Cuộc họp được tổ chức vào lúc 14h, ngày 12/10/2023 tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 193 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp, về phía Bộ Tư pháp có: Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư Pháp; cùng đại diện các phòng chuyên môn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước có bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Về phía Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có: Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch; cùng các đại diện các ban chuyên môn.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam; đại diện các tổ chức hội viên; lãnh đạo các Ban, đơn vị trong Hiệp hội.
Được biết, Luật Công chứng được ban hành từ năm 2014, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các loại giao dịch dân sự và trong đời sống xã hội. Trong hoạt động ngân hàng, pháp luật công chứng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng và khách hàng trong việc giao kết các hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa các tranh chấp giúp hệ thống tài chính ngân hàng phát triển ổn định, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Hơn nữa, trải qua hơn 8 năm ban hành, bối cảnh kinh tế xã hội đã có nhiều biến động, đòi hỏi sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận được nhiều ý kiến góp ý của các TCTD về những vướng mắc, bất cập tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Một số vấn đề nội dung vướng mắc nổi bật, các tổ chức hội viên đang gặp phải, gồm:
Thứ nhất, vướng mắc về giá trị pháp lý của văn bản công chứng: Cách xác định thời điểm có hiệu lực của các văn bản/giao dịch liên quan đến việc công chứng; Điều kiện Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực;…
Thứ hai, vướng mắc về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên: Trách nhiệm đối với nội dung, giá trị của bản dịch; Quyền tư vấn pháp lý cho khách hàng;…
Thứ ba, vướng mắc về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn: Về việc địa điểm yêu cầu công chứng trên phiếu yêu cầu; Công chứng ngoài trụ sở tổ chức công chứng; Thông tin trên phiếu yêu cầu đối với trường hợp người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức nước ngoài; Các “giấy tờ tùy thân” hợp lệ; Việc yêu cầu và nộp hồ sơ yêu cầu công chứng trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc thông qua các phương tiện điện tử phù hợp;…
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) xem tại đây