân ký trên hợp đồng này với tư cách là bên bảo đảm cũng chỉ là “thủ tục thừa” không phải là trường hợp cá nhân đó giao dịch với chính mình như quy định tại điều luật đã dẫn.

10. Về trường hợp nhiều tài sản bảo đảm cho một khoản vay và ngược lại:

Khoản 1 Điều 293 BLDS 2015 quy định: “Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại”. Bên cạnh đó, Điều 296 BLDS 2015 cũng quy định: “Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản”.

Theo đó, không có quy định bắt buộc phải xác định mỗi tài sản có nghĩa vụ là bao nhiêu trong nghĩa vụ chung của bên được bảo đảm. Tuy nhiên, có thể xuất phát từ bên bảo đảm nên nhiều trường hợp Tòa án yêu cầu TCTD phải xác định tỷ lệ bảo đảm của từng tài sản trên khoản nợ chung, trong khi Hợp đồng bảo đảm không có thỏa thuận về việc này mà thỏa thuận dùng tài sản đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ.

Các TCTD thấy rằng: Yêu cầu trên của Tòa là không có căn cứ, trái với thỏa thuận(hợp pháp) của các bên trong hợp đồng bảo đảm và không tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên theo tinh thần Bộ luật Dân sự 2015.

11. Về việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm:

Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.

Trên thực tế, một số Tòa án yêu cầu phải thực hiện thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ đối với mọi loại tài sản bảo đảm. Trường hợp không thực hiện được thủ tục này Tòa án đề nghị TCTD phải rút yêu cầu giải quyết đối với các tài sản này thì mới tiếp tục xem xét giải quyết vụ án.

Thực tiễn cho thấy, quan điểm giải quyết như trên của Tòa án là cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, việc“xem xét, thẩm định tại chỗ” chỉ thực sự cần thiết, phù hợp với một số loại TSBĐ như bất động sản, các loại động sản có tính ổn định cao như dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị đồng bộ…, không phù hợp với một số loại TSBĐ có hình thái đặc thù, hoặc biến đổi như hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc thường xuyên di chuyển mà TCTD không kiểm soát được như ôtô, xe chuyên dùng…

Đồng thời, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và nghĩa vụ chịu chi phí này mặc dù đã được quy định tại các Điều 155, 156, 157 và 158 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nhưng trường hợp Tòa án quyết định việc xem xét thẩm định tại chỗ, thì TCTD phải nộp tiền tạm ứng chi phí (Khoản 2 Điều 156) mà không quy định trong trường hợp này đương sự nào phải chịu chi phí, nên đã phát sinh trường hợp TCTD (với tư cách là nguyên đơn) là người nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, mặc dù yêu cầu khởi kiện được Tòa án chấp thuận nhưng Bản án lại không tuyên hoàn trả tiền tạm ứng cho TCTD đã nộp, dẫn đến TCTD “bị” xác định là người chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, nhưng không có căn cứ để hạch toán.

12. Về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng:

Với việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng là đòi hỏi của thị trường và xu thế của thời đại, đến nay các TCTD đã triển khai nhiều giao dịch bằng phương tiện điện tử như các giao dịch chuyển tiền qua internet, các giao dịch gửi nhận hồ sơ qua email có gắn chữ ký số, xác nhận giao dịch bằng phương tiện điện tử, điện thoại… Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định về nguồn chứng cứ trong đó có “dữ liệu điện tử” và “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.” (Điều 95).

Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng các dữ liệu điện tử trong quá trình giải quyết vụ án.

13. Về thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng:

Theo Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP qui định về xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản:

“1. Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn; Hợp đồng vay tài sản vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án căn cứ quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này”.

Thực tiễn, có Tòa án khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng chỉ chấp nhận tính lãi suất quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm Hợp đồng đối với vi phạm khác ngoài hành vi không trả nợ đúng hạn vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm là “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”.

Các TCTD cho rằng việc căn cứ vào hướng dẫn trên để không chấp nhận tất cả các thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng là chưa phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (trừ  vi phạm về nghĩa vụ trả nợ, thì nội dung thỏa thuận về phạt vi phạm khác trong hợp đồng tín dụng vẫn có hiệu lực và phải được tôn trọng).

14. Về việc đình chỉ thi hành án tài sản của bên thứ ba trong quá trình giải quyết phá sản:

Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của bên thứ ba mà bên được bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm đó và xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị tòa án có thẩm quyền giải quyết trong quá trình giải quyết phá sản theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, Nghị quyết 03 chưa hướng dẫn về việc xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba tại Cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình giải quyết phá sản.

Thực tiễn đã nảy sinh nhiều trường hợp lợi dụng các quy định pháp luật để trì hoãn nghĩa vụ phải thi hành án bằng tài sản của bên thứ ba, làm cho thời gian xử lý thu hồi khoản nợ xấu của TCTD bị kéo dài, thông qua việc nộp đơn yêu cầu phá sản.

Thứ hai: Nhóm các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính tố tụng

1. Về hồ sơ khởi kiện:

Theo quy định hiện nay, cùng Đơn khởi kiện TCTD phải cung cấp các tài liệu pháp lý của Ngân hàng như (i) Giấy phép thành lập và hoạt động; (ii) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; (iii) Điều lệ tổ chức và hoạt động; (iv) Quyết định uỷ quyền tham gia tố tụng và các văn bản khác theo yêu cầu của Toà án (như Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT/Tổng Giám đốc - là người đại diện theo pháp luật). Tuy nhiên, dung lượng các tài liệu này là khá lớn (có thể lên đến hàng trăm trang - đặc biệt là Điều lệ Ngân hàng).

Hoạt động này phát sinh chi phí khá lớn về in ấn tài liệu và nhân lực phục vụ việc in ấn giao nộp cho Tòa án. Xét thấy, có thể giải quyết được sự lãng phí trên, nếu được ngành Tòa án chấp nhận giải pháp dưới đây.

2. Về việc gửi văn bản tố tụng:

Hiện nay khi các TCTD khởi kiện khách hàng để xử lý nợ thì thông thường sẽ uỷ quyền cho Chi nhánh (đơn vị trực tiếp quan hệ với khách hàng) đại diện tham gia tố tụng trong toàn bộ quá trình khởi kiện. Mặc dù tại Đơn khởi kiện đã nêu rõ việc uỷ quyền cũng như đầu mối liên hệ của TCTD (đại diện của Chi nhánh; địa chỉ Chi nhánh; số điện thoại liên hệ) để Toà án gửi các Thông báo, Giấy triệu tập, văn bản tố tụng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì các Toà án đều gửi các văn bản thông báo, quyết định tố tụng về trụ sở chính của TCTD, làm mất khá nhiều thời gian của các TCTD do phải truy cứu xem vụ việc phát sinh tại Chi nhánh nào để chuyển tiếp văn bản cho Chi nhánh đó, đặc biệt là nhữngTCTD có số lượng chi nhánh lớn và phát sinh nhiều tranh chấp. Trong khi đó, tại các văn bản thông báo tố tụng của Toà án không nêu rõ thông tin liên lạc của Thẩm phán phụ trách giải quyết hoặc thư ký như địa chỉ email, số điện thoại cơ quan… để các TCTD có thể liên hệ tìm hiểu thông tin vụ việc phát sinh tại Chi nhánh nào.

3. Về thời hạn giải quyết vụ án:

- Bộ luật TTDS đã có quy định cụ thể về thời gian tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, ban hành các văn bản, thông báo về việc xử lý đơn. Nhưng trên thực tế, giai đoạn từ thời điểm nhận đơn đến khi được thụ lý bị kéo dài từ lúc phân công thẩm phán đến khi thẩm phán xem xét đơn và có các thông báo về việc xử lý đơn khởi kiện của TCTD.

Tòa án thường không xem xét để nhận đơn/ thụ lý vụ án trong khoảng thời gian từ tháng đến hết tháng 9 hàng năm, gây chậm trễ và ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết khoản nợ của các TCTD- Có trường hợp Tòa án ra quyết định hoãn xét xử nhiều lần (nhiều hơn so với quyđịnh của luật) dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

- Hay trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm chậm hoàn thiện hồ sơ để chuyển lên cấp phúc thẩm trong các trường hợp có kháng cáo/kháng nghị cũng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết khoản nợ của các TCTD.

4. Về việc gửi Bản án/Quyết định cho ngân hàng:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (phần phiên tòa sơ thẩm) thì “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp”; Khoản 1 Điều 315 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (phần phiên tòa phúc thẩm) quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều Tòa án đã không thực hiện nghĩa vụ gửi Bản án/quyết định cho các TCTD; thậm chí trong phần quyết định của Bản án/Quyết định có một phần quyết định liên quan đến trách nhiệm của TCTD (liên quan đến phần nghĩa vụ dân sự trong vụ án hình sự) nhưng sau khi xét xử vụ án Tòa án vẫn không thực hiện việc gửi Bản án/quyết định cho TCTDg; dẫn đến việc Ngân hàng gặp khó khăn trong quá trìnhthực hiện/Thi hành án.

Để có cơ sở thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thi hành án, với những trường hợp như thế này, TCTD đã chủ động liên hệ với cơ quan thi hành án để đề nghị cung cấp Bản án, quyết định đang được đề nghị thi hành án để đảm bảo quyền lợi của mình.

5. Về thụ lý và triệu tập Ngân hàng tham gia tố tụng:

Thực trạng hiện nay cho thấy hầu hết các Tòa án khi gửi Thông báo thụ lý/Giấy triệu tập/Giấy mời cho Ngân hàng đều chỉ ghi mỗi tên của Khách hàng (không có thôngtin về Chứng minh nhân dân hay Chi nhánh - Phòng giao dịch nào đang quản lý khoản vay của Khách hàng). Điều này dẫn đến Ngân hàng rất khó khăn để tìm được thông tin của Khách hàng do Chi nhánh/Phòng giao dịch nào quản lý. Vì thế khi nhận được Thông báo, yêu cầu của Tòa án, Ngân hàng phải rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin khách hàng vì số lượng khách hàng tại Ngân hàng rất lớn. Với những trường hợp Tòa án cung cấp thông tin cần liên hệ, Ngân hàng đã chủ động liên hệ với Tòa án, để đề nghị Tòa án cung cấp đầy đủ các thông tin về khách hàng trong vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế không phải Tòa án nào cũng tạo điều kiện để hỗ trợ, nhiều Tòa án còn gây khó khăn thậm chí yêu cầu Ngân hàng phải trực tiếp đến trụ sở của Tòa án thì mới thực hiện việc cung cấp thông tin, gây khó khăn/mất rất nhiều thời gian của Ngân hàng dẫn đến việc Ngân hàng chậm xử lý các yêu cầu của Tòa án. Điều này còn có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.

Mặt khác, tại các văn bản tố tụng Tòa án không cung cấp hoặc để lại thông tin cho Ngân hàng liên hệ khi cần thiết; điều này đã gây ra khó khăn cho Ngân hàng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

6. Về địa chỉ người bị kiện:

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 4/2017/NQHĐTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn Điều 192 BLTTDS về trường hợp người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi trụ sở của người bị kiện (theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản) thì tòa án phải xem xét thụ lý đơn khởi kiện theo quy định.

Nhưng thực tế vẫn có trường hợp thẩm phán yêu cầu TCTD phải cung cấp tài liệu liên quan đến địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có xác nhận của chính quyền địa phương, nếu không cung cấp được thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Trong khi đó, TCTD không thể cung cấp tài liệu này do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình trốn tránh, có nhiều nơi cư trú khác nhau nên không có căn cứ xác định đâu là nơi cư trú/tạm trú gần nhất/cuối cùng của những đương sự này; hoặc nhiều nơi chính quyền địa phương không xác nhận các thông tin trên cho TCTD vì đây là thông tin cá nhân, TCTD không phải là cơ quan có thẩm quyền và không có quy định nào bắt buộc Chính quyền địa phương phải cung cấp thông tin cho TCTD.

7. Vướng mắc khác:

a) Khi vay vốn TCTD, khách hàng có thể ký nhiều hợp đồng với các mục đích khác nhau (vay để bổ sung vốn kinh doanh, vay tiêu dùng…) với cùng một tài sản bảo đảm, có trường hợp vợ chồng ký hợp đồng vay vốn sau đó vợ hoặc chồng mở thêm thẻ tín dụng (chỉ đứng tên 1 người). TCTD thường khởi kiện chung trong 1 đơn khởi kiện đề nghị Tòa giải quyết nhưng Tòa án thường không chấp nhận thụ lý trong cùng 1 vụ án với lý do hai khoản vay có mục đích khác nhau nên là hai loại việc khác nhau (dân sự, thương mại). Việc này gây khó khăn cho các TCTD bởi 2 khoản vay dù khác mục đích nhưng chung khách hàng (cùng bị đơn), chung tài sản bảo đảm (cùng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). Nếu TCTD khởi kiện thành 02 vụ án riêng thì có thể có 02 bản án/quyết định đó không thể tuyên cùng lúc, khiến cho việc yêu cầu thi hành án cũng khó khăn do chỉ có 01 TSBĐ chung cho các khoản vay.

b) BLTTDS có quy định về việc nhập vụ án có liên quan trong cùng 1 tòa án nhưng chưa có quy định về việc nhập vụ án từ các tòa án khác nhau.
Thực tiễn phát sinh trường hợp khách hàng/bên thế chấp đã khởi kiện những vụ án khác tại tòa án khác, nhưng nội dung vụ án đều có liên quan đến tài sản bảo đảm để cố tình kéo dài quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của TCTD (chẳng hạn vụ án tranh chấp các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng trước khi giao kết hợp đồng thế chấp) trong khi vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng do TCTD khởi kiện đã được một tòa án thụ lý theo đúng quy định. Lúc này, một trong hai vụ án sẽ phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giải quyết của vụ án kia mà không có quy định để nhập hai vụ án để giải quyết trong cùng một vụ án. Việc giải quyết lần lượt từng vụ án sẽ làm tốn nhiều thời gian để xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ vay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của TCTD. Bên cạnh đó, quy định như trên sẽ tạo những tiền lệ xấu để khách hàng cố tình chây ỳ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các TCTD.

c) Trong một số Hợp đồng tín dụng có quy định về thỏa thuận lựa chọn Tòa án giải quyết là nơi đặt trụ sở của nguyên đơn. Tuy nhiên, TCTD không vận dụng quy định này mà vẫn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú và đã được thụ lý vụ án.

Trong quá trình giải quyết, Tòa án lại căn cứ thỏa thuận trên để chuyển vụ án về Tòa án nơi đặt trụ sở của nguyên đơn nhưng Tòa án bị chuyển đã không nhận và lại chuyển trả lại vụ án.

- Hoặc trường hợp có nhiều bị đơn cư trú ở nhiều nơi khác nhau thì Tòa án đã thụ lý giải quyết lại chuyển thẩm quyền cho Tòa án nơi bị đơn còn lại đang cư trú.

- Hoặc trường Hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án tiến hành xác minh địa chỉ cư trú của bị đơn thì phát hiện bị đơn đã không còn cư trú trên địa bàn giải quyết của tòa.

Tòa án ra quyết định chuyển vụ án đến Tòa án mà bị đơn cư trú. Tuy nhiên, Tòa nhận hồ sơ chuyển lại từ chối tiếp nhận vì Tòa án trước đã thụ lý giải quyết rồi.

d) Trong một số vụ án, TCTD khởi kiện tranh chấp HĐTD, HĐTC, trong đó có nhiều TSBĐ để bảo đảm cho một khoản vay và trong quá trình giải quyết, một hoặc một số TSBĐ được TCTD giải chấp và rút các TSBĐ đó khỏi vụ án.
Mặc dù TCTD đã rút TSBĐ khỏi yêu cầu khởi kiện theo quy định nhưng Tòa án vẫn giữ những người có liên quan đến TSBĐ đã rút (bên thế chấp, người đang sinh sống, quản lý và sử dụng thực tế tài sản…) là đương sự tham gia vụ án mà không ban hành Quyết định đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện và rút tư cách của những người liên quan đến TSBĐ đã rút khỏi yêu cầu khởi kiện khiến cho thủ tục tố tụng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Trong khi, việc có mặt những người này cũng không ảnh hưởng đến nội dung giải quyết vụ án đối với TSBĐ còn lại trong vụ án; mà ngược lại là không cần thiết và chỉ khiến thủ tục tố tụng trở nên rườm rà. (VD: Trường hợp TSBĐ của mình đã được giải chấp, rút khỏi vụ án nên những người liên quan đến TSBĐ sẽ không đến tòa theo triệu tập, không nhận các văn bản do Tòa án tống đạt, dẫn đến việc Tòa án phải niêm yết…. hoặc có trường hợp người liên quan đã xác nhận/đồng thuận với việc rút TSBĐ nhưng vẫn phải tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cho đến khi vụ án được xét xử).

Tham luận của Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay