Ngày 27/4/2022, tại Trụ sở Cơ quan Thường trực, Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (VietFintech) thuộc Hiệp hội Ngân hàng đã trang trọng tổ chức Lễ kết nạp 07 hội viên mới theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nâng tổng số thành viên Câu lạc bộ lên 35 đơn vị.
Tham dự Lễ kết nạp có sự hiện diện của ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, các ông, bà lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan Thường trực, Ban Chủ nhiệm và các thành viên Câu lạc bộ VietFintech.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, ông Nguyễn Đăng Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech nêu rõ, căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ, đơn xin gia nhập của các đơn vị và sau khi xem xét đề nghị của Thường trực Câu lạc bộ, Ban Chủ nhiệm đã đánh giá, lựa chọn 07 tổ chức đủ điều kiện để kết nạp vào Câu lạc bộ đợt này, trong đó có 05 thành viên chính thức, gồm: Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin;Công ty Cổ phần Kalapa; Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt; Công ty Cổ phần Viễn thông FPT; Công ty Cổ phần Khai thác và Phân tích dữ liệu CIC và 2 thành viên liên kết, gồm: Công ty TNHH BPC Việt Nam; Công ty TNHH Thông tin NICE Việt Nam. Như vậy, đến nay Câu lạc bộ VietFintech đã có tổng số 35 tổ chức hội viên.
Sau khi tặng hoa và chúc mừng các thành viên mới gia nhập Câu lạc bộ VietFintech, thay mặt Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã phát biểu chỉ đạo hoạt động của Câu lạc bộ trong thời gian tới. Theo Tổng Thư ký, việc kết nạp thành viên mới không chỉ là sự kiện quan trọng của mỗi đơn vị, mà còn cho thấy sự phát triển, lớn mạnh của Câu lạc bộ VietFintech, đặc biệt sau khi đã kiện toàn tổ chức của Câu lạc bộ. Là tổ chức trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng, Câu lạc bộ cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, lợi thế riêng có của mình để cùng với Hiệp hội Ngân hàng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nói chung và tham gia góp ý xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động ngân hàng và công nghệ tài chính.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Ban Chủ nhiêm Câu lạc bộ VietFintech tiếp tục rà soát, bổ sung chương trình công tác để đảm bảo thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hội viên; Tích cực cùng Hiệp hội Ngân hàng tham gia phản biện chính sách, góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực fintech. Trước mắt, tập trung góp ý dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàngtrên cả 6 lĩnh vực thử nghiệm (i) Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; (ii) Chấm điểm tín dụng; (iii) Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); (iv) Cho vay ngang hàng (P2P Lending); (v) Ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT); (vi) Ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Theo đó, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ cần chủ động đảy mạnh các hoạt động hội thảo, tọa đàm, kiến nghị, đề xuất để các ứng dụng sớm đi vào thực tiễn, có hiệu quả, an toàn; Xây dựng hệ sinh thái Fintech kết nối, chia sẻ giữa các thành viên trong Câu lạc bộ; Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng yêu cầu mỗi tổ chức thành viên Câu lạc bộVietFintech nêu cao trách nhiệm, chấp hành và tham gia đầy đủ vào các hoạt động của Câu lạc bộ, đoàn kết, thống nhất, tin tưởng và chia sẻ, tích cực tham mưu, hỗ trợ cho Hiệp hội Ngân hàng về đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan. “Đến nay, vai trò, uy tín của Hiệp hội Ngân hàng đã không ngừng tăng cao; Mỗi tổ chức thành viên mạnh thì Câu lạc bộ sẽ mạnh, các Câu lạc bộ mạnh thì Hiệp hội Ngân hàng cũng sẽ mạnh lên” - Tổng Thư ký chia sẻ.
Giới thiệu về 07 thành viên mới kết nạp
1. Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin (Fiin Credit) là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính; Sở hữu 100% vốn của cá nhân là công dân Việt Nam. Fiin Credit có đội ngũ sáng lập, điều hành và quản lý có bề dày kinh nghiệm 15 năm trong lĩnh vực fintech, công nghệ, tài chính, ngân hàng. Sau 3 năm xây dựng và phát triển, Fiin Credit hiện đang đạt được các chỉ số ấn tượng: 1 triệu khách hàng sử dụng; 6.000 đối tác, điểm hỗ trợ dịch vụ, trở thành hệ thống kết nối cung cấp dịch vụ “Tài chính số toàn diện cho Cuộc sống số”.
2. Công ty Cổ phần Kalapa, lĩnh vực hoạt động Công nghệ thông tin và dữ liệu lớn, với các nhóm sản phẩm, dịch chính: eKYC - Định danh khách hàng; Antifraud - Chống gian lận tín dụng; Lead Scoring - Chấm điểm khách hàng. Mục tiêu của Kalapa là: Trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; Làm chủ các công nghệ an ninh, an toàn máy tính, mạng máy tính và bảo mật thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ phân tích và xử lý dữ liệu lớn; Góp phần phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
3. Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit), mới được ra mắt thị trường tài chính tiêu dùng từ cuối 2018 với tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng đã có những bước khởi đầu khó khăn hơn rất nhiều so với các Công ty tài chính tiêu dùng tương đồng khác cùng thời điểm. Tuy nhiên với lợi thế sản phẩm đặc thù và duy nhất trên thị trường, cùng những tính năng độc đáo, mang lại sự tiện ích linh hoạt, đơn giản cao cho khách hàng trong giải ngân, thanh toán... đã giúp thị phần của Công ty dần được mở rộng và phát triển từng ngày, khẳng định vị thế nhất định của VietCredit trong ngành tài chính tiêu dùng.
VietCredit hoạt động trong 04 lĩnh vực chính: Hoạt động cấp tín dụng vơi quy mô (năm 2021) là 3.548.202 đồng, bao gồm Cho vay các tổ chức kinh tế và cho vay cá nhân, đoàn thể; Huy động vốn; Đầu tư kinh doanh chứng khoán nợ; Kinh doanh vốn trên thị trường tiền tệ. VietCredit luôn chú trọng việc đầu tư, phát triển, ứng dụng và mở rộng việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, an toàn, bảo mật nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, bắt nhịp với những xu hướng công nghệ mới, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
4. Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) thành viên thuộc Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam - FPT, là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có uy tín, được khách hàng yêu mến tại Việt Nam cũng như khu vực. Sau hơn 20 năm hoạt động, FPT Telecom lớn mạnh vượt bậc với hơn 9.000 nhân viên chính thức, gần 200 văn phòng điểm giao dịch tại hơn 60 tỉnh thành toàn quốc. Bên cạnh đó, Công ty đã và đang đặt dấu ấn trên trường quốc tế với 8 chi nhánh ở Campuchia và được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tại Myanmar.
Hiện FPT Telecom đang phát triển ngành nghề kinh doanh mới - cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán - với mong muốn đem đến một giải pháp tài chính số thông minh, an toàn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng. Giải pháp tài chính số này mang tên Foxpay. Foxpay vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê trong 2 năm liên tiếp (2021, 2022), khẳng định vị thế của mình trong ngành dịch vụ CNTT, đặc biệt trong lĩnh vực Tài chính số.
Với sứ mệnh cùng mong muốn mỗi gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một dịch vụ của FPT Telecom, Công ty luôn tiên phong trong việc cung cấp những sản phẩm, dịch vụ dẫn đầu xu thế, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, tiện ích nhất trong quá trình sử dụng.
5. Công ty Cổ phần Khai thác và Phân tích dữ liệu CIC (CIC Data) là công ty cung cấp dịch vụ thông tin và các giải pháp trong lĩnh vực công nghệ - tài chính về đánh giá và xếp hạng tín nhiệm khách hàng, đánh giá khả năng gian lận rủi ro của khách hàng, cũng như giới thiệu khách hàng tiềm năng.
Lĩnh vực hoạt động, sản phẩm chính của CIC Data là: Cung cấp thông tin về đánh giá và xếp hạng khách hàng; Đánh giá khả năng gian lận rủi ro của khách hàng; Dịch vụ giới thiệu khách hàng tiềm năng. Công ty có thế mạnh về công nghệ học máy, Big Data với hệ thống Model được xây dựng và liên tục nâng cấp từ năm 2018, đạt được tín nhiệm từ khách hàng là những công ty tài chính và ngân hàng lớn tại Việt Nam như: FE Credit, Home Credit, MAFC, TPBank FICO…
6. Công ty Trách nhiệm hữu hạn BPC Việt Nam thuộc sở hữu của BPC Banking Technologies (BPC), được sáng lập vào năm 1996 có trụ sở chính đặt tại Thụy Sỹ. BPC có hơn 350 khách hàng là các ngân hàng và các tổ chức tài chính trên khắp thế giới, trong đó có nhiều ngân hàng lớn nhỏ tại Việt Nam.
Lĩnh vực hoạt động, sản phẩm chính của BPC Việt Nam là: Nền tảng Smart Visa; Thanh toán kỹ thuật số Smart Visa; Ngân hàng Smart Visa; Thương mại Smart Visa; Di động Smart Visa. SmartVista - sản phẩm chính của công ty nằm trong Top 3 sản phẩm tự động hóa quy trình trực tuyến trên thế giới, gồm các giải pháp ngân hàng, thương mại và di động tiên tiến như ngân hàng số, ATM & chuyển mạch, xử lý thanh toán, quản lý thẻ và gian lận trong các lính vực tài chính, cổng thương mại, các giải pháp vận tải và thành phố thông minh.
7. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông tin NICE Việt Nam (NICE Việt Nam) là công ty 100% vốn Hàn Quốc, trực thuộc NICE Group - tập đoàn đứng đầu về thị phần cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng và quản lý rủi ro tại Hàn Quốc. Hoạt động tại Việt Nam được 10 năm, là đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng cho Trung tâm Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Lĩnh vực hoạt động, sản phẩm chính của NICE Việt Nam là: Giải pháp tư vấn (Hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân; Hệ thống quản lý thu hồi nợ); Giải pháp hỗ trợ và vận hành hệ thống (R-CLIPS; N-Builder, N-Strategy); Dịch vụ thông tin phi tài chính (Dịch vụ định danh khách hàng; Giải pháp tra cứu điểm rủi ro tín dụng khách hàng; Điểm phi tài chính dựa trên dữ liệu Telco; Dịch vụ cung cấp danh sách khách hàng tiềm năng Leadgen).