Thứ tư, 06/11/2024
   

Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh

Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gồm hai nguồn chính là vốn bên trong và vốn bên ngoài doanh nghiệp. Trong đó, vốn tín dụng ngân hàng là nguồn bên ngoài tài trợ quan trọng cho DNNVV, giúp các doanh nghiệp này mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, phản ứng linh hoạt trước những biến động

Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gồm hai nguồn chính là vốn bên trong và vốn bên ngoài doanh nghiệp. Trong đó, vốn tín dụng ngân hàng là nguồn bên ngoài tài trợ quan trọng cho DNNVV, giúp các doanh nghiệp này mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, phản ứng linh hoạt trước những biến động của nền kinh tế.

Bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, đồng thời liên hệ với thực tiễn TP. Hồ Chí Minh.

Nhóm các nhân tố thuộc về DNNVV

Thứ nhất, năng lực của lãnh đạo doanh nghiệp và đội ngũ cố vấn.

Trình độ của người lao động, đặc biệt là của chủ DNNVV là yếu tố khiến ngân hàng thương mại (NHTM) lo ngại khi cấp tín dụng cho DNNVV. Năng lực của lãnh đạo DN là yếu tố căn bản quyết định đến sự thành công của DNNVV. Những doanh nhân có nền tảng giáo dục cao ít gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng vì họ có khả năng quản lý, khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn, trình bày thông tin tài chính, kế hoạch kinh doanh và duy trì mối quan hệ với NHTM tốt hơn, ngày càng giúp DNNVV hoạt động hiệu quả hơn. Khi chủ DN có kinh nghiệm và trình độ thì khả năng tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng sẽ cao hơn.

Thứ hai, mối quan hệ củadoanh nghiệp.

Mối quan hệ của doanh nghiệp cần duy trì để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là mối quan hệ với NHTM, chính quyền địa phương, và các doanh nghiệp khác… Khi các DNNVV có ít mối quan hệ thì dẫn đến các NHTM thiếu tin tưởng DNNVV khi cấp tín dụng và đặt mối quan hệ tín dụng lâu dài.

Khi DNNVV có mối quan hệ tốt với NHTM sẽ giúp NHTM có nhiều thông tin hơn về doanh nghiệp, giúp cho NHTM nắm được tình hình tài chính và kiểm soát dòng tiền của DNNVV, qua đó giám sát và đảm bảo khả năng trả nợ của DNNVV, đảm bảo an toàn vốn cho NHTM. Mối quan hệ này thể hiện việc DNNVV thường xuyên có các giao dịch, sử dụng các dịch vụ của NHTM thì sẽ dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn. Nếu doanh nghiệp không có hoặc có thời gian giao dịch với NHTM ngắn thì NHTM sẽ thiếu các thông tin minh bạch về DNNVV, thiếu sự tin tưởng khi NHTM xem xét cấp tín dụng cho DNNVV.

Thứ ba, tài sản đảm bảo tiền vay.

Một trong những lý do dẫn đến việc DNNVV khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là do thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch... DNNVV có tài sản thế chấp có giá trị và có tính thanh khoản cao là một lợi thế trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. NHTM thường dựa vào tài sản đảm bảo để cấp tín dụng cho DNNVV nhằm giảm thiểu rủi ro, tổn thất cho NHTM trong trường hợp DNNVV không trả được nợ; Mặt khác, giúp DNNVV có ý thức hơn trong việc thực hiện nghiêm túc những điều khoản ghi trong hợp đồng tín dụng.

Thứ tư, khả năng trả nợ củadoanh nghiệp.

Khả năng trả nợ của doanh nghiệp được thể hiện thông qua tính khả thi của dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh vay vốn, quy mô và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể:.

Tính khả thi của dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh: Khi dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV khả thi thì NHTM sẽ dựa vào đó để quyết định cấp tín dụng, quy mô tín dụng DNNVV sẽ được mở rộng. Đây còn là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng món vay, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của NHTM.

Quy mô của doanh nghiệp: được đánh giá qua tiêu chí về vốn, tài sản, số lao động hằng năm. Quy mô của DNNVV ảnh hưởng đáng kể đến năng lực tài chính của doanh nghiệp, do đó ảnh hưởng đến quyết định cấp tín dụng của NHTM.

Vốn chủ sở hữu: là một trong những chỉ tiêu quan trọng để NHTM đánh giá tiềm lực tài chính của DNNVV, chỉ tiêu này phản ánh khả năng gánh chịu thua lỗ và uy tín kinh doanh của doanh nghiệp. DNNVV muốn sản xuất kinh doanh hiệu quả thì phải cân đối hài hòa giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay. Mặt khác, NHTM cũng sẽ chỉ cấp tín dụng với một tỷ lệ nhất định so với nhu cầu vốn của DNNVV. Vốn tự có của doanh nghiệp tham gia vào dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh càng cao thì NHTM càng tin tưởng hơn khi cấp tín dụng cho DNNVV.

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp: Nếu DNNVV có tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm, doanh thu, lợi nhuận không tăng, thì rất khó thuyết phục được NHTM đồng ý tài trợ vốn. Khi DNNVV hoạt động kinh doanh có hiệu quả thì mới có khả năng thực hiện đúng các cam kết với NHTM.

Thứ năm, sự minh bạch tài chính củadoanh nghiệp.

Hệ thống thông tin tài chính kế toán tốt và đáng tin cậy là điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư góp vốn vào DNNVV. Khi sự minh bạch tài chính của DNNVV thấp sẽ dẫn đến tình trạng thông tin bất cân xứng, kết quả là thông tin về tình hình tài chính, khả năng sinh lợi và triển vọng lợi nhuận của DNNVV có thể được phản ánh không đầy đủ hoặc thiếu chính xác.

Thứ sáu, lịch sử vay nợ của doanh nghiệp.

Một tỷ số nợ hợp lý sẽ có tác dụng làm tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, qua đó cũng thể hiện được uy tín của DNNVV. Các DNNVV có tỷ lệ nợ thấp thì mức độ bảo vệ chủ nợ càng cao, khả năng tự chủ tài chính tốt. Nếu DNNVV có tỷ lệ nợ cao sẽ chịu áp lực thanh toán từ nhiều phía, từ đó làm giảm khả năng vay vốn NHTM.

Nhóm các nhân tố thuộc về ngân hàng thương mại

Thứ nhất, chính sách tín dụng đối với DNNVV.

Chính sách tín dụng của NHTM đối với DNNVV quy định về trình tự xử lý các bước trong một quy trình cấp tín dụng cho DNNVV, nhằm đảm bảo tính thống nhất thực hiện trong toàn bộ hệ thống ngân hàng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Khi chính sách tín dụng được xây dựng khoa học, hợp lý, hài hòa lợi ích giữa NHTM và doanh nghiệp sẽ giúp cho DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, qua đó giúp NHTM mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tín dụng, mang lại lợi nhuận cao cho NHTM.

Thứ hai, các khoản chi phí doanh nghiệp phải trả để có được quyền sử dụng vốn của NHTM.

Để có được quyền sử dụng vốn của NHTM, DNNVV phải trả những khoản chi phí như chi phí lãi vay, các khoản phí kèm theo khi vay vốn, chi phí hoàn thiện hồ sơ vay vốn và các khoản chi phí khác mà DNNVV phải bỏ ra để có thể tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Lãi suất cho vay là cái giá mà DNNVV phải trả cho NHTM để có được quyền sử dụng vốn tín dụng ngân hàng trong một thời gian nhất định. Với mức lãi suất cho vay hợp lý sẽ giúp DNNVV tiết kiệm được chi phí lãi vay, khuyến khích DNNVV vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nhóm các nhân tố khác

Thứ nhất, tính ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.

- Lãi suất biến động quá lớn trong một khoảng thời gian ngắn làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của DNNVV, làm DNNVV mất uy tín với NHTM và khó khăn trong các lần vay vốn tiếp theo.

- Các điều kiện cấp tín dụng của NHTM bị thắt chặt làm cho DNNVV khó có thể tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

- Bất ổn kinh tế vĩ mô thường đi cùng với tỷ lệ lạm phát cao và tỷ giá hối đoái biến động lớn. Điều này kéo theo lãi suất danh nghĩa tăng lên quá cao và thời hạn cấp tín dụng sẽ ngắn hơn, làm cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng khó khăn hơn.

Thứ hai, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Hệ thống pháp luật tác động đến DNNVV thông qua việc Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách điều tiết vĩ mô và các chính sách hỗ trợ DNNVV phát triển, trong đó có các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; từ đó có tác dụng khuyến khích hay hạn chế sự phát triển của DNNVV trong từng ngành nghề, từng vùng miền nhất định nhằm khai thác tốt hơn các nguồn lực của nền kinh tế.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

Cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, mặt bằng sản xuất, điện, hệ thống cấp thoát nước… có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV. Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì DNNVV sẽ giảm bớt được lượng vốn đầu tư ban đầu, giảm bớt chi phí khấu hao tài sản, chi phí vận chuyển,… cũng như tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp dễ dàng mở rộng được thị trường, tăng đối tác làm ăn qua đó nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ tư, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Các DNNVV rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc thành lập và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, một số nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV như vị trí kinh doanh của DNNVV, thái độ phục vụ khách hàng của NHTM, mức độ cạnh tranh giữa các NHTM, đạo đức xã hội, trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh của NHTM hay yếu tố môi trường như thời tiết, bệnh dịch,...

Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DN nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh

Tính đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ tín dụng của DNNVV tại các NHTM ở TP. Hồ Chí Minh đạt trên 620.000 tỷ đồng. Số dư nợ này chỉ đáp ứng được gần 60% nhu cầu vay vốn của các DNNVV trên địa bàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu tập trung vào các nhân tố như đã phân tích ở phần trên. Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025, ngày 20/7/2020 UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 1292/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và Nhà nước cho các đối tượng doanh nghiệp này. Theo đó, Thành phố xác định tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần tập trung tháo gỡ rào cản vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục khơi thông và tạo động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín dụng doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong giai đoạn 2020 - 2025, chương trình tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV thông qua các hoạt động như: Tổ chức cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp hàng năm. Tổ chức hội nghị kết nối chuyên đề, ngoài các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay trong khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của thành phố; bổ sung chương trình kết nối, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV với lãi suất ưu đãi, hợp lý.

Ngày 11/5/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 1585/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2021 - 2025. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ cho DNNVV có đầy đủ các yếu tố pháp lý để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tác giả Lê Anh Quang - Viện Đào tạo Chất lượng cao, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh. Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022

Tài liệu tham khảo:

1. Học viện Ngân hàng, Giáo trình tín dụng ngân hàng, 2020;

2. Ngân hàng Nhà nước, www.sbv.gov.vn;

3. Cổng thông tin điện tử TP. Hồ Chí Minh, https://tphcm.chinhphu.vn/

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay