Thứ hai, 25/11/2024
   

Kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu đến hết 2023

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống nhất cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống nhất cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt về Tổng kết Nghị quyết 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, sáng 24/5.

Chính phủ, NHNN đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 42

Đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của NHNN cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42.

Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên, bảo đảm đúng quy định. Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến tính hiệu lực của Nghị quyết và hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, như: văn bản số 4606/BTC-TCT của Bộ Tài chính, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao...

Về kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu, từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD; đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Trong thời gian áp dụng Nghị quyết, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42.

Theo UBKT, một số biện pháp được thí điểm như mua bán nợ theo giá trị thị trường, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán từng bước phát huy tác dụng. Các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động sôi động hơn, hoạt động của VAMC đạt kết quả tốt, bước đầu tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.

"Giai đoạn 2017-2021, nợ xấu cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%; quy mô, năng lực tài chính của các TCTD được tăng cường; năng lực quản trị, điều hành tiếp tục được nâng cao; sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD được giữ vững; hệ thống các TCTD tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19” - ông Vũ Hồng Thanh nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...). Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống. UBKT đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42, sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu

Cũng theo Chủ nhiệm UBKT, còn những khó khăn, vướng mắc chủ yếu như việc áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết chưa đạt hiệu quả; một số nội dung tại Nghị quyết chưa được hướng dẫn đầy đủ (như phương pháp thẩm định giá với các khoản nợ, trường hợp trên/trong tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên bảo đảm hoặc bên thứ ba, nội hàm quy định về “tài sản tranh chấp trong vụ án” tại Điều 7 hoặc “không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” tại Điều 14 của Nghị quyết); khó triển khai (như điều kiện, hồ sơ áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án); hoặc chưa thống nhất (như thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm).

Ngoài ra, có một số vấn đề cần thiết trong thực tiễn để thúc đẩy xử lý nợ xấu nhưng chưa được quy định trong Nghị quyết (như chủ thể được thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng, hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính). UBKT đề nghị cần có giải pháp tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cụ thể.

Thẩm tra Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong UBKT thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

“Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả đã đạt được” - ông Thanh nhấn mạnh.

Đồng thời, có ý kiến đề nghị cần thuyết minh kỹ hơn về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết, vì còn có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để; dự liệu những vấn đề có thể phát sinh khi kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm. Có ý kiến cho rằng, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết cần gắn với thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế Nghị quyết số 42, bảo đảm tính liên tục cũng như xử lý hiệu quả nợ xấu.

“Đa số ý kiến trong UBKT thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ TCTD, VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới” - Chủ nhiệm UBKT thông tin.

Trước áp lực nợ xấu của các TCTD dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, UBKT đề nghị Chính phủ, NHNN có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này.

Xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường tiền tệ thế giới nhằm bảo đảm nguồn vốn được khơi thông; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng quản trị điều hành, quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính nhằm bảo đảm các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về an toàn vốn và quản trị vốn; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ xấu đến các tầng lớp nhân dân để khách hàng và các bên liên quan trong công tác xử lý nợ có ý thức và chủ động thực hiện.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, UBKT thấy rằng việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo trong thời gian tới là hết sức cần thiết, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở kế thừa các quy định phát huy được hiệu quả của Nghị quyết số 42, giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu của nền kinh tế và phát triển hơn nữa thị trường mua, bán nợ xấu trong tương lai.

“Do đó, UBKT đề nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc tổng kết, sửa đổi, hoàn thiện Luật Các TCTD và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023” - ông Vũ Hồng Thanh đề xuất.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay