Sáng ngày 25/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đạt 90.37/100 điểm và nằm trong trong nhóm 3 Bộ dẫn đầu Par index 2021.
Kết quả PAR INDEX năm 2021 được phân loại thành 3 nhóm điểm, kết quả trên 90% gồm 3 bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và NHNN; chỉ số trên 80% đến dưới 90% có 13 cơ quan; dưới 80% có 1 cơ quan. Trong chỉ số PAR INDEX năm 2021 của NHNN, chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC tiếp tục xếp thứ nhất; các chỉ số thành phần về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính tiếp tục giữ thứ hạng cao trong nhóm 3 Bộ dẫn đầu.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Dù gặp không ít khó khăn nhưng NHNN vẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu CCHC theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 với trọng tâm là hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho hoạt động của các TCTD; cùng với đó là sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của NHNN tinh gọn, hoạt động công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả; chuyển đổi phương thức làm việc trên môi trường điện tử dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.
Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm trong toàn Ngành, cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước đều đạt được những kết quả rõ nét tích cực. Bằng những kết quả CCHC, đã tạo được những công cụ hữu hiệu để NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện thành công chính sách tiền tệ, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19; qua đó củng cố niềm tin của người dân vào các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ vững giá trị đồng bản tệ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo SBV