Thứ tư, 06/11/2024
   

Ngân hàng Nhà nước chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ ổn định, hỗ trợ kiểm soát lạm phát

Sáng ngày 15/6/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo để chia sẻ về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022. Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo.

Sáng ngày 15/6/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo để chia sẻ về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022. Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo.

Tham dự họp báo còn có đại diện các Vụ, Cục, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng - NHNN, đại diện Hiệp hội Ngân hàng, VAMC, NAPAS, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đại diện các ngân hàng và phóng viên, nhà báo từ các cơ quan báo chí. 

Phát biểu khai mạc buổi họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã khái quát những nét chính trong kết quả của ngành ngân hàng đã đạt được 6 tháng vừa qua. Theo đó, ngành ngân hàng sớm khôi phục các hoạt động bình thường sau dịch để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tốc độ chu chuyển của vốn đã được đẩy nhanh. Điều hành chính sách tiền tệ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nguy cơ hiện hữu về lạm phát. Chưa bao giờ nền kinh tế thế giới có những biến động mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định. Dòng vốn tiếp tục được huy động, là lực đẩy cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng tích cực, đạt 8,16% tính đến 9/6. Mức tăng trưởng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, cho thấy việc khôi phục kinh tế và doanh nghiệp là khả quan. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Trạng thái ngoại tệ của các NHTM là tích cực. Chuyển đổi số rất tích cực, nhiều sản phẩm mới từ các NHTM, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc. Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 3 - 2021-2025 tiếp tục được đẩy mạnh, củng cố ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực về mọi mặt, hệ thống hoạt động an toàn, lành mạnh…

Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nghiệp vụ thị trường mở được điều hành chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

NHNN điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát. Thanh khoản thị trường tiếp tục thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kết quả, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định của Chính phủ. Ngày 27/5/2022, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NDD-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.

Trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số hoạt động ngân hàng. Hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng tiếp tục được quan tâm, triển khai. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh với nhiều chương trình được công chúng đón nhận tích cực như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”...góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững. Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Đối với định hướng điều hành 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, lường trước nhiều yếu tố bất lợi với nền kinh tế, NHNN đã tính toán nhiều phương án uyển chuyển, hợp lý nhằm giữ vững giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Theo đó, NHNN sẽ cung ứng vốn cho nền kinh tế hợp lý trên cơ sở kiểm soát lạm phát, có tính đến các lĩnh vực ưu tiên, phục hồi sản xuất, phục hồi việc làm cho người lao động, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực thanh toán, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hàng lang pháp lý đồng thời thúc đẩy các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, tiện lợi, an toàn, phù hợp với người sử dụng ra thị trường.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục cơ cấu, nâng cao, ổn định, lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng, triển khai tới từng ngân hàng hướng tới thực hiện mục tiêu chung của Đề án. Mở rộng, tăng cường tín dụng chính sách và nâng cao tiếp cận tín dụng để từng bước đẩy lùi tín dụng đen.

Trong khuôn khổ cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã gửi tới toàn thể các phóng viên, nhà báo lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay