Thứ tư, 08/01/2025
   

Ngân hàng sẵn sàng cho các trung tâm tài chính

Khẳng định thị trường vốn và thị trường tiền tệ - ngân hàng là những cấu phần nền tảng để phát triển các trung tâm tài chính, lãnh đạo ngành Ngân hàng cam kết sẽ đồng hành với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào lộ trình xây dựng các trung tâm này tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về TTTC khu vực và quốc tế, phát biểu tại hội nghị
Cân nhắc nhiều mô hình pháp lý, nghiệp vụ mới

Tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam vừa được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, việc xây dựng các trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế và khu vực tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới và nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhận thức được việc phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ - ngân hàng là những cấu phần quan trọng mang tính nền tảng để tạo lập các TTTC, thời gian qua NHNN đã và đang nghiên cứu để triển khai các chính sách và lộ trình áp dụng về hoạt động ngoại hối, phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng... trong TTTC nhằm thu hút đầu tư nước ngoài; hướng tới phát triển TTTC vừa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Về cơ chế giám sát đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, Thống đốc cho rằng, trong TTTC sẽ thành lập các cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp. NHNN sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành phân tích, đánh giá tác động các chính sách ưu đãi đột phá, đưa ra các cách thức quản lý, điều hành phù hợp.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu. Thu hút đầu tư nước ngoài phải đi đôi với việc bảo đảm an toàn - an ninh tài chính quốc gia”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trước đó, trong buổi làm việc với NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12/2024, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng lưu ý, trong năm 2025, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng tại địa phương là chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành góp phần xây dựng TTTC quốc tế đặt tại TP. Hồ Chí Minh.

Phó Thống đốc đã “đặt hàng” NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu, đề xuất để tham mưu cho NHNN Việt Nam ban hành các chính sách, quy định về hoạt động NHTM trong TTTC quốc tế, phạm vi hoạt động của các fintech cũng như việc kết nối hệ thống ngân hàng ở TTTC quốc tế với phần còn lại của đất nước.

Được biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất lộ trình áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các TTTC. Trong đó, đối với nhóm chính sách cần triển khai áp dụng ngay, Bộ này đề xuất cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực fintech, đi kèm với phân cấp quyền quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro trong hoạt động fintech cho cơ quan quản lý, điều hành TTTC, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hoá, tiền mã hóa.

Về phía ngành Ngân hàng, hiện nay, NHNN đã trình Chính phủ hồ sơ Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Song song đó, dự thảo Thông tư quy định về triển khai Open API trong ngành Ngân hàng cũng đã và đang được xây dựng. Vì thế, trong thời gian tới, các cơ chế nghiệp vụ mới liên quan đến hoạt động tài chính ngân hàng tại các TTTC sẽ có cơ sở pháp lý để hệ thống TCTD đồng bộ triển khai.

Trông đợi tích hợp đồng bộ các cơ chế đặc thù

Ngoài việc đề xuất các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với lĩnh vực ngân hàng, fintech; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành một số quy định về đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán bù trừ chuyên biệt cho chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán của TTTC Việt Nam.

Cùng với đó, áp dụng thông lệ quốc tế về chuẩn mực kế toán, báo cáo tài chính, tiêu chuẩn ESG; cho phép các chủ thể trong TTTC được tự do lựa chọn chuẩn mực báo cáo tài chính. Trường hợp đã thực hiện theo thông lệ quốc tế thì không cần thực hiện theo quy định trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có ưu đãi (về thuế, phí) cho các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở, văn phòng đại diện đến TTTC tại Việt Nam. Về lâu dài, các bộ, ngành cần tham mưu Chính phủ nghiên cứu ban hành những cơ chế chính sách đặc thù về hoạt động ngoại hối trong TTTC; tạo cơ chế khuyến khích thành lập các công ty holding (có chức năng đầu tư vốn vào công ty khác); các sàn giao dịch chuyên biệt cho TTTC và triển khai các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm, tài sản mã hóa…

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để ban hành được các chính sách đặc thù như kể trên, nhiều quy định trong văn bản luật chuyên ngành, như: Luật Các TCTD, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Pháp lệnh ngoại hối, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh… đều sẽ phải xem xét bổ sung, điều chỉnh một số phạm vi, đối tượng áp dụng. Vì thế, thời gian tới, cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành để tích hợp, đồng bộ hóa bộ khung pháp lý áp dụng tại các TTTC quốc tế và khu vực.

Riêng đối với các ưu đãi đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các TTTC cần cơ chế ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng. Trong đó, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ miễn, giảm thủ tục đăng ký đầu tư, góp vốn kinh doanh; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Ngoài ra, các TTTC cũng cần có cơ chế cơ chế đặc thù để trực tiếp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, gia tăng cơ hội huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào hạ tầng, nhân lực tại các TTTC.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay