Thứ ba, 05/11/2024
   

Ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất, đồng hành cùng doanh nghiệp

Sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có hiệu lực từ 15/3/2023, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND.

Sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có hiệu lực từ 15/3/2023, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND.

Hinh anh giam lai suat

Trước đó, các NHTM cũng liên tục có những đợt hạ lãi suất huy động và cho vay (bên cạnh các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp linh hoạt, phù hợp trong điều kiện hiện nay

Ngày 14/3/2023, NHNN đã quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2023. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (gồm nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đây cũng là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh thực hiện giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây, đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ trong  ổn định mặt bằng của lãi suất. Việc NHNN tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời. Bên cạnh đó, tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm lãi suất cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát.

Đây cũng là động thái rất linh hoạt của NHNN trong bối cảnh USD đang yếu hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất ít đi và sớm hạ lãi suất trở lại ngay trong năm 2023, giúp giảm đáng kể áp lực đối với tỷ giá. Trên thị trường tiền tệ quốc tế, đồng USD liên tục đi xuống trong những ngày qua. Chỉ trong vòng 5 phiên từ ngày 8 đến 13/3, chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế đã giảm 2,3%, từ đỉnh cao gần 105,9 xuống 103,5.

Diễn biến trước mắt của USD trên thị trường quốc tế đang phần nào giúp chính sách điều hành thị trường ngoại hối của các nước bớt đi áp lực. Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm USD/VND trong sáng ngày 14/3 giảm thêm 20 đồng, mức giảm khá lớn trong hơn 6 tháng qua, trước khi tăng nhẹ 1 đồng lên mức 23.619 VND/USD vào sáng 15/3. Trong khi đó, ngày 15/3, nhà điều hành vẫn giữ nguyên tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch tại 23.450 - 24.780 VND/USD (mua vào - bán ra).

Ở trong nước, rủi ro vĩ mô tiếp tục giảm trong tháng 2 cũng tạo dư địa cho điều hành lãi suất của NHNN. Tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 2 có sự cải thiện rõ rệt so với tháng 1 cũng như cùng kỳ khi hoạt động sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Sản lượng sản xuất hồi phục sau 3 tháng giảm, với số đơn hàng mới và khách hàng mới đều tăng. Hoạt động xuất nhập khẩu mặc dù tăng yếu nhưng đã cải thiện hơn so với tháng trước và cùng kỳ. Ngoài ra, lĩnh vực bán lẻ duy trì tăng trưởng nhờ tín hiệu tích cực đối với nhóm ngành du lịch khi lượng khách từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc lần lượt tăng 247%, 88% và 16% so với tháng trước.

Hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh mạnh lãi suất tiết kiệm. Ngay cả nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) cũng tiếp tục giảm sâu lãi suất.

Từ ngày 16/3, VietABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức điều chỉnh giảm 0,5 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, tại sản phẩm có lãi suất cao nhất là tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh từ 9%/năm về mức 8,5%/năm. Các kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng đang được VietABank áp dụng mức lãi suất 8,6% so với 9,1%/năm trước đó. Trong khi các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng và 15 tháng cùng hưởng lãi suất 8,7%, cũng giảm 0,5 điểm %. Các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tại VietABank đang có lãi suất cao nhất ở mức 8,8%/năm.

Kienlongbank cũng điều chỉnh lãi suất giảm khoảng 0,2-0,4 % xuống dưới 9%/năm. Hiện lãi suất cao nhất tại nhà băng này chỉ còn 8,95%/năm, áp dụng cho hình thức gửi trực tuyến kỳ hạn 13 tháng.

Tại NCB, nhà băng này đã giảm khoảng 0,2-0,5 điểm % ở nhiều kỳ hạn, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 8,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng của nhà băng này cũng chỉ còn 8,55%/năm. Đặc biệt, kỳ hạn 60 tháng giảm sâu xuống 8,2%/năm.

Tại DongABank, từ ngày 16/3, ngân hàng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng xuống 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 7,9%/năm, thấp hơn trước khoảng 0,5%.

Hôm 14/3, nhóm ngân hàng Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) cũng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2%/năm. Những nhà băng này tiếp tục có lãi suất thấp nhất thị trường.

Trước đó, trong tháng 2/2023, các NHTM đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NHTM khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều NHTM đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.

Hơn 20 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay

Vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. Đồng thời, NHNN nghiêm cấm TCTD thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Theo báo cáo của các NHTM, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.

Cùng với giảm lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay, các NHTM còn có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, các NHTM chủ động tiếp cận DNNVV, triển khai đa dạng các gói sản phẩm, phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng như bảo lãnh, tài trợ thương mại, miễn phí dịch vụ thanh toán điện tử, phát triển các ứng dụng ngân hàng dành riêng cho DNNVV,... quy trình, thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp ngày càng đơn giản, phù hợp. Nhiều TCTD đã xây dựng thành công các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, tối ưu hóa việc phân tích, đánh giá, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp trước khi ra quyết định cho vay; thành lập riêng bộ phận chuyên quản lý về hoạt động cho vay đối với DNNVV; đồng thời, cho phép áp dụng đa dạng, linh hoạt các biện pháp về tài sản bảo đảm để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu tài sản bảo đảm của DNNVV.

Hiện nay, hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Các NHTM nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, khối NHTM cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Thời gian tới, trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (Nghị quyết số 01), NHNN cho biết, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể:

Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu.

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thông báo và định kỳ rà soát, xe xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường,... Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Về phía các doanh nghiệp, để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, cần có chiến lược kinh doanh bài bản, nâng cao năng lực quản trị, tìm kiếm thị trường, minh bạch tài chính. Đặc biệt, với các doanh nghiệp bất động sản, dự án cần đầy đủ pháp lý để quá trình thẩm định và giải ngân cho vay của NHTM được nhanh chóng hơn. Các Bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho doanh nghiệp. NHTM ứng dụng công nghệ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời NHTM cũng phải tuân thủ các quy định về cho vay, do đó không thể cho vay, tránh các hệ lụy về sau như nợ xấu hoặc vi phạm pháp luật về cho vay.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay