Thứ tư, 06/11/2024
   

Không có khả năng trả nợ, ngư dân phó mặc ngân hàng

Tương tự như Quảng Ngãi, không còn khả năng chi trả nợ cho ngân hàng, hàng chục tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đều nằm bờ và đều thuộc diện chờ ngày ra tòa thanh lý phát mãi tàu.

Tương tự như Quảng Ngãi, không còn khả năng chi trả nợ cho ngân hàng, hàng chục tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đều nằm bờ và đều thuộc diện chờ ngày ra tòa thanh lý phát mãi tàu.

"Tôi không còn khả năng trả nợ nữa rồi"

Cuối năm 2016, con tàu BĐ 99245TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) hạ thủy, vươn khơi bám biển mang theo niềm tự hào, hy vọng được vươn khơi xa của người con vùng biển.

Hơn 30 năm qua, ông Sơn cùng 3 người con đều theo nghề biển, đã có một cơ ngơi đáng nể tại một trong những khu vực làm nghề biển có tiếng của tỉnh Nam Trung Bộ này. Dành dụm được 1 tỷ, gia đình ông Sơn góp vào làm vốn đối ứng, vay thêm Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài với số tiền 18,8 tỷ để đóng tàu vỏ thép theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67.

Nhận tàu được vài tháng, tàu của ông Sơn đã bị gãy trục khuỷu, phải nằm bờ sửa chữa. Tàu được lắp máy của hãng DOOSAN (Hàn Quốc), đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu đi được 2 chuyến biển, nhưng chuyến nào cũng gặp sự cố ở máy tàu. Ông Sơn cho rằng máy tàu không đồng bộ, yêu cầu công ty đóng tàu phải thay máy mới nhưng không được đáp ứng. Tàu cá nằm bờ quá lâu, nợ nần bủa vây, ông Sơn phải chấp nhận thay thế linh kiện, phụ tùng máy tàu theo công ty.

"Sau vài năm, ra khơi thu nhập không được bao nhiêu mà máy móc hư hỏng liên tục, chúng tôi xoay mãi chỉ trả được 500-600 triệu, cả gốc và lãi đã tăng lên 22 tỷ. Tháng 7 tới đây, tôi sẽ ra tòa, chờ ngày ngân hàng thanh lý phát mãi tàu chứ không còn khả năng để trả nợ nữa rồi", ông Sơn chua chát.

Ông Trần Đình Sơn cho biết đã bán hết tàu vỏ gỗ để đầu tư vào tàu thép, nhưng nay tàu không còn, cả gia đình ông và 3 người con đều tay trắng, thất nghiệp, không biết làm gì để sống. Giờ tuổi ông cũng đã già, sức yếu, làm phụ hồ cũng không được, nên chắc kiếm gì buôn bán lặt vặt sống qua ngày.

"Mong rằng Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngư dân bị thanh lý tàu như chúng tôi, tạo việc làm thay thế. Trên cơ sở xem xét cụ thể từng trường hợp xem nguyên nhân không trả được nợ là do hư hỏng tàu, do yếu tố khách quan dịch bệnh hay là chây ì không chịu trả nợ để giải quyết sớm", ông Sơn nói.

Khong co kha nang tra no ngu dan pho mac ngan hang 2

Con tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Lý bị rỉ sét, chờ ngày ngân hàng phát mãi.

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Lý (ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) hạ thủy con tàu vỏ thép vào cuối năm 2016, với số vốn vay hơn 13,2 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng.

Khi con tàu hoạt động thì nhiều lần gặp sự cố hư hỏng, rỉ sét phải nằm bờ sửa chữa. Tháng 3/2018, Công ty Đại Nguyên Dương hoàn thành việc bảo hành, bàn giao tàu lại cho ông Lý nhưng việc đi đánh bắt cũng không thuận lợi do máy móc tiếp tục bị sự cố, không mua được bảo hiểm tàu cá…

Ông Lý chia sẻ: "Những năm đầu chưa quen với tàu vỏ thép, thêm tàu hư hỏng liên tục chưa mang lại hiệu quả thì năm 2019 dịch bệnh kéo dài khiến tàu không ra khơi được, chi phí dầu tăng lên từ 14.000-15.000 lên 20.000 đồng/lít, một chuyến ra khơi tầm 1.000 lít dầu, tiền nhân công 7-8 triệu/người, tổng chi phí tầm 350 triệu nên hầu hết các chuyến ra khơi trở về đều lỗ, nếu có thu cũng không đủ để trả nợ".

Đến năm 2020, tổng dư nợ trong hợp đồng vay vốn của ông Lý hơn 16,4 tỷ đồng (nợ gốc hơn 13,2 tỷ đồng, lãi tạm tính hơn 3 tỷ đồng, còn lại là lãi trả chậm) nên BIDV Phú Tài khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Khi ra tòa, phía BIDV đồng ý hòa giải, yêu cầu ông Lý đưa tàu vào hoạt động để trả nợ.

Năm 2021, ông Lý đi đánh bắt được vài chuyến nên đã trả bớt nợ xấu cho ngân hàng nhưng các chuyến biến hiện nay doanh thu kém.

Phát mãi tàu vỏ thép không phải là giải pháp tối ưu

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện Nghị định 67, tỉnh Bình Định có 61 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng đóng mới (48 tàu thép, 8 tàu composite, 5 tàu gỗ) với các ngân hàng thương mại, tổng số tiền cho vay là 921 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động có 4 tàu đã bị chìm (3 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ), còn lại 57 tàu đang hoạt động.

Đến cuối năm 2021, có 20 tàu cá đóng mới đang hoạt động bình thường (chiếm 35%), 18 tàu đang nằm bờ (chiếm 31,77%) và 19 tàu bị ngân hàng xử lý (chiếm 33,3%). Trong số các tàu bị ngân hàng xử lý, có 2 tàu bị bán đấu giá, các chủ tàu còn lại bị ngân hàng BIDV tại Bình Định kiện ra tòa để đòi nợ.

Khong co kha nang tra no ngu dan pho mac ngan hang 3

Hầu hết các tàu vỏ thép đều gặp khó khăn trong sản xuất, nợ xấu tiếp tục tăng nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đại diện ngân hàng BIDV Phú Tài (TP. Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, các vụ kiện đã được tòa thụ lý, giải quyết. Trách nhiệm của ngân hàng là phải thu hồi nguồn vốn đã cho vay nhưng BIDV Phú Tài cũng không muốn ngư dân phải mất nhà, mất tàu rồi rơi vào cảnh túng quẫn. Vì vậy, khi ra tòa, phía ngân hàng đồng ý để ngư dân bảo quản tàu vỏ thép và ra khơi đánh bắt, có kế sinh nhai và có điều kiện để trả nợ.

Về việc thu hồi nợ tàu cá đóng mới, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc giám sát, quản lý dòng tiền từ bán hàng của chủ tàu do tàu hoạt động ở vùng biển xa, ít vào cảng cá tại Bình Định mà thường xuyên cho tàu vào các cảng ở xa để bán. Thậm chí, chủ tàu còn bán cho các tàu dịch vụ hậu cần thu mua ngay ngoài khơi trước khi tàu cập vào cảng.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, tài sản thế chấp vay vốn là tàu cá, ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải qua nhiều năm đã giảm giá trị nhiều do hao mòn, xuống cấp nhanh, do đó tình hình thu nợ rất khó khăn. Con tàu và ngư lưới cụ khi sắm mới có giá từ 16 tỷ đến hơn 18 tỷ đồng nhưng chỉ sau vài năm sử dụng, không được bảo quản đúng cách nên bây giờ bán đấu giá chỉ được 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng.

Hiện việc đánh bắt của ngư dân đang thua lỗ nên chỉ một kỳ hạn ngân hàng không thu được nợ là có khả năng dư nợ lớn hơn giá trị tài sản, dẫn đến việc xử lý tài sản không thể thu hồi đầy đủ nợ vay. Vì vậy, việc phát mãi tàu vỏ thép không phải là giải pháp tối ưu mà cần có giải pháp khác, tạo điều kiện để ngư dân đánh bắt mới có thể trả được nợ.

Theo Báo Chính phủ

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay