
Hình ảnh giao dịch hoạt động tại MB
Trong đó, 10.000 tỷ đồng là trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2, phần còn lại là trái phiếu thông thường không nhằm mục đích bổ sung vốn tự có. Cụ thể, đợt 1, MB dự kiến chào bán tối đa 4.000 tỷ đồng (40.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu), dự kiến từ tháng 5/2025 và đợt 2 chào bán 6.000 tỷ đồng (60.000 trái phiếu), dự kiến từ tháng 6/2025.
Hai đợt trái phiếu này có kỳ hạn từ 5 đến 10 năm, được phát hành riêng lẻ, không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và được tính vào vốn cấp 2 theo quy định.
Ngoài ra, MB sẽ phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu thông thường với kỳ hạn 2-3 năm, không chuyển đổi, không có bảo đảm, nhằm huy động vốn bổ sung phục vụ hoạt động kinh doanh. Loại trái phiếu này cũng được phát hành riêng lẻ và ghi sổ theo hình thức bút toán.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm 2025, MB đã thực hiện 4 đợt chào bán trái phiếu với tổng giá trị huy động thành công 350 tỷ đồng.
Việc đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu phù hợp với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ mà MB đặt ra trong năm 2025. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ngân hàng đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 31.712 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2024.
Bên cạnh đó, MB kỳ vọng tăng tổng tài sản lên gần 1,37 triệu tỷ đồng (tăng 21,2%), huy động vốn tăng 23,3%, tín dụng tăng 23,7% tùy hạn mức cấp phép của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,7%. Mục tiêu mở rộng tệp khách hàng lên 34-35 triệu người trong năm 2025, hướng tới 40 triệu người vào năm 2029.
Đặc biệt, MB dự kiến mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ (khoảng 1,6% vốn điều lệ) trong năm 2025 hoặc 2026 nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông và nâng cao giá trị cổ phiếu trên thị trường.
Cuối cùng, ngân hàng cũng lên kế hoạch góp vốn tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV (tiền thân là OceanBank), đơn vị đang được chuyển giao bắt buộc, kỳ vọng có thể ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2025.