Thứ ba, 16/07/2024
   

Ngân hàng và doanh nghiệp cần sự "chung thủy"

Đây là chia sẻ của một số chuyên gia thảo luận tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" do Thời báo Ngân hàng tổ chức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì ngày 25/7
Ngân hàng
Vay có trách nhiệm là yếu tố giúp doanh nghiệp hấp thụ được nhiều hơn tín dụng từ ngân hàng
Khó khăn liên tục “bủa vây”

Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp tại Hội thảo, ông Vũ Công Huân – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn HDC cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, mảng xuất khẩu thực sự khó khăn, giảm 25-27% về đơn hàng.

Mặc dù giá nguyên vật liệu hiện tại giảm 30-35% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là nguồn vốn để bán được hàng. Với số đơn hàng hiện tại, lượng cung cấp của doanh nghiệp chỉ đạt 35%.

Nhìn rộng ra cộng đồng doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đối mặt với khó khăn tứ phía. Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, 60% doanh nghiệp cho rằng khó khăn đầu tiên là đơn hàng sụt giảm. Một khi đơn hàng sụt giảm rõ ràng sẽ khiến doanh nghiệp vay vốn về cũng không biết phải làm gì; cầu sản xuất, tiêu dùng đều giảm thì rõ ràng cầu tín dụng sẽ giảm. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới thì rõ ràng cầu tín dụng đang khó khăn.

Để đáp ứng nhu cầu vốn với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp khi cần, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngân hàng thực hiện cho vay, hỗ trợ theo Nghị quyết 31 của Chính phủ là 16.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất là 5.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ là gần 70 tỷ đồng; với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, BIDV có gói 30.000 tỷ đồng, cho đến nay đã tiếp cận 10 dự án và đến nay đã cấp tín dụng cho 3 dự án. Nhận thấy nhà ở thương mại giá thành thấp, trung bình đang là một nhu cầu, ngân hàng đã có thêm một gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất hợp lý đối với chủ đầu tư và người mua nhà.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã ban hành 25 gói tín dụng với tổng quy mô lên tới 450.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thị trường từ 0,5 – 2%/năm tuỳ theo từng đối tượng, 4 lần hạ lãi suất cho vay, 4 lần hạ lãi suất sàn từng bước hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Không những cung cấp giải pháp tài chính, BIDV còn hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo một không gian để các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ nhau về đơn hàng, thị trường, tổ chức nhiều hội thảo nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị của doanh nghiệp…

Đưa ra một số giải pháp khác ngoài lãi suất để doanh nghiệp tăng sức hấp thu vốn, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết, đơn vị đang triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp. Ngoài nguồn ngân sách, đơn vị kết hợp với các tổ chức quốc tế, sử dụng nguồn lực quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị tài chính, dòng tiền, thiết kế các sổ tay quản trị, tổ chức các sự kiện kết nối, tư vấn 1-1 với doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vay vốn thành công tại các ngân hàng thương mại.

Về phía cầu, đơn vị cũng phối hợp với 12 ngân hàng quỹ đầu tư, đào tạo cán bộ tín dụng, thiết kế sản phẩm, mời các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, giúp cán bộ tín dụng hiểu hơn về các ngành đó để ngân hàng hiểu hơn về doanh nghiệp và thiết kế sản phẩm phù hợp với các doanh nghiệp.

Ngân hàng

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo
Lời giải phải đến từ các bên

Dẫu đã có nhiều giải pháp nhưng đại diện một số ngân hàng mong muốn được ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, chấp nhận một phần rủi ro hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi phân tích, hiện tại ngân hàng khá khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tốt, có khả năng trả nợ, xác định được đúng dòng tiền để mở rộng tín dụng.

Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân với lãi suất nhất định cộng với chi phí nhất định để cho vay, vì vậy giảm lãi suất cũng phải có thời gian, lộ trình.

Doanh nghiệp muốn thủ tục phải đơn giản, không cần yêu cầu tài sản đảm bảo thì vay phải có trách nhiệm, cho vay có trách nhiệm thì vấn đề tài sản đảm bảo không còn nặng nề nữa. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn khi doanh nghiệp chưa thực sự tạo được niềm tin, uy tín, khả năng trả nợ cả gốc lẫn lãi thì tài sản đảm bảo vẫn là một điều được rất ra. Bên cạnh đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được phát huy và đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cũng cho biết, có đến 80% doanh nghiệp lên tiếng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được địa phương triển khai hiệu quả, đặc biệt là chưa giải quyết được thực tiễn nảy sinh. Do đó, bên cạnh những nỗ lực từ doanh nghiệp, ngân hàng cần sự vào cuộc của địa phương, phát huy thực hiện và truyền thông chính sách. Nếu không tháo gỡ nút thắt về cơ chế, pháp lý thì sẽ rất khó để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Dưới góc độ ngân hàng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV chia sẻ, ngân hàng đặt mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng doanh nghiệp lại có quan hệ tín dụng với 5 - 7 ngân hàng khiến "nhà băng" hơi nản lòng trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vì ngân hàng khó khăn trong việc đánh giá, quản trị tài chính của doanh nghiệp chưa đảm bảo.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhìn nhận, tất cả các ngân hàng đều đang có những giải pháp hết sức hữu hiệu, coi khách hàng đang đứng “chung thuyền” để có những hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng truyền thống không phải khách hàng của 5-7 ngân hàng. Doanh nghiệp phải là doanh nghiệp "chung thuỷ". Trong bối cảnh này, lời khuyên đối với doanh nghiệp là tìm được ngân hàng tốt, sau đó “chung thủy” trên 1 con thuyền với 1 ngân hàng. Nếu không, không thể hy vọng ngân hàng cho vay không có tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, nhìn vào kinh tế thực hiện nay, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, động lực lớn nhất của nền kinh tế và doanh nghiệp hiện nay có lẽ là đầu tư công, quy mô lớn, nhu cầu của nền kinh tế cao sẽ tạo ra hoạt động rất sôi động để doanh nghiệp tạo ra cầu tín dụng. Một yếu tố khác là cần chú trọng vào thị trường tiêu dùng tức là làm sao tạo ra hoạt động kinh tế thực thay vì có hoạt động đầu cơ sẽ có thể tăng nguồn cung tín dụng.

Ở góc độ tín dụng cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Hùng nhìn nhận, ngân hàng chú trọng thanh khoản của doanh nghiệp, có những doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt nhưng họ có khó khăn thanh khoản nhưng cũng có doanh nghiệp khó khăn thanh khoản thể hiện là doanh nghiệp yếu kém. Do đó, ngân hàng cần nghiệp vụ để xác định lý do để bảo đảm ổn định hệ thống tài chính, điều chỉnh chuẩn mực cho vay hợp lý.

          

Ngay tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương, đại diện Công ty Cổ phần lâm nghiệp Hòa Phát đã gửi đến Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú câu chuyện của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp đã đầu tư trồng rừng được 5 năm hiện đã bắt đầu thu hoạch và có đơn hàng. Doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với người dân trồng rừng để thu mua sản phẩm về chế biến và có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa được giải ngân vì ngân hàng cần làm rõ lý do trước đây doanh thu ít. Thực tế trước đây doanh nghiệp còn phải đầu tư trồng rừng đến nay mới được thu mua gỗ, chế biến và có đơn hàng nên mới có doanh thu ít.

Trước chia sẻ trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đây là nhu cầu vốn rất chính đáng của doanh nghiệp. Hiện ngành Ngân hàng đã và đang triển khai gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm nghiệp, thủy sản được thông tin cụ thể trên website của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngay trong chiều ngày 25/7, đại diện doanh nghiệp có thể làm việc trực tiếp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế để được hướng dẫn và tiếp cận ngân hàng vay vốn.

          
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay