Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức sáng ngày 8/2/2023, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã thống nhất sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Theo Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho hay, thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước không bao giờ nâng lãi suất huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp.
Cũng theo ông Tùng, trước khi Hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã thống nhất với nhau sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của NHNN, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất huy động.
Về kiến nghị này, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank cho rằng, lãi suất tùy thuộc quản trị rủi ro, chi phí hoạt động của mỗi ngân hàng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank, doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ đáo hạn mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, trong khi đó nguồn thu và dòng tiền thu được từ bất động sản bị chững lại. Do vậy, nếu không có biện pháp hỗ trợ dẫn đến doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng cũng như các khoản trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn không thanh toán được. Nếu có thể cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ thêm thời gian nhất định cũng là sự hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn này.
“Những giải pháp trên hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản sống sót qua thời gian này. Trong vài năm tới khi thị trường ấm lên, kinh tế phát triển và bất động sản sẽ trở lại nhịp bình thường”, ông Hưng nhìn nhận.
Lãi suất cho vay gồm rất nhiều loại chi phí: chi phí huy động vốn, thanh khoản, chi phí xác suất vỡ nợ… Trong bối cảnh rủi ro thì ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ NIM đủ để bù đắp rủi ro khi thị trường có biến động. Điều đáng nói là từ khi đại dịch đến nay ngành Ngân hàng chia sẻ rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cổ đông, bảo toàn vốn. Do vậy, ngân hàng và doanh nghiệp ngồi bàn bạc phải nhau đưa ra giải pháp hài hòa lợi ích.
“Doanh nghiệp và ngân hàng đang trên một chiếc xuồng, phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm”, ông Dũng ví von.
Được biết, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đang có kế hoạch giảm thêm lãi suất huy động từ tuần sau (dự kiến từ 13/2). Theo đó, lãi suất huy động tối đa sẽ giảm về 8,5%/năm với tổ chức và 8,7%/năm với cá nhân, thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay.
Mức lãi suất 9,5%/năm được thiết lập từ hồi tháng 12/2022, dưới sự kêu gọi của NHNN, Hiệp hội ngân hàng, hàng loạt nhà băng đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về mức lãi suất huy động tối đa trên tại tất cả các kỳ hạn (bao gồm các khoản khuyến mại).
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được NHNN có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, lãi suất có thể sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này do điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn. Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023.
Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Liên quan tới lãi suất, tại Hội nghị, lãnh đạo NHNN khẳng định luôn chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.