Ngân hàng Nhà nước đa hút mạnh tiền trên thị trường mở trong tuần từ ngày 26-30/12, với lượng tiền đã hút ròng từ thị trường hơn 102.633 tỷ đồng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 30/12, Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ tín phiếu hút mạnh tổng cộng 24.400 tỷ đồng trên thị trường mở với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao, so với mức 3,98%-4,39% cũng cho kỳ hạn 7 ngày trong tuần 19-23/12. Nó cho thấy, nỗ lực hút tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, trong phiên ngày 29/12, Ngân hàng Nhà nước hút tiền về ở mức cao kỷ lục nhiều tháng: 30.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, với lãi suất 5,19%. Trong phiên ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước cũng hút về 29.999,9 tỷ đồng. Tổng cộng trong tuần 26-30/12, Ngân hàng Nhà nước đã hút về gần 124.400 tỷ đồng, với lãi suất dao động từ 5,3%-6%/năm.
Ở chiều ngược lại, trong tuần 26-30/12, Ngân hàng Nhà nước duy trì bơm tiền qua hợp đồng repo giấy tờ có giá kỳ hạn ngắn (7 ngày) nhưng với tổng giá trị thấp hơn chiều bơm tiền khá nhiều. Trong cả 5 phiên giao dịch, Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường tổng cộng gần 41.906 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng trong tuần từ 26-30/12, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận 5 hợp đồng repo hồi giữa tháng 12 đáo hạn, với tổng trị giá gần 20.139 tỷ đồng.
Như vậy, trong tuần từ 26-30/12, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng từ thị trường hơn 102.633 tỷ đồng.
Trong tuần từ 19-23/12, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hút ròng từ thị trường gần 94.034 tỷ đồng. Hoạt động hút tiền của Ngân hàng Nhà nước trong nửa cuối tháng 12 diễn ra trong bối cảnh trong 2 tuần đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã có hoạt động bơm tiền trên thị trường mở với kỳ hạn dài qua Tết sau khi nâng room tín dụng (thêm 1,5-2% lên 15,5-16%) cho các ngân hàng và khuyến khích đẩy vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối và đầu năm mới. Việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền mạnh trở lại khi tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại và lạm phát vẫn khá cao.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước ngày 27/12, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Tú cho biết, định hướng trong năm 2023 tiếp tục là: kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong thời gian gần, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng trở lại sau khi giảm mạnh trước đó. Sau khi giảm hơn 5% từ đỉnh ghi nhận hôm 25/10, từ mức 24.888 đồng/USD (Vietcombank) xuống còn 23.630 đồng/USD hôm 15/12, tỷ giá USD/VND đã tăng trở lại lên 23.880 đồng/USD hôm 20/12 và ở quanh ngưỡng 23.800 đồng/USD trong cả tuần sau đó. Tuy nhiên, với hoạt động hút ròng mạnh liên tục từ 20-30/12, tỷ giá USD/VND đã giảm trở lại về 23.730 đồng/USD.
Dù vậy, trong nửa đầu 2023, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 2 lần và đây là áp lực đối với tỷ giá USD/VND. Một số công ty chứng khoán đưa ra dự báo, Ngân hàng Nhà nước có khả năng tăng lãi suất điều hành thêm 100-150 điểm phần trăm cho tới giữa 2023.
Tính tới ngày 30/12, so với đầu năm, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng 8,07%. Tuy nhiên, USD chỉ tăng hơn 3,5% so với đồng VND. Trên thị trường tự do, USD giảm mạnh từ mức đỉnh 25.500 đồng/USD (giá bán) hôm 1/11 về gần 23.820 đồng/USD hôm 30/12, tương đương giảm 6,6%).
Tỷ giá trung tâm cũng giảm mạnh. Hôm 30/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.612 đồng/USD, qua đó mức trần và sàn (+/-5%) được phép giao dịch là: 24.792 đồng và 22.431 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản trên hệ thống có dấu hiệu dồi dào, lãi suất qua đêm giảm xuống rất thấp.
Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong tuần 26-29/12 giảm từ mức 3,49% hôm đầu tuần về 2,81% hôm cuối tuần (thấp hơn lãi suất qua đêm Mỹ, ở mức 4,33%/năm hôm 21/12), và thấp hơn mức 3,77%-4,34% trong tuần 19-23/12 và 4,62-5,62%/năm trong tuần 12-16/12. Lãi suất qua đêm ghi nhận cao nhất hôm 5/10 với 8,44%. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6-9 tháng, ở mức 9,61%-10,91%/năm.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021.