Thứ hai, 17/06/2024
   

Hoàn thiện, thống nhất về kiểm tra chứng từ giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân

Ngày 13/10/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức Tọa đàm về "Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân".

Tọa nhằm mục đích trao đổi, góp ý về nội dung Bộ Quy tắc và thực hiện các giải pháp kiểm soát giao dịch thanh toán, giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới, giúp hạn chế rủi ro cho các Tổ chức tín dụng, qua đó đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định.

chuyển tiền quốc tế
Quang cảnh tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong thời điểm hiện nay, chuyển tiền nước ngoài ngày càng phổ biến như việc mua bán, kinh doanh, du học hay là trợ cấp người thân...Nhưng việc kiểm soát và quản lý hoạt động thanh toán chuyển tiền qua nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

chuyển tiền quốc tế
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Việc xây dựng, hoàn thiện bộ quy tắc với những nội dung không trái quy định pháp luật. Tất cả các nội dung trong bộ quy tắc đều theo quy định của pháp luật và tính pháp lí phải có, để có được cần bổ sung các văn bản quy định pháp luật để đảm bảo được tính nguyên tắc, tính pháp lí, có sự quản lí và giám sát của cơ quan quản lí nhà nước.

Để hoàn thiện và thực hiện thống nhất Bộ quy tắc, TS Nguyễn Quốc Hùng mong muốn cơ quan quản lí nhà nước cùng hỗ trợ giúp đỡ các tổ chức tín dụng, đồng thời các tổ chức tín dụng cần đoàn kết, thống nhất, tạo thành một tập thể vững mạnh để sớm triển khai Bộ quy tắc, thống nhất thanh toán quốc tế vào thực tiễn, triển khai toàn hệ thống trong thời gian tới.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, xây dựng Bộ quy tắc là việc làm hết sức cần thiết vì hiện nay, việc chuyển tiền ra nước ngoài chưa có các quy định cụ thể mà khi cá nhân chuyển tiền chỉ cần đảm bảo giao dịch chuyển tiền quốc tế phù hợp với quy định. Vậy nên, việc thực hiện bộ quy tắc và thực hành thống nhất về chuyển tiền ra nước ngoài đối với khách hàng cá nhân đòi hỏi cán bộ thực thi cần chú trọng và nâng cao kiến thức khi áp dụng bộ quy tắc vào thực tiễn. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, việc quản lí ngoại hối không chỉ đơn thuần là hành vi của con người mà giao dịch mang tính chất chuyển đổi số, thực hiện giao dịch trên không gian mạng, vì vậy càng khó xác định các giao dịch chuyển tiền nào là hợp pháp, an toàn nên cần có bộ quy tắc cụ thể để thực hiện.

chuyển tiền quốc tế
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Ông Tuấn nhấn mạnh, nguyên tắc chung trong thực hiện các giao dịch chuyển tiền nói chung là cần đảm bảo, phù hợp với quy định. Các quy định thông tin cần gắn kết với quy định của luật phòng chống rửa tiền. Không những vậy, cần triển khai tập huấn, trao đổi để các cán bộ thực hiện nắm được quy trình trong quá trình triển khai Bộ quy tắc.

Đại diện Vụ Quản lí ngoại hối mong muốn Ngân hàng nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các tổ chức tín dụng cùng phối hợp chặt chẽ và Vụ Quản lí ngoại hối luôn sẵn sàng thực hiện, giúp đỡ để thực hiện thành công và sớm ban hành bộ quy định về việc hoàn thiện, thống nhất về kiểm tra chứng từ giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân

Trao đổi về dự thảo, bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) chỉ rõ những điểm cần thiết về việc xây dựng Bộ quy tắc, căn cứ vào quy định tại Điều 39 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định trách nhiệm của Tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và điều 16 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra chứng từ của các Tổ chức tín dụng. Trong giao dịch thanh toán quốc tế, pháp luật hiện không có quy định cụ thể về hồ sơ, chứng từ trong từng giao dịch cụ thể. Khi các Tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ thanh toán, Tổ chức tín dụng sẽ tự ban hành danh mục hồ sơ, chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ về tính phù hợp với giao dịch thực tế của Khách hàng. Do đó, việc kiểm soát hồ sơ sẽ phụ thuộc vào ý chí và sự nhận định về tính phù hợp của Tổ chức tín dụng khi cung cấp dịch vụ. Theo đó, hạn chế mà các Tổ chức tín dụng gặp phải là: Khó khăn trong việc xác định tính phù hợp giữa hồ sơ khách hàng cung cấp và giao dịch thực tế có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Trong trường hợp khi có sự thanh kiểm tra từ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do pháp luật không có quy định cụ thể về hồ sơ trong từng giao dịch nên cơ quan thanh/kiểm tra có thể đưa ra sự nhận định về tính phù hợp về chứng từ giao dịch khác so với nhận định, giải trình của Tổ chức tín dụng.

chuyển tiền quốc tế
Bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành “Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân” sẽ rất cần thiết cho các Tổ chức tín dụng tham khảo, rà soát lại quy định nội bộ để điều chỉnh phù hợp,  tạo ra sự nhất quán thuận lợi cho Tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch với khách hàng và làm việc, giải trình với các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm toán…

Trao đổi tại tọa đàm, đại diện của các Tổ chức tín dụng cũng đã cùng nhau thảo luận, đề xuất, kiến nghị về dự thảo Bộ quy tắc trong hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của cá nhân nhằm kiểm soát hiệu quả hơn cũng như thực hiện sao cho thuận tiện, đúng thủ tục pháp lí, pháp luật cho cả cá nhân, khách hàng và các Tổ chức tín dụng có thể kiểm soát hiệu quả hơn như: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng tổ chức tín dụng thay cho các văn bản giấy tờ, chứng từ yêu cầu khách hàng cung cấp khi thực hiện giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài: Bản sao hoặc Bản photo kèm Bản gốc để đối chiếu...

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận các ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng cũng như của các Tổ chức tín dụng. Vụ Quản lý ngoại hối sẵn sàng tham mưu, đồng hành với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng như các Tổ chức tín dụng để xây sựng, sửa đổi và hoàn thiện Bộ quy tắc sớm triển khai vào thực thế. Đồng thời, ông cũng mong muốn, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục phối hợp, phát huy vai trò là cầu nối giữa Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đồng tình với những thảo luận của các Tổ chức tín dụng. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng khẳng định thêm đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là khung pháp lí, trên cơ sở đó các Tổ chức tín dụng đưa vào quy chế, áp dụng đối với tổ chức của mình. Trong trường hợp đưa vào thực tiễn có các trường hợp phát sinh cũng cần trao đổi, đánh giá và cân nhắc.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ mong muốn sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, phản hồi của các Tổ chức tín dụng cũng như sự ủng hộ, phối hợp của Vụ Quản lý ngoại hối để Bộ quy tắc sớm được ban hành. Đồng thời, CLB Pháp chế cũng cần có thêm đề xuất thành lập nhóm dự thảo về Bộ quy tắc, thông qua đó lắng nghe ý kiến, xây dựng dựa trên đóng góp của các tổ chức hội viên. Về phía Hiệp hội ngân hàng cũng sẽ có văn bản trình lên Cơ quan quản lí nhà nước để tiến hành dự thảo quy chế và triển khai trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay